Linh hoạt để thích ứng với cuộc sống.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Trong cuộc sống, phải linh hoạt, nhạy bén để ứng xử một cách chủ động chứ không chỉ dừng lại ở những hiểu biết lý thuyết suông.

Ứng xử một cách linh hoạt trước các vấn đề trong thực tế cuộc sống: Biết cạnh tranh sao cho sự cạnh tranh phải là sự cạnh tranh lành mạnh và biết nhường nhịn sao cho sự nhường nhịn luôn là sự nhường nhịn khôn ngoan. Bởi biết nhường nhịn trong những chuyện nhỏ nhặt, chúng ta mới tiết kiệm thêm được thời gian và sức lực để cạnh tranh trong những chuyện lớn lao hơn!

1. Khi co khi giãn

Khi co khi giãn chính là bản năng sinh tồn của sự sống. Cũng vậy, con người từng lúc sẽ ở trạng thái co lại để bảo vệ bản thân và giãn ra là phương cách để tiến thủ, cạnh tranh. Vì vậy, khi gặp nghịch cảnh hoặc xui rủi thì tạm thời thu hẹp thế mạnh, đây là chức năng của co. Từ đó, lấy co để chuẩn bị giãn, chờ đợi thời cơ, tiếp tục xây dựng lại sự nghiệp của mình. Nếu vận dụng được “trí tuệ co” sẽ thu được hiệu quả không ngờ. Ngược lại, khi nên co mà không co lại giãn, tất nhiên sẽ gặp phải đả kích nặng nề, có khi tính mạng khó bảo toàn, nói chi đến sự nghiệp tương lai?

Tóm lại, khi co khi giãn, vừa thu vừa duỗi, linh hoạt ứng biến là một phương cách thực tiễn, chỉ cần nắm vững kỹ xảo và mức độ thì có thể đạt được thành công.

2. Ứng xử linh hoạt, tính toán lợi hại, tránh “chuyện bé xé ra to”.

Ví dụ vụ lùm xùm mới đây giữa Vietnam Airlines và hành khách, cả hai bên cứ nhất mực “cạnh tranh” với nhau theo kiểu “một thắng một thua”, nhưng kết cục sẽ chẳng có ai thắng cả, mà là cả hai đều thua cuộc. Cả phía Vietnam Airlines và HLV Lê Minh Khương đều “mất” nhiều hơn là “được”. Cái “mất” chính là thời gian, công sức cho kiện tụng lôi thôi và cả hình ảnh của hai bên, dù rằng đúng sai vẫn là chuyện “hạ hồi phân giải”. Còn cái “được”, liệu họ được gì, được nhiệt liệt “hoan nghênh” hành vi đó hay chỉ là những nụ cười chế giễu và đàm tiếu mà thôi?

Biếm họa chuyện Vietnam Airlines và HLV Taekwondo trên mạng (Ảnh: vnexpress)

Tính toán lợi hại không phải là sự được mất nhất thời, đừng vì được nhỏ mà mất lớn. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia của Việt Nam. HLV Lê Minh Khương cũng có đóng góp nhất định cho nền thể thao nước nhà. Như vậy, khi cãi vã xảy ra, rất khó để chứng minh ai đúng ai sai trước dư luận, và cả hai đều bị ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của mình.

3. Thích ứng với thất bại

Thất bại dù đáng sợ, nhưng điều quan trọng là sau khi thất bại ứng phó như thế nào? Bởi người mạnh thật sự không phải là người luôn ở trên đỉnh cao thành công, mà là người dám đối mặt với thất bại, khó khăn. Khi thất bại, thái độ là rất quan trọng, vì nó có thể biến thất bại thành động lực thay đổi cục diện:

– Xem xét kỹ tình hình thất bại một cách sáng suốt và khách quan, đừng đổ lỗi hoàn toàn cho người khác mà phải tự coi lại mình.

– Kiểm tra, phân tích lại nguyên nhân, chọn biện pháp thích ứng, phù hợp để cầu tiến, xử lý sự việc trọn vẹn một cách tốt đẹp hơn.

– Cho thì sẽ được càng nhiều, cái mất nhỏ có thể đổi được lợi ích lớn, dù đôi khi không phải là hoàn toàn lập tức thấy được ngay. Nhưng người hiểu được bí ẩn trong đó, biết nên lấy hoặc bỏ, linh hoạt trong được mất sẽ nắm được quyền chủ động để phát huy hiệu quả không ngờ.

– Cuối cùng, lập lại điểm xuất phát mới, lấy ký ức thất bại biến thành động lực thúc đẩy cho thành công trong tương lai.

Mỗi người trên cuộc đời này đều có tính cách riêng nên không thể có một khuôn mẫu cứng nhắc nào là nguyên tắc chung. Chỉ có thể vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, đó là luôn lấy thực tế làm xuất phát điểm. Và để chiến thắng chính mình, bạn hôm nay phải vượt qua bạn của hôm qua, biết nhận trách nhiệm với những vấn đề đã xảy ra, như vậy mới có thể khiến bạn ngày càng mạnh lên, luôn đứng ở vị trí bất bại.

Chúc bạn thành công

Tuấn Kỳ tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục