Bài Học Bổ Ích

Mời các bạn dành chút thời gian để đọc câu chuyện sau đây. Bổ ích lắm đó!

Xin nhớ ba chữ “T”: Tôn trọng chính mình (tự trọng); Tôn trọng những người khác; Trách nhiệm về các hành vi của bạn.

Ngày xưa, có một cậu bé nóng tính. Bố cậu đưa cho cậu một túi đinh và dặn rằng: Cứ mỗi lần mất bình tỉnh, mất kiên nhẫn, hoặc cãi nhau với ai, thì cậu đóng một cái đinh vào khúc gỗ.

Ngày đầu tiên, cậu đóng 36 cái đinh vào khúc gỗ. Ngày qua ngày, vài tuần sau, cậu biết cách kềm chế, nên số đinh đóng vào khúc gỗ bớt dần. Lúc đó, cậu khám phá ra là: tự kềm chế dễ hơn là đóng đinh vào khúc gỗ.

Cuối cùng, đến một ngày kia, cậu không phải đóng một cái đinh nào vào khúc gỗ nữa. Cậu đi gặp bố và thưa rằng: Hôm nay con không còn phải đóng cái đinh nào nữa hết!

Lúc đó, bố cậu mới bảo rằng: Ngày nào không mất kiên nhẫn, không mất bình tỉnh hoặc không cãi nhau với ai, thì con hãy nhổ một cái đinh ra khỏi khúc gỗ.

Ngày lại ngày trôi qua, cuối cùng cậu bé đến gặp bố và thưa rằng: Con đã nhổ tất cả đinh khỏi khúc gỗ rồi!

Ông bố bèn dẫn cậu con đến khúc gỗ và bảo: Này con, con đã biết cách xử sự tốt rồi đó! Nhưng con hãy nhìn xem các lỗ đinh trên khúc gỗ. Khúc gỗ hiện nay không còn như trước kia nữa! Khi con cãi nhau với ai và nói điều gì xấu xa, con đã để lại cho người ấy một vết thương trong lòng, cũng như những vết đinh trên khúc gỗ này vậy. Con có thể đâm con dao vào một người rồi rút ra, nhưng mãi mãi vẫn còn một vết thương, vết thẹo, phải không? Dù con có xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương vẫn còn đó!

Khi nói với người khác rằng: Tôi quí mến bạn, hãy nói nghiêm túc

Khi nói với người khác rằng: Tôi xin lỗi bạn, hãy nhìn vào mắt người đó.

Một vết thương do lời nói gây ra cũng làm đau nhức như một vết thương trên thân thể. Huống nữa đó là một lời chụp mũ, vu khống, cáo gian, làm cho người ta tù tội, dở sống dở chết, danh dự bị tổn thương, hạnh phúc bị tan vỡ, cuộc đời còn lại chìm đắm trong phiền não khổ đau!

Những người bạn là những viên ngọc quí hiếm, họ có thể làm cho con cười và khuyến khích con. Họ sẵn sàng lắng nghe khi con cần đến. Họ nâng đỡ và mở lòng ra với con. Con hãy làm cho các bạn của con thấy là con yêu thương họ đến đâu.

Xin hãy gửi câu chuyện này đến tất cả những ai mà bạn coi như là bằng hữu, cho dù làm như vậy là bạn đã gửi câu chuyện này lại cho người đã gửi đến bạn. Nếu câu chuyện này trở lại với bạn, khi đó, bạn biết là bạn đã có được một vòng bằng hữu.

Khi bạn muốn và không đạt được điều bạn muốn, đôi khi lại là may mắn!

Theo (Chân Tuệ/GDPG)

Cùng chuyên mục