IPL và chuyện học không vì bằng cấp

Sự học của các bạn trẻ ở IPL là một minh chứng sống động rằng, có một thứ quan trọng hơn mọi thứ bằng cấp trên đời, đó là học làm sao cho ra một sự nghiệp để đóng góp cho đời…

37 bạn trẻ xuất sắc nhất đã vượt qua hàng ngàn ứng viên, vừa trúng tuyển vào Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPL – một môi trường phải khổ học nhưng không bằng cấp, hiếm hoi ở Việt Nam. (37 hạt giống của thế hệ IPL 2 đọc lời tuyên thệ trong lễ khai giảng).

Những người muốn “đi ngược” dòng chảy

Phải kiên nhẫn vượt qua 5 vòng thi kéo dài suốt 8 tháng, 37 bạn trẻ khao khát trở thành doanh nhân thành đạt trong tương lai, nhưng theo một cách không thông thường: muốn được học cho ra học đúng nghĩa và có lý tưởng sống “vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất”.

Nguyễn Hoàng Khang, người vừa trúng tuyển vào khóa học IPL2, kể về kỳ thi tuyển ấn tượng nhất của đời mình: “Điều tôi ngạc nhiên là vòng thi phỏng vấn với các nhà sáng lập IPL. Trước những câu hỏi của Hội đồng tuyển sinh, tôi đã tưởng mình trượt, vì về kiến thức, tôi còn thua nhiều người khác. Về sau tôi mới biết, Hội đồng tuyển sinh hỏi để nhìn ra tố chất của tôi chứ không kiểm tra kiến thức, điều này hoàn toàn khác với tất cả những cuộc thi mà tôi từng tham dự”.

Khang đã thuyết phục được hội đồng sáng lập IPL khi thể hiện mơ ước của mình là xây dựng được một công ty hàng đầu Việt Nam mang thương hiệu Việt về kết nối vận tải. Giải thích về công ty hiện Khang đang làm chủ (Sàn giao dịch thông tin vận tải-hàng hóa và kho bãi), bạn cho biết, hiện có khoảng 40% xe tải chở hàng khi quay về là xe không, làm lãng phí gần 5.000 tỉ đồng mỗi năm. Nếu như Khang có thể kết nối nhu cầu của tất cả mọi người, lượt về của những chuyến xe này có thể tiếp tục chở hàng thì sẽ bớt lãng phí cho xã hội rất nhiều.

Khát vọng quá lớn, trong khi những đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực của mình đến từ các nước như Philipin và Malaysia lại quá mạnh, Hoàng Khang đã quyết định đi tìm con đường mà cậu có thể học hỏi thực sự và tin tưởng để hoàn thành mơ ước của mình: xây dựng được một thương hiệu Việt.

Nhiều học viên rất ngỡ ngàng khi thấy một thành viên được lọt vào môi trường học để làm doanh nhân IPL là một giảng viên dạy piano của Nhạc viện TP.HCM. Trương Thanh Ái Nguyên bị ban giám khảo “quay” rất nhiều khi cô thể hiện mong ước của mình là muốn đem tinh hoa âm nhạc đến với đông đảo mọi người hơn. “Nếu em muốn chơi đàn giỏi thì em cứ tiếp tục học đàn, em chọn IPL làm gì?”, Nguyên trả lời: “Nếu chỉ một mình em có cơ hội chơi đàn thì chỉ là “tự sướng” với mình, em mong muốn có một môi trường để học hỏi, gặp được những người đồng chí hướng để tạo cơ hội cho nhiều người được chơi đàn như em”.

Nguyên nói, động lực để bạn muốn trở thành doanh nhân đến từ những buổi dạy đàn thêm cho người lớn. Nguyên rất cảm động khi nhìn những người đã ở độ tuổi rất khó học đàn, cặm cụi với từng nốt nhạc, khao khát được học một loại nhạc cụ hiện còn là “xa xỉ” ở Việt Nam. Trong khi đó, ở nước ngoài, việc học đàn piano, học nhạc từ bé là một điều rất bình thường. Vì lẽ đó, Nguyên hướng tới một dự án âm nhạc sau này để nhiều người, thậm chí trẻ em nghèo có thể tham gia.

Một cảnh trong chương trình “Ánh sáng của những ước mơ” tại Lễ khai giảng do đạo diễn Đinh Anh Dũng dàn dựng.

