Thực lực khoa học Việt Nam: hãy thực tế đi!

(hieuhoc_hieuhoc.com) Đã có nhiều người viết về hiện trạng khoa học Việt Nam so với thế giới. Từ những số liệu theo báo cáo khoa học của thế giới mới đây cho đến những báo cáo của các cơ quan khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước đánh giá về “thực lực khoa học Việt Nam”. Tuy nhiên, những con số đưa ra không đủ để kết luận về nền khoa học Việt Nam, cho dù là cao hay thấp, mạnh hay yếu, khách quan hay không nếu xét theo khía cạnh thực tế.

Các nhà “nghiên cứu” mãi mê chạy theo các thống kê, các số liệu so sánh- sánh so chẳng để làm gì… (Hình minh họa)

Thực lực khoa học Việt Nam dù ở vị trí nào cũng không phải là điều quan trọng, chẳng ai ngạc nhiên về vị trí rất khiêm tốn của các ngành khoa học – công nghệ Việt Nam so với thế giới. Điều mà nhiều người “thất vọng” chính là thực lực khoa học không đánh giá qua thực tế mà lại chạy theo con số thống kê của các “báo cáo”, chỉ nhăm nhe xem “công trình được công bố” có nhiêu… nhiêu “cái” so với thế giới.

Những người bình thường chỉ mong ước các “nhà khoa học”, các “triết giả, triết gia”, các “chuyên già, chuyên trẻ” hãy chứng tỏ thực lực khoa học qua những việc thiết thực từ thực tế, những phương pháp giảm thiểu tai nạn lao động như vụ sập mỏ đá Lèn Cờ mới đây chẳng hạn. Còn như “khoa học Việt Nam” đứng vị thứ bao nhiêu, thua Trung Quốc hay hơn Philippines thì để sau đi. Có một triệu “cái” báo cáo khoa học mà không ứng dụng gì vào thực tế thì cũng chỉ để tranh cái danh khoa học ảo mà thôi!

Người thân các nạn nhân vụ sập mỏ đá Lèn Cờ vật vã đau đớn trước sự mất mát. (Hình: báo NLD )

Trí thức hay không trí thức, có là tiến sĩ thật hay tiến sĩ mua bằng, có nhiều báo cáo khoa học được quốc tế công nhận hay có ít báo cáo thì hơn kém gì nhau nếu chỉ “nói suông”? Thực tế hiện nay, sinh mạng con người trước những mối nguy xảy ra trước mắt hàng ngày như tai nạn lao động, giao thông, ngộ độc thực phẩm… có được bảo vệ với những phương pháp khoa học “cũ rích mà hiệu quả” hay chưa? Mạnh hay yếu là đó, thực lực hay không thực lực là đó, đâu cần phải tranh cãi nên phát minh thêm bao nhiêu “báo cáo quốc tế” nữa để được công nhận là mạnh, đâu cần phải có thêm nhiều “công trình thế giới” nữa mới chứng tỏ được thực lực khoa học của mình?

Công nhân xây dựng, những người có thể là nạn nhân bất cứ lúc nào khi lao động, rất cần sự giúp đỡ một cách thực tế từ các “khoa học cũ rích” cũng được, miễn sao hiệu quả. Đó chính là “thực lực” của khoa học chứ chưa vội cần những phát minh “khoa học mới toanh”, cũng không cần phải đứng thứ mấy, được hạng gì… trên thế giới! (Hình minh họa)

Thực lực khoa học Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, giúp ích thiết thực cho con người hoặc ngược lại, ngày càng tệ hơn nhiều lần vì cứ mãi chạy theo các so sánh về số lượng “bằng phát minh” với các nước trên thế giới mà không quan tâm thực tế. Vì vậy, cho dù là một sinh viên đang học ngành nào, nghiên cứu khoa học xã hội, kinh tế hay kỹ thuật cũng nên học và đi vào thực tế cuộc sống trước khi quan tâm đến việc “ráng lên để có công trình công bố quốc tế”. Hãy đừng phí công chạy theo cái danh hảo, đừng chạy theo cái kiểu so bì của các “chuyên gia”, bởi thực lực khoa học mạnh lên hay yếu đi sẽ tùy thuộc vào chính cái “thực làm” từ thực tế của tất cả các bạn chúng ta, chứ không phải các con số thống kê thứ hạng.

Chúc bạn thành công

Gia Nghi tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục