(hieuhoc_hieuhoc.com) Hiện nay, việc quay phim, chụp hình người khác nhằm phát tán rộng rãi trên mạng ngày càng phổ biến và đang là trào lưu đáng báo động trong giới trẻ. Mong muốn thể hiện cái tôi và là mốt thời thượng thì nội dung càng “độc” càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Những nhà làm phim trẻ đam mê
Nhiều bạn trẻ có chung niềm đam mê, kết nối ý tưởng thành lập các câu lạc bộ quay phim, nhiếp ảnh đã tạo được tiếng vang như các câu lạc bộ quay phim, nhiếp ảnh 4Cus Media với đoạn phim ngắn đầu tay mang tên ‘Locked’ – là một trong 5 clip lọt vào vòng chung kết cuộc thi ATV Media. Không chỉ được ban giám khảo đánh giá cao, đoạn phim còn khiến người xem trầm trồ thán phục khả năng diễn xuất cũng như kỹ thuật quay phim và kỹ xảo của nhóm sinh viên thực hiện.
Tương tự nhóm 4Cus, nhóm FU cũng là một nhóm làm phim trẻ với các thành viên là học sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM). Sau gần 4 tháng mày mò tất cả các khâu, từ lên ý tưởng, viết kịch bản, diễn xuất, quay phim, nhóm FU đã cho ra đời bộ phim rất chân thực về đời sống học trò dài 90 phút mang tên ‘Try’.
Hoặc như, ba bạn học sinh trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Huế) đã tự làm một bộ phim tài liệu mang tên ‘Nước mắt bào thai’ và đã giành giải nhì Liên hoan phim toàn quốc cho học sinh Việt Nam lần 3. Tháng 5/2010, nhóm học sinh lớp 9A5, trường THPT Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội cũng đã khiến cộng đồng mạng quan tâm với đoạn phim Boy Over Powers – The Meteor Strike…
Với tính chất độc lập, cộng đồng, tự nguyện và phi lợi nhuận, hầu hết các nhóm làm phim nghiệp dư ra đời đều tự phát. Và dù chưa được đánh giá cao về chuyên môn, nhưng nhiều bộ phim đã khiến dư luận xôn xao bởi khả năng của những nhà làm phim trẻ không chuyên đã đưa dòng phim không chính thống này đến với công chúng.
Ngược lại là những clip vô cảm…
Xã hội ngày càng hiện đại, thanh thiếu niên được trang bị các phương tiện kỹ thuật tiện dụng nên họ dễ dàng thực hiện việc quay clip. Thời gian gần đây, xuất hiện nhan nhãn ngày càng nhiều clip bạo lực, ghi âm chửi thề, liên tục được tung tràn lan lên mạng khiến dư luận bàn tán xôn xao và người trong cuộc cũng khổ trăm bề.
Nhiều bạn trẻ không ý thức được hậu quả do hành vi mình gây ra và hậu quả là nỗi đau về thể xác lẫn cú sốc về tinh thần khiến nạn nhân đớn đau. Đó là việc một bộ phận bạn trẻ “chơi nổi” với xu hướng sống phô trương và tìm mọi cách để được nhiều người biết đến hoặc với ý đồ hạ uy tín, danh dự người khác bằng việc lén quay clip những hành động bạo lực, nữ sinh bị đánh hội đồng, bị lột áo, bị sỉ nhục; cảnh phòng the, “lộ hàng” hoặc ghi âm những lời nói không hay rồi tung lên mạng.
Đối với người tung clip, hành động này thể hiện sự ích kỷ, hiếu thắng nhất thời, mục đích làm đối phương bị sụp đổ về mặt tinh thần nên chấp nhận cách ứng xử mang tính ác nghiệt, không màng suy xét đến hậu quả lâu dài.
Đối với nạn nhân, họ phải chịu những cú sốc nặng nề, căng thẳng về mặt tâm lý vì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người thân của họ. Áp lực này có thể khiến họ trầm cảm, rối loạn tâm thần và cảm xúc dẫn đến nguy cơ tự tử khi vượt quá mức chịu đựng.
Thay đổi, phát triển là lẽ dĩ nhiên của cuộc sống. Nhưng dưới góc độ văn hóa thì những clip này chẳng khác nào một liều thuốc độc, một trào lưu lệch chuẩn. Họ để mặc cho các cảm xúc tiêu cực kiểm soát hành vi và thái độ của mình, trở nên nhẫn tâm hơn trước nỗi đau của người khác. Đây không chỉ là lỗ hổng về giáo dục nhân cách mà còn là sự thiếu hụt kiến thức trên nhiều phương diện, đặc biệt là hiểu biết về pháp luật.
Chẳng lẽ chúng ta chỉ có cách duy nhất là phải ẩn mình vào thế giới mạng để tung các “clip vô cảm” thì mới thể hiện được mình? Và để chống tác động của các clip vô cảm, cộng đồng rất cần sự ý thức phân biệt tốt xấu của các bạn trẻ chúng ta.
Theo Luật sư Bùi Quang Nghiêm (*TTO), việc tung clip lên mạng có thể “dính” nhiều tội:
1 – Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (điều 253 Bộ luật hình sự)
Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào chính thức định nghĩa thế nào là “văn hóa phẩm đồi trụy”, song theo cách hiểu truyền thống và mặc nhiên được công nhận thì các sản phẩm văn hóa (văn hóa phẩm) thể hiện dưới các hình thức phim ảnh, băng đĩa hình… có nội dung khiêu dâm… thì bị coi là “văn hóa phẩm đồi trụy”. A có thể bị truy tố về tội này nếu cơ quan điều tra nhìn nhận clip này là “văn hóa phẩm đồi trụy” và chứng minh được việc tung clip đó lên mạng là nhằm mục đích “phổ biến” cho người khác.
2 – Tội làm nhục người khác (điều 121 Bộ luật hình sự)
A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác theo điều 121 Bộ luật hình sự. Cơ quan điều tra sẽ đánh giá mức độ tác động tiêu cực của sự việc trên cho xã hội, mà quan trọng là xem xét mức độ ảnh hưởng đến nạn nhân có nghiêm trọng hay không để quyết định có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
3 – Tội đưa trái phép thông tin lên Internet (điều 226 Bộ luật hình sự)
Người đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Học đạo diễn
Dự án “Chúng tôi làm phim” đang tuyển sinh khóa học miễn phí cho các bạn muốn trở thành đạo diễn. Các bạn sẽ được học cách làm phim tài liệu và phim truyện.
Điều kiện: các bạn trẻ ở Hà Nội, trong độ tuổi từ 12-22, có máy quay phim hoặc máy ảnh có chức năng quay phim. Sau khi đăng ký tham gia, các bạn sẽ trải qua 3 vòng tuyển chọn: sơ tuyển, trung tuyển và phỏng vấn, bài quay. Hạn cuối nhận đăng ký là ngày 30.12.2010
Thông tin thêm trên website http://chungtalamphim.vn/
Gia Nghi tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)