Tuyển sinh 2011: Ngành ngoại ngữ

(hieuhoc_hieuhoc.com) Nhóm ngành ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài: Ngành tiếng Anh – tiếng Anh thương mại, tiếng Pháp, song ngữ Nga – Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức… Tốt nghiệp có thể làm công tác biên dịch, phiên dịch, cho các cơ quan văn hóa xã hội, ngoại giao, các tổ chức khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội, các viện nghiên cứu hoặc làm công tác nghiên cứu giảng dạy trong lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ đã tốt nghiệp.

Điểm chuẩn ngành Tiếng Anh thương mại của nhiều trường đại học từ 17 – 29 điểm.

Ngành học tiếng Anh – tiếng Anh Thương mại

Sinh viên học ngành Tiếng Anh được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ Tiếng Anh, có năng lực sử dụng ngôn ngữ (Tiếng Việt, Tiếng Anh) ở trình độ cao. Kết thúc chương trình, người học có khả năng sử dụng thành thạo các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) tương đương với trình độ 4 CAE của ĐH Cambridge (Anh) hoặc 550 điểm TOEFL của ETS (Mỹ).

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh, sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, điển hình là biên-phiên dịch, giảng viên ngoại ngữ, cán bộ chương trình, thư ký, trợ lý, cán bộ đối ngoại trong các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức, công ty trong nước và quốc tế có sử dụng tiếng Anh, nhân viên các đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí, các hãng thông tấn, hướng dẫn viên du lịch…

Hiện nay chuyên ngành tiếng Anh thương mại được nhiều thí sinh ưa chuộng nhất trong nhóm ngành ngoại ngữ. Một số trường đào tạo tiếng Anh thương mại gồm ĐH Thương mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Tài chính Marketing TPHCM, ĐH Ngân hàng TPHCM… Năm 2010, điểm trúng tuyển ngành học này dao động từ 17 – 29 điểm.

Sinh viên học tiếng Anh Thương mại ngoài việc được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ tiếng Anh ở trình độ cao còn có thêm kiến thức về thương mại, kinh doanh, quản trị, tài chính và kinh tế xã hội và có các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong môi trường hiện đại, hội nhập.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên làm ở các vị trí, Biên – phiên dịch viên tiếng Anh chuyên ngành (Thương mại, Kinh tế, Quản trị, Tài chính, Ngân hàng…) tại các công ty truyền thông, viện nghiên cứu (ngôn ngữ, kinh tế, quản lý…); nhân viên các bộ phận chức năng như kinh doanh, truyền thông, dịch vụ, dự án, marketing… thuộc các doanh nghiệp và tổ chức có sử dụng Tiếng Anh; giáo viên Tiếng Anh chuyên ngành tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học thuộc khối kinh tế; nghiệp vụ bán hàng, xúc tiến thương mại quốc tế; đầu tư quốc tế; phát triển thị trường và chăm sóc khách hàng; phát triển hệ thống phân phối; marketing, PR…

Điểm chuẩn năm 2010 của ĐH Kinh tế Quốc dân ngành tiếng Anh thương mại: 28 điểm, ĐH Ngoại thương là 29 điểm, ĐH Thương mại: 25,5 điểm, ĐH Ngân hàng TPHCM: 18 điểm, ĐH Tài chính Marketing TPHCM: 17,5 điểm.

Điểm chuẩn ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng: Tiếng Anh Thương mại: 20 điểm; Sư phạm tiếng Anh: 20 điểm; SP tiếng Anh bậc tiểu học: 15,5 điểm; Cử nhân tiếng Anh: 19 điểm; Cử nhân tiếng Nga: 15,5 điểm; Cử nhân tiếng Pháp: 15,5 điểm; Cử nhân tiếng Trung: 15,5 điểm, Cử nhân tiếng Nhật: 20,5 điểm; Quốc tế học: 16 điểm; tiếng Pháp du lịch: 15,5 điểm; tiếng Trung thương mại: 15,5 điểm (đã nhân đôi điểm thi môn Ngoại ngữ).

Khoa tiếng Anh Thương mại trường ĐH Thương mại thực hiện điểm xét tuyển theo chuyên ngành/khoa, thi theo khối D1, trong đó môn tiếng Anh có nhân hệ số 2, các môn khác nhân hệ số 1. Hệ cao đẳng của trường không tổ chức thi tuyển, lấy kết quả thi đại học của những thí sinh đã dự thi khối A theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển, trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển theo ngành của thí sinh.

Đối với khoa tiếng Anh của Học viện Ngân hàng, ngoài việc được cung cấp kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa, kiến thức chuyên sâu về ngoại ngữ tiếng Anh ở trình độ cao còn có thêm kiến thức chuyên về Ngân hàng… Điểm chuẩn vào ngành Tiếng Anh – Tiếng Anh tài chính ngân hàng của Học viện Ngân hàng năm 2010 là 19,5 điểm. (Xem thêm: Chỉ tiêu tuyển sinh 2011 Học viện Ngân hàng)

Với sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các ngân hàng thương mại, ngân hành liên doanh cũng như chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao đang rất lớn. Các ngân hàng sẵn sàng chi trả mức lương rất cao cùng các chính sách đãi ngộ khác cho những người có năng lực; hàng năm các ngân hàng đều tổ chức các đợt tuyển dụng; điều kiện về kinh nghiệm làm việc không quá cao, thậm chí có ngân hàng không yêu cầu kinh nghiệm và họ sẽ đào tạo thêm cho sinh viên mới ra trường.

Ngành học tiếng Nhật

Hiện nay, các trường đào tạo tiếng Nhật như: ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ Quốc gia TPHCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế…

Theo lãnh đạo ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại ngữ TPHCM, sinh viên ra tốt nghiệp khoa tiếng Nhật có gần 100% sinh viên tốt nghiệp của khoa đều có việc làm đúng chuyên môn được đào tạo. Phần lớn trong số đó làm việc cho các cơ quan ngoại giao, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản và trong nước như: Honda, Yamaha, Mitsubishi, Toshiba, Canon, Mitsui, Vinicorp, Luvina, FPT… với mức lương khởi điểm dao động khoảng từ 350 đến 1.500 USD/tháng.

Mỗi năm chỉ tiêu vào học các ngành này rất ít khoảng từ 50 – 130 chỉ tiêu. Điểm chuẩn vào ngành này cũng khá cao:ĐH Hà Nội điểm chuẩn năm 2010, khối D1: 26,5 điểm, D6: 24,5 điểm. ĐH Ngoại ngữ – ĐH QG Hà Nội, tiếng Nhật phiên dịch, khối D1, D6: 24 điểm, Sư phạm tiếng Nhật, khối D1: 24 điểm.

ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội: Tuyển 1.200 chỉ tiêu cho 15 chuyên ngành học và không tăng chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, ngành tiếng Anh có 520 chỉ tiêu (năm chuyên ngành khác nhau); ngành học tiếng Nga: 75 chỉ tiêu; ngành tiếng Pháp: 150 chỉ tiêu; ngành tiếng Trung: 170 chỉ tiêu; ngành tiếng Đức: 80 chỉ tiêu; ngành tiếng Nhật: 130 chỉ tiêu; ngành tiếng Hàn Quốc: 75 chỉ tiêu.

Ngành học tiếng Hàn:

Đây là ngoại ngữ mới đào tạo ở Việt Nam từ 7-8 năm trở lại đây. Trong đào tạo tiếng Hàn hiện nay, sinh viên còn được học các môn tự chọn như tiếng Hàn thương mại, tiếng Hàn kinh tế, tiếng Hàn du lịch… sinh viên có thể học tập theo định hướng nghiệp vụ sau khi ra trường.

Chỉ tiêu vào ngành học tiếng Hàn hiện nay mỗi năm không nhiều như ĐH Hà Nội 100 chỉ tiêu, ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG TPHCM 40; ĐHQG Hà Nội 55. Với số lượng ít như vậy nên hầu như 100% sinh viên làm việc đúng chuyên ngành ở những vị trí công việc như biên-phiên dịch viên, thư ký dự án, trợ lý, hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour, giảng viên tiếng Hàn… tại các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng tiếng Hàn như: Văn phòng sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Văn phòng sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ có liên quan đến tiếng Hàn (NGO), các công ty nước ngoài có liên quan đến tiếng Hàn có trụ sở tại Việt Nam, các phòng, ban liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế của các bộ, vụ, viện, các trường học, các trung tâm ngoại ngữ có giảng dạy tiếng Hàn trên khắp đất nước Việt Nam, các công ty du lịch Việt Nam, Hàn Quốc…

Điểm chuẩn tiếng Hàn hàng năm rất cao, như năm 2010, điểm chuẩn ĐH Hà Nội là 26 điểm; ĐH QG Hà Nội: 26,5 điểm, ĐH Đà Nẵng: 20 điểm…

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành ngoại ngữ của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) năm 2011:

Nhật Bản họcmã ngành 619, khối D1,6; 90 chỉ tiêu.

Hàn Quốc học 620D1 90

Ngữ văn Anh 701 D1270

Song ngữ Nga – Anh 702D1,2 70

Ngữ văn Pháp 703D1,3 90

Ngữ văn Trung Quốc 704D1,4 130

Ngữ văn Đức 705D1,5 50

Ngữ văn Tây Ban Nha 710 D1,3,5 50

Nhiều chuyên ngành Ngoại ngữ buộc phải đóng cửa vì không đủ thí sinh.

Ngoài những ngành học tiếng Anh thương mại, Ngân hàng, tiếng Nhật, tiếng Hàn… nhiều chuyên ngành ngoại ngữ khác của nhiều trường gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh vì không đủ thí sinh.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết trường có thể sẽ phải “đóng cửa” ngành Tiếng Pháp vì nhiều năm nay tuyển không đủ chỉ tiêu. Khẳng định ngoại ngữ là ngành khó tuyển, theo đại diện trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, với khối ngành ngoại ngữ nhà trường sẽ bổ sung thêm môn học Phương pháp giảng dạy 2 tín chỉ để thu hút người học và như ở ĐH Duy Tân, sinh viên ngoại ngữ cũng có thể đăng ký học thêm Bằng 2 hoặc lấy chứng chỉ ngành phụ về Tin học hoặc Quản lý…

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến tuyển sinh ngành sư phạm tiếng Nhật (40 chỉ tiêu, tuyển các khối D1, 4, 6). Cũng giải pháp tương tự, ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ mở rộng khối thi để thu hút thí sinh. Như ngành Ngôn ngữ Nga – Anh tuyển thêm khối A, C, D (thay vì chỉ tuyển khối D1, D2); Ngôn ngữ Trung Quốc tuyển thêm cả khối A, C (thay vì chỉ tuyển khối D1 và D4).

Kim Tuyến tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục