Hỏi: Em luyện thi khối A và dự định thi vào hai trường: Đại học Kinh tế và Đại học Ngoại thương. Ba môn Toán – Lý – Hóa em đều khá và tự tin sẽ trúng tuyển ít nhất một trường, với mơ ước trở thành nhà doanh nghiệp. Nhưng em có một băn khoăn:
Theo những anh chị đã hoặc đang học ở hai trường đó cho biết, thi vào toán, lý, hóa nhưng khi học và ra hành nghề thì chỉ dùng toán thôi. Còn lại dùng những kiến thức khác liên quan đến khoa học xã hội, khoa học quản lý, chính trị học, kinh tế học… Những môn khoa học đó lại thiên về trí nhớ, phải học thuộc mà em thì chúa ghét học thuộc. Ngay những năm học phổ thông, em rất ngán các môn khoa học xã hội và thường làm bài phải có “phao” mới vượt qua được. Vậy xin hỏi:
a/ Nếu học ĐH Kinh tế hoặc ĐH Ngoại thương mà không dùng đến Lý, Hóa, hà tất phải thi hai môn đó? Sao không bắt thi khoa học xã hội?
b/ Em yếu về khoa học xã hội và các môn học thuộc, liệu có theo học ngành kinh tế, ngoại thương được không?
c/ Nếu “ép” sao đó để cho nhớ (khỏi dùng “phao”) thì có thể tạm được, nhưng em không thích. Mà đã không thích, liệu còn hứng thú để học nghề và hành nghề theo mơ ước được không?
Trả lời: Câu hỏi đầu tiên của bạn có liên quan đến việc tổ chức thi tuyển. Nếu có sự bất hợp lý nào đó trong việc xác định những môn thi đầu vào, chắc chắn sớm muộn sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh. Dù sao về phía bạn cũng cần xác định rằng thi Lý – Hóa hoặc thi các môn khoa học xã hội cốt là khảo sát trình độ học vấn phổ thông của thí sinh trước khi tuyển chọn. Đã là học vấn phổ thông thì không thể coi nhẹ lĩnh vực nào.
Việc chia Khoa học tự nhiên / Khoa học xã hội là do con người phân loại để đi sâu nghiên cứu. Còn thiên nhiên và xã hội là một chỉnh thể không chia cắt. Bất kỳ ai làm việc trong một ngành chuyên môn nào đó cũng phải luôn luôn đối diện với cả tự nhiên và xã hội, nhiều khi còn phải giải quyết những vấn đề của thiên nhiên và xã hội nằm ngoài chuyên môn đó. Đặc biệt với ngành kinh tế, không một hoạt động thương mại nào mà không gắn với con người và xã hội. Nghĩa là, muốn nghiên cứu và làm việc có hiệu quả cao trong các doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự soi rọi của khoa học xã hội và nhân văn.
Bởi vậy, nếu bạn thiết tha với nghề kinh doanh (nhất là kinh tế ngoại thương), nên điều chỉnh lại sự học của mình: không coi nhẹ các môn khoa học xã hội, cũng đừng nghĩ rằng học KHXH chỉ cần trí nhớ. Trong trường hợp chưa thể điều chỉnh được như thế, vẫn còn một hướng mở cho bạn: bạn có thể chọn một chuyên ngành phù hợp với điểm mạnh của mình về tư duy toán học. Đó là ngành Toán Thống kê hoặc Tin học Quản lý trong Đại học Kinh tế.
Cứ dần dần đi sâu vào chuyên ngành thống kê hay quản lý (có vận dụng toán), bạn sẽ thấy rõ kinh tế học và hai lĩnh vực đó rất gắn bó với nhau. Nghĩa là khoa học tự nhiên rất khăng khít với khoa học xã hội và khoa học quản lý. Đến lúc đó, vì mê say với chuyên môn và nghiệp vụ chuyên ngành, bạn sẽ không còn thấy chán khi phải nghiên cứu KHXH trong kinh doanh (như Chiến luợc marketing, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế vi mô, Tâm lý học kinh doanh, Tâm lý học quản lý…). Các lĩnh vực đó rất cần đến những phong cách nghiên cứu tìm tòi và tư duy sáng tạo, trong đó có toán học (mặt mạnh của bạn) là một công cụ nghiên cứu không thể thiếu. Hãy phát huy mặt mạnh đó trong nghề nghiệp của bạn sau này.
Nguồn: tuvanhuongnghiep.vn