Khi công việc không còn như ý muốn

(hieuhoc_hieuhoc.com) Khi bạn mới nhận công việc, mọi thứ đã có thể bắt đầu giống như một giấc mơ. Thế nhưng, hiện nay sự thật lại không như ý muốn. Vậy, bạn có nên nhanh chóng nhảy sang một công việc mới hay không?

“Các ngành nghề và môi trường làm việc ngày nay thay đổi nhanh chóng, do đó bạn phải bắt kịp chúng. Hãy chú tâm tới nền tảng kiến thức và nâng cấp hoặc cập nhật chúng ngay bây giờ.”

Nếu xác định đúng mục tiêu cũng như định hướng công việc đúng đắn, bạn sẽ nhanh chóng rút ngắn con đường đi đến thành công. Nhưng nếu chọn sai, việc thay đổi sẽ đưa sự nghiệp của mình vào nơi tồi tệ. Do đó, bạn nên tuân thủ theo 5 nguyên tắc cơ bản sau nếu chuẩn bị nhảy việc khi cảm thấy công việc không còn như ý muốn:

1. Đảm bảo giữ đúng chuyên môn: Trung thành với những kỹ năng chuyên môn, định rõ phương hướng nghề nghiệp, kiên trì “nhất nghệ tinh” để trở thành chính chuyên gia giỏi trong chuyên ngành của bạn. Có như vậy bạn mới có cơ hội thăng tiến trong công việc.

2. Đừng nhảy việc chỉ đơn thuần do lương thấp: Có thể lương nơi khác, ngành khác cao hơn nhưng lại không bền. Một ví dụ gần đây: Nhiều người rất có tiềm năng nhưng bỏ công việc chuyên môn của mình nhảy sang nghề chứng khoán và đã thất bại khi ngành này gặp khó khăn.

3. Không nên nhảy việc vì bất mãn, đố kỵ cá nhân: Có rất nhiều lí do khác nhau giải thích tại sao công việc mới của bạn có vẻ không như ý muốn. Có thể bạn có một vị sếp hơi tủn mủn, hay nhiệm vụ bạn được giao khác hoàn toàn so với tưởng tượng. Hoặc có thể vì một khách hàng vừa dứt áo ra đi khiến mọi việc rối tung lên. Cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi khiến bạn thấy bất hạnh trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì.

4. Chỉ nên nhảy việc sau khi có ba năm kinh nghiệm trở lên: Chỉ nên thay đổi công việc sau khi đã có ít nhất vài năm kinh nghiệm làm việc tại cùng một công ty, khi bạn đã có thể hiểu và nắm hết được các kinh nghiệm cần thiết của một công việc chuyên nghiệp ở một môi trường chuyên nghiệp …

5. Trường hợp nên nhảy việc: không có không gian phát triển, không được nâng cao kỹ năng, công ty đang trên bờ vực phá sản.

Nếu bạn nghĩ rằng khi thay đổi công việc mới, môi trường làm việc mới bạn sẽ có thể nhận được nhiều lợi ích hơn, nhưng thực tế mỗi sự thay đổi đều luôn luôn song hành cả được và mất. Vì vậy, các chuyên gia đào tạo và hướng nghiệp khuyên rằng, thay vì nhảy việc, đổi môi trường làm việc, các bạn hãy xin được thuyên chuyển vào vị trí làm việc khác trong cùng một công ty đó nếu như bạn muốn làm mới chính mình, bởi mọi công việc trong công ty đều liên quan với nhau.

Những ai vừa mới đi làm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn nghề và định hướng nghề nghiệp, nhảy việc nhiều sẽ không có lợi, thậm chí cái mất nhiều hơn cái được.

Không nên thay đổi công việc nhiều, đặc biệt là sinh viên trẻ mới ra trường, càng không nên chuyển chỗ làm quá nhiều. Bởi nhảy việc nhiều sẽ bào mòn đi sự kiên nhẫn, sự nỗ lực bản thân để thành công trong sự nghiệp. Không nên nghĩ rằng càng có nhiều vị trí công việc ở các môi trường làm việc khác nhau (được đưa vào CV) sẽ tạo ấn tượng về kinh nghiệm và khả năng thích ứng cao với các công việc trước các nhà tuyển dụng. Ngược lại, nhà tuyển dụng thường sẽ “dị ứng” với những nhân viên có “thâm niên” nhảy việc bởi họ đặt dấu hỏi cho khả năng chuyên môn và e ngại về sự trung thành của những ứng viên thích nhảy việc này.

Vì vậy hãy tự hỏi mình “Liệu bạn có thực sự muốn rời bỏ công việc không?” Nếu bạn vẫn cảm thấy không thể chịu đựng được công việc hoặc đã dành trọn thời gian và nỗ lực hết mình cho công việc mà không mang lại hiệu quả, hãy chọn cách ra đi. Và phải chắc rằng, bạn ý thức rõ ràng về công việc tiếp theo và hiểu được nhiệm vụ mới sau này của mình.

Chúc bạn may mắn

Gia Nghi tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Cùng chuyên mục