(hieuhoc_hieuhoc.com) Khoa học và công nghệ vũ trụ là tổng hợp thành quả từ nhiều ngành khoa học và công nghệ khác nhau. Việc ứng dụng công nghệ vũ trụ giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế…
Những ứng dụng trực tiếp cho kinh tế và xã hội
Thế kỷ 21, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ cũng đang ở trong giai đoạn bùng nổ. Nếu chú ý người ta sẽ nhìn thấy ứng dụng công nghệ vũ trụ ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày: ti-vi, điện thoại di động, máy tính xách tay, v.v. Không ai mà không biết đến những ứng dụng tuyệt vời của hệ thống định vị được tích hợp trong những chiếc điện thoại nhỏ xíu hay bản đồ điện tử, giúp chúng ta tìm được đến những hang cùng ngõ hẻm nhỏ nhất. Những ứng dụng này có được là nhờ một hệ thống vệ tinh phức tạp đang bay trên bầu trời. Nếu bạn thích du lịch thì chỉ cần lên máy bay, chưa đầy 24 tiếng bạn đã ở phía bên kia của quả đất nhưng những chiếc máy bay sẽ không thể di chuyển dễ dàng như thế nếu thiếu đi các hệ thống kiếm soát hành trình và hệ thống định vị.
Ngày nay việc theo dõi môi trường, rừng, biển, khí hậu, thiên tai cũng đã sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ vũ trụ vào một ngành riêng biệt là ngành viễn thám (remote sensing). Viễn thám là ngành nghiên cứu sử dụng các hệ thống dò tìm, đo đạc đặt trên các vệ tinh trên bầu trời để quan sát các khu vực dưới mặt đất. Nhờ vậy mà người ta có thể được thu thập hình ảnh, số liệu một phần diện tích rộng và có một cái nhìn tổng thể hơn.
Trở thành nhà thiên văn học: Ước mơ trong tầm tay
Khoa học và công nghệ vũ trụ là tổng hợp thành quả từ nhiều ngành khoa học và công nghệ khác nhau, là biểu tượng của một quốc gia phát triển. Nhận thức được điều đó, Việt Nam đã và đang thúc đấy mạnh mẽ quá trình phát triển ngành công nghiệp vũ trụ nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội cũng như khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên không gian. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khoa học vũ trụ và làm chủ công nghệ tiên tiến là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Ở Việt Nam, việc học và nghiên cứu công nghệ vũ trụ thường qua các ngành có liên quan đến vũ trụ như: vật lý, công nghệ thông tin, viễn thông… hoặc học trực tiếp vào chuyên ngành như Kỹ sư Công nghệ vũ trụ; Cử nhân – Thạc sĩ Vũ trụ Ứng dụng (Space and Applications) tại Đại học Công nghệ, ĐH FPT. Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được học các kiến thức nền về quản trị, quản lý dự án khoa học, ngoại ngữ và luật pháp…
Học công nghệ vũ trụ để làm gì?
Phần lớn các bạn trẻ thường hỏi học công nghệ vũ trụ rồi ra làm gì? – Việc đầu tiên mà các bạn có thể làm đó là tại các trung tâm khoa học liên quan ở Việt Nam như đã kể ở trên. Do đặc thù liên ngành của ngành công nghệ vũ trụ, với kiến thức được trang bị bạn cũng có thể tìm việc làm ở các ngành kỹ thuật liên quan như điện, cơ khí, hàng không… hay các ngành khác như ngân hàng và tài chính. (Theo thống kê mới đây ở Mỹ, ngành công nghệ vũ trụ là ngành học ít bị thất nghiệp nhất, ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay).
Riêng tại Việt Nam, tương lai nghề nghiệp của ngành công nghệ vũ trụ đang rộng mở với nhiều cơ hội: kỹ sư và nghiên cứu viên tại các viện khoa học như Trung tâm Vũ trụ và Trung tâm Vệ tinh quốc gia; chuyên viên và kỹ thuật viên tại các tập đoàn viễn thông; chuyên viên trắc địa, thăm dò tại các cơ quan khí tượng, các tập đoàn khoáng sản và dầu khí; trở thành giảng viên đại học chuyên ngành thiên văn học, v.v… Sinh viên ngành vũ trụ và ứng dụng cũng có thể trở thành kỹ sư tại các công ty hàng không chuyên sản xuất thiết bị cho máy bay Boeing, Airbus hay các công ty thiết kế và chế tạo ô tô như Mercedes, BMW…
Việt Nam trở lại sân chơi hàng không vũ trụ
Nhà nước ta đã chính thức tái khởi động chương trình nghiên cứu vũ trụ sau hơn 20 năm kể từ khi Phạm Tuân, là người châu Á đầu tiên, mang màu cờ Việt Nam lên bản đồ không gian thế giới. Ngày 14/6/2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020″. Ngày 20/11/2006, Viện Công nghệ vũ trụ (Space Technology Institute – STI) được thành lập trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, với mục tiêu trở thành cơ sở nghiên cứu đầu ngành về công nghệ vũ trụ của nhà nước. Cuối năm ngoái, Trung tâm Vệ tinh quốc gia Việt Nam (Vietnam National Satellite Centre – VNSC) được chính thức hoạt động, đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Trung tâm Vệ tinh quốc gia cũng sẽ thực hiện, tiếp nhận, quản lý, khai thác Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Cách trung tâm Hà Nội 30km, trải rộng trên diện tích 9ha, Khu Nghiên cứu – Triển khai Công nghệ vũ trụ tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc có tổng vốn 350 triệu đô-la Mỹ từ nguồn vốn vay ODA ưu đãi của Nhật Bản. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hoà Lạc sẽ được lắp đặt các thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam và khu vực, sánh tầm nhiều trung tâm vũ trụ lớn của thế giới. Cùng với việc chủ động giám sát thảm họa, quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển các ngành khoa học phụ trợ, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ là nơi thành lập Trung tâm Quan sát Trái đất và Phát triển vệ tinh, chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ vũ trụ, tạo đà phát triển bền vững cho Việt Nam, thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện Viện Công nghệ vũ trụ – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đơn vị nghiên cứu đầu ngành về công nghệ vũ trụ đã và đang nghiên cứu phát triển một số vấn đề về công nghệ vệ tinh nhỏ, quan sát trái đất, thiết kế và chế tạo các trạm thu ảnh vệ tinh khí tượng, công nghệ viễn thám, động lực học vũ trụ và cơ điện tử chính xác nhằm phục vụ một số lĩnh vực như quy hoạch phát triển, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, lập bản đồ nguy hiểm, đánh giá rủi ro, cảnh báo sớm, cứu trợ thiên tai…
Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công tác nghiên cứu và làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ cỡ nhỏ (pico và mini) với dự án vệ tinh VNRedsat 1 (hợp tác với Pháp) và vệ tinh VNRedsat 2 (hợp tác với Bỉ), cùng nhiều dự án hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Hiện nay, tương lai nghề nghiệp ngành công nghệ vũ trụ và ứng dụng tại Việt Nam vô cùng rộng mở.
“Không gian vũ trụ không còn quá xa xôi, chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể nếu có quyết tâm!”. – Chúc bạn thành công. – Nhã Trang (hieuhoc_hieuhoc.com).
Theo: – Quản lý khoa học (Tia sáng/Bộ KH-CN)
–Graphicsweb.wsj.com
–CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC)