Tư vấn: NV2 ngành nào, trường nào, bao nhiêu điểm?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Năm 2011, chỉ tiêu xét NV2 của các trường có nhiều mức điểm khác nhau, thí sinh có điểm trên sàn đứng trước nhiều cơ hội chọn lựa. Tuy nhiên, với kết quả điểm thi của mình, các em nên chọn ngành nào, trường nào để có cơ hội vào đại học cao nhất?

Năm 2011 có 415.282 thí sinh đạt trên điểm sàn. Trong đó, 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1 còn lại 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1.

·Khối A

Khối A là khối có nhiều thí sinh dự thi nhất và cũng là khối có nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV2 nhất ở các trường. Các ngành học xét tuyển NV2 ở khối A cũng khá đa dạng, điểm sàn xét tuyển cũng có nhiều mức khác nhau.

Ở ĐH Quốc gia TPHCM: Trường ĐH KHTN có điểm sàn xét tuyển khối A từ 14 đến 15 điểm. Trường ĐH KHXHNV có điểm sàn khối A ở mức 14,5. Trong khi đó, trường ĐH Sài Gòn có điểm sàn xét tuyển các ngành ở khối này chỉ ở 13,5 đến 15,5 điểm. Cao nhất là ngành Sư phạm Toán (18 điểm).

Hàng loạt ngành ở trường ĐH Công nghiệp TPHCM có điểm sàn xét tuyển khối A cũng chỉ từ 13 đến 16,5 điểm. Nhiều ngành tuyển NV2 khối A ở các trường như ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM có điểm sàn xét tuyển chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ từ 0,5 đến 1 điểm.

Lưu ý: ĐH Ngân hàng TP.HCM chỉ xét tuyển NV2 ngành Quản trị kinh doanh cho thí sinh đã dự thi khối A vào trường. Tương tự, ĐH Hà Nội có 163 chỉ tiêu xét tuyển NV2 nhưng điều kiện xét tuyển là những thí sinh có NV1 thi vào trường ĐH Hà Nội nhưng không đủ điểm trúng tuyển. (Như vậy, những thí sinh dự thi ở trường khác mặc dù có điểm cao hơn mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển của trường cũng không được xét tuyển).

·Khối B

Ở khối B, trường ĐH KHTN TPHCM xét tuyển NV2 với mức điểm 15 vào ngành Sinh học (100 chỉ tiêu). Trường ĐH Tôn Đức Thắng xét tuyển khối B vào các ngành như: Bảo hộ lao động, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật hóa học, Công nghệ sinh học với điểm sàn xét tuyển từ 14 đến 16 điểm.

Trong khi đó, trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng xét tuyển NV2 khối B vào các ngành: Công nghệ Hóa dầu, Công nghệ Hóa, Công nghệ Phân tích, Công nghệ Thực phẩm, Công nghệ Sinh học, Công nghệ Môi trường với điểm sàn xét tuyển khá cao từ 18,5 đến 21 điểm.

Trường ĐH Nông Lâm TPHCM có 2 ngành xét tuyển NV2 chương trình tiên tiến. Đó là ngành bác sĩ thú y với 30 chỉ tiêu (điểm xét tuyển khối B: 15); ngành khoa học và công nghệ thực phẩm với 30 chỉ tiêu (điểm xét tuyển khối B: 15,5). Chương trình tiên tiến giảng dạy bằng tiếng Anh, các môn chuyên ngành do các giáo sư của ĐH Queensland (Úc) giảng dạy.

Trong khi đó, hàng loạt trường ĐH ngoài công lập như: ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM, ĐH công nghệ Sài Gòn, ĐH Văn Hiến… có điểm sàn xét tuyển các ngành khối B chỉ ở mức điểm sàn.

=> Các trường ĐH, CĐ khối Y Dược thông báo xét tuyển NV2

·Khối C

Khối C là khối tương đối ít ngành nghề và điểm sàn xét tuyển ở nhiều trường công lập cao hơn điểm sàn của Bộ từ 2 đến 3 điểm. Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, thí sinh thi khối C đạt từ 16,5 điểm trở lên nhưng chưa trúng tuyển NV1 thì cơ hội vào NV2 khá cao.

Điểm sàn NV2 khối C ở các trường phân bố theo các cấp như: Trường ĐH KHXH&NV có điểm sàn xét tuyển là từ 15 đến 16 điểm; trường ĐH Sài Gòn từ 14,5 điểm (xét tuyển vào ngành Thư viện thông tin với điểm sàn 15,5 điểm); trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Văn hóa TPHCM, trường ĐH Sư phạm TPHCM và những trường ngoài công lập điểm sàn xét tuyển NV2 khối C chỉ ở mức 14 điểm. Ngoài ra, với 14 điểm trở lên, thí sinh khối C có thể xét tuyển NV2 các ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch – Lữ hành; Quản trị Khách sạn, Quản trị Nhà hàng – Dịch vụ ăn uống (Trường ĐH HUTECH)

·Khối D

Tương tự khối C, khối D1 điểm xét tuyển NV2 cũng có sự phân hoá rất rõ. Một số trường điểm xét NV2 khối D1 từ 14 đến 15 điểm trở lên như: ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH KHXHNV TPHCM… Ở khối D1, các ngành thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh có điểm sàn xét NV tương đối cao từ 16 đến 17 điểm trở lên như trường ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Kinh tế luật, ĐH Tài chính Marketing… Trong khi đó, cũng ở khối D1, các trường ĐH Văn hóa TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng có điểm sàn NV2 chỉ 13 điểm.

·Điểm chuẩn NV2 vào các ngành bằng mức điểm sàn

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy nhóm ngành nông lâm, cơ khí với khá nhiều chỉ tiêu NV2 nhưng điểm chuẩn ít chênh lệch so với điểm sàn NV2. Những trường, ngành thuộc nhóm ngành này như Nông lâm TP.HCM, Nông lâm (ĐH Huế), Cần Thơ, An Giang… đều có điểm chuẩn bằng điểm sàn NV2 hoặc chỉ cao hơn từ 0,5-1 điểm.

Ở nhóm ngành sư phạm, điểm chuẩn NV2 hầu hết thường cao hơn điểm sàn khoảng 2 điểm. Riêng nhóm ngành sư phạm kỹ thuật hầu như điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn NV2. Tương tự, nhóm ngành cử nhân khoa học ở các trường sư phạm, các ĐH đa ngành, điểm sàn NV2 cũng không có nhiều thay đổi so với điểm chuẩn NV1.

Tại TP.HCM, các trường ĐH lớn như Công nghiệp, Sư phạm, Nông lâm, Tôn Đức Thắng, ĐH Mở… thông báo xét tuyển khá nhiều chỉ tiêu NV2. Ở các trường này, nhóm ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, kinh tế nông lâm thường ít có biến động về điểm chuẩn NV2. (Riêng nhóm ngành kinh tế điểm chuẩn NV2 thường tăng mạnh so với điểm sàn xét tuyển).

Khối các trường ĐH ngoài công lập như ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang, ĐH Hùng Vương TPHCM, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng… có điểm sàn xét tuyển NV2 vào tất cả các ngành đều bằng mức điểm sàn ĐH của Bộ. Và theo thường lệ hàng năm, đây cũng là mức điểm chuẩn NV2 vào các ngành của các trường này.

Trường ĐH Văn Hiến tuyển sinh ở các khối A, C, D1,2,3,4,5,6 với khoảng 1.000 chỉ tiêu NV2. Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tuyển 1.700 chỉ tiêu (CT) NV2 bậc ĐH, CĐ cho các khối A, B, D, V và H. Theo đó, trường tuyển NV2 các ngành: công nghệ kỹ thuật cơ – điện tử; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; công nghệ thông tin; công nghệ thực phẩm; kỹ thuật công trình xây dựng; quản trị kinh doanh và thiết kế công nghiệp. Một số trường khác có chỉ tiêu NV2 khá cao như: ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM: 3.200 CT; ĐH Hùng Vương: 1.500 CT ở hệ ĐH; ĐH Ngoại ngữ – Tin học: hơn 1.400 CT; Trường ĐH Văn Lang: 2.450 CT, ĐH Quốc tế miền Đông 1000 chỉ tiêu…

Các trường ĐH vùng, ĐH địa phương dành nhiều chỉ tiêu để xét NV2 với điểm xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ. Những ngành được cho là “hot” như: tài chính ngân hàng, điện tử viễn thông, công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh… thường có mức điểm chuẩn chỉ dao động bằng điểm sàn hoặc cao hơn 1-2 điểm. Trong khi, những ngành này ở nhiều trường ĐH lớn ở thành phố thường từ 18 điểm trở lên.

Ở ĐH Đà Lạt, chỉ tiêu mỗi ngành đều trên 100. Ngành Kinh tế ở ĐH Quy Nhơn chỉ tiêu NV2 tới 200. Nhóm ngành Kinh tế, Kế toán ở ĐH Nha Trang có chỉ tiêu NV2 mỗi ngành đều 200…

Các ĐH như ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên, ĐH Quy Nhơn… có chỉ tiêu xét tuyển NV2 nhiều nhưng điểm xét tuyển tương đối thấp. Trường ĐH Cần Thơ xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu NV2 vào 31 ngành ở các khối: A, D, B với điểm sàn xét tuyển chỉ ở mức 13, 14 điểm. Trường ĐH An Giang cũng xét tuyển NV2 vào 22 ngành.

Các trường khác ở khu vực miền Tây như: ĐH Đồng Tháp, ĐH Tiền Giang… cũng đang xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu NV2 với điểm sàn bằng điểm sàn của Bộ. Ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên các trường như ĐH Quy Nhơn, ĐH Đà Lạt, ĐH Tây Nguyên, ĐH Nha Trang… cũng xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu NV2 vào nhiều ngành.

* Kết quả đạt 10 điểm: cũng có thể đỗ đại học

Số lượng thí sinh ở tỉnh, thành phố trong vùng Tây Bắc hay Đồng bằng Sông cửu Long nếu không trúng tuyển NV1 ở các thành phố lớn, quay về học ở các trường địa phương thuộc vùng miền trên, thì số lượng rất lớn, nhất là năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép rút hồ sơ NV2 và 3.

Điều 33 trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ áp dụng cho những vùng, ngành khó tuyển được phép vận dụng: được lấy điểm chênh lệch giữa các khu vực là 1 điểm thay vì nửa điểm. Như vậy, khác với các trường ĐH khác về khu vực ưu tiên, các trường thuộc diện áp dụng điều 33 quy chế tuyển sinh này năm nay lấy điểm chênh lệch giữa các khu vực là 1 điểm thay vì 0,5 điểm, khoảng cách từ khu vực một đến khu vực ba sẽ là ba điểm.

Do đó, với những thí sinh dưới điểm sàn, nếu ở khu vực 1 chỉ cần 10 điểm có thể dự tuyển vào bậc ĐH và 7 điểm để xin xét tuyển vào bậc CĐ. Ví dụ với khối A, điểm sàn là 13 nhưng với khu vực có thể giảm ba điểm, xuống còn 10 điểm.

Như ĐH Lạc Hồng; ĐH Trà Vinh; ĐH Phan Thiết đào tạo các chuyên ngành gồm: Tài chính – Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ thông tin, Tiếng Anh, Quản trị kinh doanh khách sạn và du lịch… Khi thí sinh trúng tuyển sẽ được hưởng các chế độ ưu tiên (vay vốn tín dụng, chính sách về miễn giảm học phí). Trường cam kết không thu thêm khoản nào ngoài học phí, không tăng học phí vượt khung quy định của Bộ, mức học phí thấp hơn so với các trường ĐH ngoài công lập khác…

* Thí sinh và phụ huynh có thể tham khảo thông tin của các trường đã thông báo xét truyển NV2 năm 2011 như sau:

Cùng chuyên mục