Tuyển sinh 2016: Cẩm nang chọn nghề, chọn ngành học.

(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Các bạn nên lựa chọn ngành nào, trường nào để vừa có được sự yêu thích, đam mê mà vừa sức học của mình?

Trước khi quyết định chọn lựa một nghề, bạn nên bỏ ra ít nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu những điều cần biết về nghề ấy. (Hình: Ngô Văn Lanh (bìa trái) bên tác phẩm đại bàng tung cánh và những người thợ ở cơ sở của mình – Ảnh: H.T.Vân – TNO)

Lựa chọn ngành nghề phù hợp để dự thi và học là điều quan trọng nhất của các bạn học sinh lớp 12 ngay từ bây giờ.Bởi nó không chỉ giúp cho các bạn một tương lai tốt đẹp sau này mà nhất là không phải lãng phí thời gian và tiền bạc để theo đuổi một ngành nghề mà mình không yêu thích, không có khả năng theo đuổi đam mê, hoặc những ngành ít có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.Vậy, các bạn lưu ý những điều sau đây khi lựa chọn ngành nghề để học:

Nhu cầu xã hội rất rộng nên cần nhiều người cho nhiều nghề khác nhau, việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp không phải là việc quá khó. Mỗi người chúng ta làm nghề gì, cần phải căn cứ vào khả năng của mình, hoàn cảnh kinh tế gia đình và nhu cầu xã hội.

Thực tế khi chọn nghề để học là chọn ngành nghề mà năng lực của mình có thể đảm đương được và ngành học đó phải thực tiễn, có tính ứng dụng sát với yêu cầu xã hội. Bạn không cần so bì kết quả với một ai, chỉ cần theo đúng sở trường và sở thích của mình. Bởi với sự cạnh tranh ngày càng cao, nếu các bạn không lành nghề, sẽ không dễ tiến thân, nếu không muốn nói là “khó nhọc kiếm sống”. Mà một trong những nhân tố giúp cho bạn dễ dàng trở nên giỏi nghề là theo học nghề nào phù hợp với khả năng của mình nhất. Đó là biết nhìn vào thực tế bản thân khi chọn nghề để học. Vì vậy, nếu như buộc phải chọn giữa nghề nghiệp mà bạn “yêu thích” và nghề nghiệp phù hợp với “khả năng” thì bạn hãy ưu tiên chọn nghề mà mình có khả năng làm tốt nhất.

Đánh giá chính xác khả năng bản thân để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, chọn được ngành nghề mà năng lực của mình có thể đảm đương. Cũng có nghĩa là không tùy tiện đoán định bản thân học cái này không được, học cái kia cũng không được rồi chạy theo sự miêu tả, khuyến dụ của kẻ khác, hoặc tìm học theo sự tán thành của số đông. Nếu nhu cầu học chỉ để biết, để trang bị kiến thức thì bạn có thể học bất cứ gì bạn thích, nhưng nếu học một nghề để “kiếm sống” cho đàng hoàng thì ngành học đó phải thực tiễn, có tính ứng dụng sát yêu cầu xã hội và phù hợp khả năng của mình.

Dựa trên kết quả học tập bậc THPT, nhất là năm cuối ở lớp 12, các bạn có thể tự xác định nên đi theo hướng nào: ĐH, CĐ hay Trung cấp nghề và khối gì (A,B,C,D,V,H…). Các bạn xác định xem mình học tốt môn nào thì chọn khối thi tương ứng. Tuy nhiên việc chọn khối thi xong còn phải xác định khả năng của mình để chọn ngành thi có điểm chuẩn tương ứng với khả năng thì cơ hội trúng tuyển mới cao.

Lưu ý về ngành học sẽ dự thi, xem nó cần kỹ năng gì, mình có đáp ứng được không, như: giao tiếp, ngoại hình, sức khỏe…; xem xét về nhu cầu việc làm của xã hội sau này, mức học phí, tổ chức thi hay xét tuyển… để quyết định ngành sẽ dự thi.

Thực tế, tự quyết là quan trọng nhất:Tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, không chỉ để các bạn hiểu biết đối với nghề định chọn sẽ làm trong tương lai mà còn có thể làm cho bạn hiểu rõ thêm giá trị của nghề này, hình thành sự hứng thú và tâm nguyện cống hiến cho nghề đã chọn.

Theo các chuyên gia, dự báo về nhu cầu cần nhân lực cho một số các ngành học sau khi ra trường của sinh viên như sau:

Ngành Sư Phạm đã bảo hòa, ngoại trừ Giáo viên Mầm non, bảo mẫu.

Những ngành như Công an – Quân đội khi đỗ vào đại học cũng là lúc chắc chắn có một công việc ổn định sau này.Tuy nhiên, năm 2016 này ngành Công an đã giảm gần nửa chỉ tiêu tuyển sinh nên việc dự tuyển sẽ khó khăn hơn.

Đối với các bạn có học lực giỏi thì có thể đăng ký vào các ngành Y-Dược bởi ngành này đang cần nhiều nhân lực nhất là các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc và phần lớn các tỉnh đều thiếu; và không chỉ các bệnh viện công lập cần người, thì các phòng khám tư nhân và mô hình mới như “Bác sĩ gia đình”, “chăm sóc sức khỏe, làm đẹp”, “điều dưỡng” cũng rất cần những người có chuyên môn giỏi.Để thi và học các ngành này, bạn có thể đăng ký thi và học tại các trường Đại học Y-Dược ở Hà Nội, Thái Bình, Huế, Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Những ngành đang được xem là có nhu cầu rất nhiều nhân lực ở hiện tại và nhiều năm sau nữa như: Nhóm ngành Cơ khí, Điện, Hóa chất, Kỹ thuật nông lâm nghiệp, Kỹ thuật thủy sản, Công nghệ thông tin, CNTT- phần mềm, Công nghệ địa chất – Vật lý, Công nghệ sinh học, Xã hội học, Marketing, Bất động sản, Xây dựng, Thiết kế thời trang, Chế biến Nông lâm-hải sản, Du lịch & khách sạn … Điều lưu ý là điểm thi đầu vào các ngành này không cao nên sẽ là cơ hội lớn cho các bạn có học lực khá, trung bình.Hơn nữa, học những ngành học này sau khi ra trường bạn có nhiều cơ hội được tuyển dụng, không chỉ các cơ sở công lập tuyển dụng mà các doanh nghiệp tư nhân, các công ty liên doanh cũng rất cần. (Để thi vào các ngành này các bạn có thể đăng ký thi vào đại học tại địa phương mình hoặc một số trường đại học ở các tỉnh lân cận).

Lựa chọn ngành nghề phù hợp để dự thi và học là điều quan trọng nhất của các bạn học sinh lớp 12 ngay từ bây giờ. Tuy nhiên bạn cũng cần nhớ: Trong suốt cuộc đời người ta, chẳng có mấy ai chỉ làm 1 nghề duy nhất. Bất kỳ người nào cũng có thể thành công trong nhiều nghề. Bạn cũng vậy, không chỉ có độc nhất 1 nghề là hợp với bạn thôi đâu. – Cố gắng nhé!

Chúc các bạn chọn được ngành học phù hợp và thành công.

Trương Đăng Khoa (Hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục