(hieuhoc_hieuhoc.com) Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 có điểm mới là thí sinh có thể rút hồ sơ xét tuyển (NV2, 3) đã nộp để nộp vào trường khác. Tuy nhiên, việc được rút hồ sơ không hẳn thuận lợi cho tất cả mọi thí sinh, các bạn cần cân nhắc trước khi nộp hồ sơ, nên chọn trường thi và ngành học vừa sức ngay từ NV1.
Thông tư sửa đổi, bổ sung của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2011 có những điểm mới như: Thí sinh có quốc tịch nước ngoài không phải dự thi ĐH. Thí sinh là người khuyết tật được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Thí sinh trúng tuyển không cần phải làm hồ sơ trúng tuyển mà chỉ cần bổ sung một số giấy chứng nhận ưu tiên khi làm thủ tục nhập học. Thời gian xét tuyển NV2, 3 kéo dài hơn 5 ngày so với các năm. Đặc biệt điểm mới nữa là thí sinh có thể rút hồ sơ xét tuyển (NV2, 3) đã nộp để nộp vào trường khác.
Cân nhắc việc chọn ngành , chọn trường
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 là 514.500 sinh viên. Như vậy, với mức tăng 6,5% chỉ tiêu, tổng chỉ tiêu tuyển mới ĐH, CĐ năm 2011 sẽ khoảng 548.000, tăng thêm gần 33.500 so với năm 2010. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT ước tính có khoảng 2 triệu thí sinh tham gia thi tuyển sinh trên cả nước.
Vậy các bạn căn cứ vào những điều gì để chọn được ngành phù hợp? Các bạn có thể làm các bài trắc nghiệm, tham khảo ý kiến của thầy cô, cha mẹ. Khi các bạn thích và năng lực đáp ứng được để theo học ngành đó thì các bạn sẽ học tập tốt hơn. Và khi đã chọn được ngành, các bạn cần xác định xem ngành nghề mình chọn có phù hợp với năng lực của mình hay không?
Lưu ý: Một ngành học thường có nhiều trường đào tạo, cùng một ngành nhưng ở các trường khác nhau lại có mức điểm trúng tuyển khác nhau. Nên cùng là một mức điểm thi đó, có thể rớt trường này nhưng lại trúng tuyển trường khác. Đó là lý do mà khi làm hồ sơ ĐKDT các bạn không nên chỉ lựa chọn ngành học mà còn phải xem xét kỹ lưỡng trường mà mình chọn thi. Các bạn có thể tham khảo điểm chuẩn của nhiều trường khác nhau trong nhiều năm gần đây, xem trường nào có điểm chuẩn phù hợp với năng lực của mình nhất để chọn được trường phù hợp. Các bạn cần cân nhắc kỹ, để đăng ký hồ sơ cho đúng. Không cần phải nộp nhiều hồ sơ để tránh lãng phí không cần thiết, cũng không cần phải nộp sớm. Nếu đã cân nhắc kỹ, chỉ cần nộp một bộ hồ sơ để có thể trúng tuyển đúng trường, đúng ngành mình chọn.
Theo kế hoạch công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thời hạn thu nhận hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2011 được áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc từ ngày 14-3 đến ngày 14-4-2011 theo hệ thống các Sở GD-ĐT. Sau thời gian này, thí sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ có thể nộp tại các trường ĐH, CĐ tổ chức thi, từ ngày 15-4 đến 17h ngày 21-4-2011. Các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ được yêu cầu không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT trước hoặc sau thời hạn trên.
Được rút hồ sơ xét tuyển có lợi cho thí sinh giỏi, nhưng…
Những năm trước đây, các NV2, NV3 là những “nguyện vọng cứng”: Khi đã nộp hồ sơ để xét NV2 thì chỉ được nộp duy nhất một trường; nếu trượt NV2 thì tiếp tục nộp một NV3 và chờ cho đến khi trường công bố kết quả.
Nhưng từ năm nay, theo hướng dẫn mới đây của Bộ, các trường phải cập nhật thông tin về hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển trên trang web của trường và công khai cho thí sinh biết. Thí sinh có quyền nộp hồ sơ xét tuyển và rút hồ sơ trong thời hạn quy định 20 ngày mỗi đợt. Như vậy, thí sinh sẽ có thêm cơ hội đăng ký dự thi các trường có ít hồ sơ xét tuyển. Ngược lại, các trường cũng có cơ hội nhận thêm nhiều hồ sơ xét tuyển mới, sẽ tuyển được nhiều hơn những thí sinh có điểm thi cao để nâng cao chất lượng đầu vào.
Do đó, nếu rớt NV1, các bạn cần theo dõi thông tin trên trang web của các trường để biết rằng với ngành đó, chỉ tiêu đó đã có bao nhiêu hồ sơ nộp vào, số điểm là bao nhiêu, căn cứ vào điểm thi của mình sau đó các bạn cân nhắc để chọn được ngành, trường có nhiều cơ hội trúng tuyển NV2, 3 nhiều nhất. Tuy nhiên, việc được rút hồ sơ không hẳn thuận lợi cho tất cả mọi thí sinh, các bạn cần cân nhắc trước khi nộp hồ sơ, nên chọn trường thi và nguyện vọng vừa sức ngay từ NV1.
Vì sao nên cân nhắc trước khi nộp hồ sơ ĐKDT?
Các bạn nên lưu ý: “Thí sinh có thể rút hồ sơ xét tuyển đã nộp để nộp vào trường khác, sẽ có thêm cơ hội đăng ký dự thi vào các trường có ít hồ sơ xét tuyển”, nhưng liệu ngành học mà bạn có nguyện vọng mong ước được học đó có nằm trong số trường “còn lại” này hay không? Mặt khác, những thí sinh có điểm thi cao sẽ có lợi thế nhiều hơn trong việc “đăng ký xét tuyển công khai”, thí sinh có điểm cao sẽ khó bị “rớt oan” như những năm trước và những thí sinh này sẽ “dạt” những thí sinh có điểm thấp hơn sang những trường có điểm chuẩn thấp hoặc những trường có ít hồ sơ xét tuyển.
Tuy nhiên, nếu cân nhắc trước khi nộp hồ sơ ĐKDT, căn cứ vào khả năng của mình, bạn chọn được trường (có ngành học mà mình yêu thích) với điểm chuẩn đầu vào phù hợp (điểm tuyển sinh của trường đó hàng năm) tương ứng với khả năng, không quá sức học của mình để đăng ký NV1 ngay từ đầu vào trường đó thì kết quả sẽ chắc chắn hơn.
Ví dụ: Bạn muốn học ngành Kế toán & Kiểm toán chẳng hạn, sau khi trắc nghiệm khả năng của mình qua các đề thi ĐH và qua ý kiến thầy cô, cộng cả điểm ưu tiên nếu có, bạn được 18 điểm thì bạn nên chọn những trường gần nhà có điểm trúng tuyển NV1 ngành kế toán – kiem3 toán hàng năm khoảng 17 điểm thôi (như trường A, trường B…). Trường hợp ngược lại, bạn ỷ y vào quyền được rút hồ sơ xét tuyển nên thi cầu may vào Học viện Tài chính chẳng hạn, (3 năm trở lại đây điểm chuẩn ngành Kế toán của Học viện Tài chính ít dao động. Năm 2008 là 22,5; năm 2009 là 22,0; năm 2010 là 22 điểm), điểm chuẩn cao mà hàng năm ít dao động như vậy, phần nhiều là bạn sẽ rớt (mất NV1) vì khả năng bạn chỉ có 17, 18 điểm. Sau đó, bạn mang NV2 về lại trường A, trường B… để xét tuyển thì 17 hoặc 18 điểm của bạn lúc này có thể sẽ không cạnh tranh lại với những thí sinh có điểm cao hơn (nên nhớ, công khai xét tuyển sẽ càng có lợi thế cho thí sinh có điểm cao hơn). Hẳn nhiên là bạn có quyền rút hồ sơ “chạy tìm” các trường có ít hồ sơ xét tuyển hơn hoặc các trường có điểm chuẩn thấp hơn nữa để ĐKXT. Nhưng liệu ngành học mà bạn có nguyện vọng mong ước được học đó có nằm trong số trường “còn lại” này hay không?
Vì thế, dù được quyền rút hồ sơ xét tuyển, nhưng bạn nên cân nhắc kỹ khả năng của mình trước khi đăng ký dự thi, chọn trường thi và nguyện vọng vừa sức ngay từ NV1 thì vẫn hơn. Nếu đã cân nhắc kỹ, chỉ cần nộp một bộ hồ sơ là có thể trúng tuyển đúng trường, đúng ngành mình chọn, tránh lãng phí không cần thiết, lại không phải mất công lo lắng, chạy đôn chạy đáo “nộp vào, rút ra”, dành thời gian còn lại cho gia đình, bạn bè và chuẩn bị sức khỏe cho mấy năm đại học nữa. – Chúc các bạn vui, khỏe, tốt nghiệp THPT (chắc rồi) và đạt kết quả tốt cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Tham khảo: Xu hướng của thí sinh chọn ngành học năm 2010.
Năm ngoái, dẫn đầu tỷ lệ thí sinh dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ vẫn là các ngành y dược, các ngành kinh tế như tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán, ngoại thương, thương mại, quản lý môi trường, quản trị kinh doanh, du lịch, kiến trúc, xây dựng và tiếng Anh thương mại.
Nhóm ngành công nghệ thông tin cũng được nhiều học sinh chọn lựa nhưng giảm hơn so với 3, 4 năm trước. (Lý do cũng giống như ngành ngoại ngữ, nhiều thí sinh thích học công nghệ thông tin thông qua các chương trình xét tuyển hoặc học ngoài công lập, học theo văn bằng 2 hơn là vào các trường phải thi tuyển. Thực tế, nhu cầu xã hội đối với nhóm ngành ngoại ngữ và CNTT vẫn rất cao, đồng thời số lượng người đang học 2 ngành này cũng rất nhiều).
Một số ngành kỹ thuật cũng được thí sinh lựa chọn nhiều như công nghệ, kỹ thuật xây dựng, sinh hóa, cơ khí… . Các ngành thuộc sư phạm dù tỷ lệ không cao nhưng cũng được khá nhiều thí sinh quan tâm. Riêng một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, nông – lâm – ngư nghiệp… thuộc nhóm ngành không được thí sinh lựa chọn nhiều, có thể do quan điểm cho rằng các ngành đó khó học, việc làm vất vả và thu nhập không cao.
Kim Tuyến tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)