Có bao giờ bạn bị tổn thương sâu sắc, đến nỗi giận người đó không thể tha thứ được? Nếu bạn chưa lâm vào tình cảnh đó, thì thật may mắn cho bạn, nhưng nếu bạn thực sự giận một người đến như thế, thì cảm giác của bạn thế nào? Liệu bạn có thể nào tha thứ không, nếu người đó thật lòng hối lỗi?
Học cách quên để tha thứ
Sẵn sàng quên đi là một cách cân bằng tâm lý, cần phải chân thành và thản nhiên đối mặt với cuộc sống. Có một câu nói rất hay rằng tức giận là lấy sai lầm của người khác để trừng phạt chính mình, cứ mãi nhớ và không quên khuyết điểm của người khác thì người bị tổn thương nhiều nhất chính là bản thân mình, bởi lẽ đó để có được niềm vui và cuộc sống thanh thản ta không nên truy cứu lỗi lầm cũ của người khác. Thế nhưng rất khó để tha thứ cho người đã từng làm mình tổn thương, dù sự tổn thương ấy có sâu sắc hay không.
Vì vậy, hãy khoan dung với những lỗi lầm của người khác, hãy cho họ một cơ hội để sửa chữa những sai lầm nếu họ đã thật lòng hối lỗi. Tục ngữ Việt Nam cũng có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Khi một người làm sai biết nhận ra cái sai và sửa chữa lỗi lầm là điều vô cùng đáng quí. Chúng ta hãy dang tay đón nhận điều đáng quí ấy, hãy thể hiện sự bao dung và can đảm của bản thân, để cho những con người trót sai lầm có cơ hội nhìn nhận lại mình và cố gắng để hoàn thiện hơn.
Tha thứ cho tâm hồn thanh thản
Khi giận ai đó, cảm giác của bạn thế nào? Có phải rất khó chịu không? Có phải rất bực bội không? Nếu người đó gặp nhiều điều tốt đẹp thì bạn sẽ càng không vui phải không? (Mặc dù không phải ai cũng như thế, vẫn có những bạn tuy giận nhưng không vì giận mà xử sự một cách hẹp hòi)
Thực ra, ghét 1 người cũng đồng nghĩa với việc làm khổ chính mình đấy bạn ạ!
Khi ghét 1 người, bạn không còn nhiều thời gian để quan tâm bản thân mình nữa, mà suốt ngày chỉ nghĩ đến… người mình ghét (thử nhớ lại xem đúng không?). Lần hối, có thể bản thân mình thay đổi, biến thành một con người hẹp hòi và nhỏ mọn lúc nào cũng không hay.
Vì vậy, đừng ghét hay giận ai nữa bạn nhé! Nếu lỗi lầm không đến nỗi nào và người ta cũng đã “cải tà qui chính”, thì hãy cứ bỏ qua đi bạn nhé! Ai mà không có lỗi chứ! Chính bản thân bạn cũng đã từng đôi lần mắc lỗi cơ mà, lúc ấy chắc hẳn bạn cũng rất mong nhận được sự tha thứ của người khác đúng không?
Tuy nhiên, tha thứ không đồng nghĩa với bao che, sự tha thứ chỉ dành cho những ai thật sự biết nhìn nhận lỗi lầm và sửa chữa sai lầm, những kẻ lợi dụng sự khoan dung của người khác, tiếp diễn sai lầm và làm tổn thương người khác…, tốt nhất bạn nên cảnh giác với họ.
Tha thứ cho người khác cũng chính là tha thứ cho chính mình.
Để vết thương mau lành, hãy làm theo những lời khuyên sau:
-Đừng chờ đợi câu xin lỗi
– Chúng ta thường câu nệ rằng: “Tôi sẽ không tha thứ chừng nào hắn chưa nói lời xin lỗi”. Nhưng làm như vậy chỉ khiến chúng ta phải ôm nỗi hận trong nhiều năm mà rốt cục chỉ mình mình khổ. Như thế cũng tức là chúng ta để cho sự bình yên của mình nằm trong tay kẻ khác. Vì vậy, hãy giải quyết cơn giận và nỗi đau của mình ngay từ bây giờ.
– Thông cảm với người phạm lỗi
– Người ta có thể đã hành động vì sự vô tâm, nỗi lo sợ hoặc niềm đau của chính họ. Có một câu nói rằng: Đằng sau mỗi anh chàng đểu cáng đều có một câu chuyện buồn. Hãy tự đặt mình vào vị trí của người lầm lỗi, hoặc viết một bức thư cho chính mình dưới quan điểm của người ta.
Nhà tâm lý Robert Karen phát biểu: “Chúng ta thường quên rằng kể cả người yêu chúng ta nhất cũng có thể làm ta tổn thương và đôi khi phản bội ta. Nó không phải lúc nào cũng là dấu hiệu kết thúc mối quan hệ”.
Và nếu bạn đã từng phạm sai lầm và đang mong chờ sự tha thứ của người khác, trước hết bạn phải học cách tha thứ cho chính mình, đừng bị dằn vặt bởi lỗi lầm mà hãy xem đó là bài học để sau này bước vững vàng hơn trong cuộc đời, sai để tránh không sai nữa.
Những cảm giác đau đớn sẽ vẫn tồn tại cho dù bạn đã bỏ qua chuyện cũ. Có những lúc bạn sẽ cần phải làm mới lại sự tha thứ của mình. Nhưng vượt qua được sẽ giúp bạn thảnh thơi bước tiếp. Cuối cùng, cũng nhớ đưa chính bản thân mình vào danh sách tha thứ nhé.
Theo: (Hoathuytinhblog)