“Cái gì thực thì sẽ đẹp”

Nói với những học viên tại Lễ khai giảng IPL khóa 2 tại Nhà hát lớn TP.HCM tối 28/6/2011, chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung, Chủ nhiệm Chuyên môn Chương trình IPL, chia sẻ: “Gần đây, các tờ báo lớn đã đưa tin, một cái bằng thạc sĩ chỉ có giá 18 triệu đồng, đặt cọc 2 triệu và trong 4 ngày sẽ có bằng, bao luôn bảng điểm và công chứng. Rồi 11 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã thỏa thuận với nhau để cho điểm vô tư trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua… Trong một bối cảnh như vậy, giá trị thực học đôi khi có cảm giác chỉ là một khẩu hiệu và khó trở thành hiện thực. Tuy nhiên, kể từ ngày khai giảng khóa IPL đầu tiên tới giờ, chúng tôi thấy rằng các bạn học rất vất vả, rất tốn kém, dài lâu (mỗi khóa kéo dài 06 năm) mà rút cục không có tấm bằng nào cả.”

“Có thể nói rằng, sự tồn tại và trưởng thành của IPL đến ngày hôm nay là một minh chứng sống động, khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả và bền vững của “cú bắt tay” lịch sử giữa các trí thức tiêu biểu, các doanh nhân tâm huyết, Trường Doanh Nhân PACE và các bạn trẻ ưu tú” – Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Thành viên Hội đồng Sáng lập IPL, phát biểu tại Lễ Khai giảng IPL Khóa 2.

Lời nhắn gửi của tiến sĩ Vũ Minh Khương từ Singapore.

IPL và chuyện khổ học không vì bằng cấp

“Sự học của các bạn trẻ ở IPL là một minh chứng sống động rằng, bằng cấp cũng quan trọng, nhưng có một thứ còn quan trọng hơn mọi thứ bằng cấp trên đời, đó là học làm sao cho ra một con người và làm làm sao cho ra một sự nghiệp để đóng góp cho đời một giá trị. Chỉ có thực học mới có năng lực thực, chỉ có năng lực thực mới có thể làm thực, chỉ có làm thực mới tạo ra giá trị thực, chỉ có tạo ra giá trị thực mới có thể sống thực. Tất cả, đều bắt đầu từ thực học. Đến học mà còn giả dối nữa thì trên đời này sẽ không có gì là thực.”

Vẫn cần phải có thêm thời gian để các bạn trẻ học IPL chứng tỏ thực học là con đường tốt nhất để thành công. Đây là con đường không dễ dàng, nhưng với cộng đồng IPL, việc những doanh nhân, những trí thức lớn làm cho giới trẻ tin rằng, có một con đường lập nghiệp trước hết vì người khác rồi mới vì lợi ích của chính mình quan trọng hơn nhiều. Con đường làm giàu chỉ chăm chăm có lợi cho mình mà quên đi lợi ích của người khác, thậm chí làm phương hại đến xã hội, cách mà không ít doanh nghiệp đang theo đuổi, là con đường dễ làm nhất nhưng không để lại kết cục tốt đẹp cuối cùng.

Trần Duy Công, học viên IPL khóa 1 cho biết, 9 tháng đào tạo đã cho bạn một sự tự tin, một cơ sở nhận thức và phân tích vấn đề thấu đáo trong cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn hết là hình thành một tư tưởng trở thành một doanh nhân có mục tiêu rõ ràng là “kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội”. Hiện Công đang làm việc ở công ty sách và nỗ lực đưa đến những cuốn sách đem lại giá trị nhân văn hơn là những sách đáp ứng thị hiếu tầm thường. Giữa nhiều dòng chảy hỗn loạn của thị trường sách vì lợi nhuận trước mắt, Công nói, điều khó nhất là làm cách nào để bảo vệ các giá trị của bản thân mà mình cho là đúng.

* Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPL

Chương trình Hạt giống Lãnh đạo IPL là một dự án giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận, do các doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam và một số trí thức tâm huyết, cùng Trường Doanh Nhân PACE phối hợp sáng lập và triển khai thực hiện.

Khóa 1 IPL khai giảng vào năm 2009 với 36 học viên được lựa chọn và nhận được học bổng toàn phần trị giá 150 triệu đồng/mỗi học viên. Tuy nhiên, với khóa IPL thứ hai, 37 học viên chỉ nhận được 50% học bổng và buộc các bạn phải học tập hết mình để nhận 50% học bổng còn lại trao cho những học viên xuất sắc nhất vào cuối khóa.

Những học viên khó khăn về tài chính cũng được chương trình tạo điều kiện để không bỏ lỡ cơ hội học tập của chính mình, cụ thể là sẽ được chương trình hỗ trợ làm việc với ngân hàng để được vay vốn hỗ trợ học tập với một cơ chế cho vay ưu đãi.

Theo: (Giáo Dục/VietNamnet)

Cùng chuyên mục