Học cách sử dụng kiến thức.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Để thành công trong tương lai, cần phải có kiến thức, lòng nhiệt tình, tầm nhìn và niềm đam mê trở thành người lãnh đạo. Do vậy giới trẻ phải hành xử thế nào để trở thành người công dân toàn cầu, có kiến thức của người công dân toàn cầu.

Sáng 8-6, GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đã có buổi nói chuyện với gần 1.000 sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM với chủ đề “Cạnh tranh toàn cầu và vai trò của giới trẻ VN”.

-“Phải học cách sử dụng kiến thức!”. Đó là một trong những lời khuyên của GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, với giới trẻ VN, nhằm mong muốn khơi dậy ở họ cảm hứng trở thành người lãnh đạo, công dân toàn cầu. GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nói chuyện tại ĐH Quốc gia TPHCM sáng 8-6. (Ảnh: NGỌC THỦY)

GS Klaus Schwab đánh giá cao các câu hỏi của sinh viên VN và trả lời ngắn gọn, thấu đáo những vấn đề sinh viên quan tâm về khủng hoảng kinh tế thế giới, cơ hội cho nền kinh tế VN… Đặc biệt, GS đã dành nhiều lời khuyên cho giới trẻ VN trong việc học tập, sử dụng kiến thức đểthành công trong tương lai.

“Tiêu hóa” lượng kiến thức lớn

Trước sự quan tâm, lo âu của giới trẻ về khủng hoảng kinh tế thế giới, GS Klaus Schwab chia sẻ nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới là do các định chế kinh tế – xã hội cũ, được định hình từ sau thế chiến II, không còn phù hợp.

Sự va chạm, mâu thuẫn giữa thế giới cũ – thế giới của những định chế, thể chế cũ và thế giới mới – thế giới của sự phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ sinh học – đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt giữa các nền chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các nước trên thế giới.

Đặc biệt, những yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu. Do vậy, GS Klaus Schwab cho rằng giới trẻ hiện đang sống trong một thời đại rất thú vị, nhiều thách đố. “Sinh viên ngày nay phải tiêu hóa lượng kiến thức lớn mà cha ông trước đây phải học rất nhiều năm, do vậy, trách nhiệm của sinh viên trong việc học tập ngày càng cao”- GS Klaus Schwab nhấn mạnh.

Một sinh viên đặt câu hỏi: GS có thể có một vài lời khuyên giúp giới trẻ VN thành công trong tương lai? GS Klaus Schwab cho rằng giới trẻ cần phải có kiến thức, lòng nhiệt tình, tầm nhìn và niềm đam mê trở thành người lãnh đạo.

Để có cảm hứng trở thành người lãnh đạo, ông chủ tịch cho rằng sinh viên phải biết rõ mình sẽ đi đâu, làm gì. Ngoài ra, giới trẻ cũng cần có ý thức góp sức vào sự phát triển chung, nắm bắt được kiến thức và vận dụng sáng tạo trong thực tế để trở thành người chủ của thế kỷ 21.

Trở thành công dân toàn cầu

Trước khá nhiều băn khoăn của sinh viên về việc vận dụng kiến thức đã học thế nào trong thực tế, GS Klaus Schwab cho rằng kiến thức quan trọng, mỗi người đều cần có kiến thức, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa, tuy nhiên kiến thức không phải là điều quan trọng nhất.

Điều quan trọng nhất chính là cách vận dụng kiến thức thông minh trong thực tế. Do vậy, sinh viên không chỉ học kiến thức mà quan trọng phải học cách học, cách sử dụng kiến thức và nâng cấp kiến thức của mình. Như vậy, tốt nghiệp ĐH không phải là kết thúc việc học mà đây mới chính là giai đoạn bắt đầu.

“Giới trẻ phải làm gì trước những thách thức của toàn cầu hóa?”. Trước câu hỏi này của một sinh viên, GS Klaus Schwab đánh giá, chúng ta đang sống trong một thế giới mang tính kết nối cao, không phân biệt vấn đề của một quốc gia hay khu vực mà có sự liên kết mang tính toàn cầu.

Vai trò của Liên Hiệp Quốc ngày càng được phát huy, nhằm xây dựng những thể chế mang tính liên kết, đàm phán cao. Do vậy giới trẻ phải hành xử thế nào để trở thành người công dân toàn cầu, có kiến thức của người công dân toàn cầu. Muốn như vậy, sinh viên VN phải không ngừng học tập, phấn đấu, đồng thời mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội khám phá thế giới, tiếp xúc với nhiều góc cạnh khác nhau của thế giới để tích lũy kinh nghiệm và học hỏi..., vững vàng tiến vào thế giới đầy thách đố, nhiều hấp dẫn.

Theo: Phải học cách sử dụng kiến thức. (Thùy Vinh/NLDO)

Bài liên quan

Hành trang cần thiết để lập thân vào đời.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Để được là chính mình, đủ tự tin, đủ bản lỉnh để tự lâp, thật sự có một cuộc sống tích cực thì khả năng học vấn và trình độ chuyên môn tuy là cần thiết nhưng cũng chưa đủ. Muốn có thành công, cần nâng cao kỹ năng ứng xử tốt hơn, suy nghĩ tích cực nhiều hơn, nhạy bén hơn, sáng tạo hơn để thật sự sống hữu ích hơn. Hành trang cần thiết thêm đó là thái độ và các kỹ năng sống.  

Thân tự lập thân: Tự lực – tự học.

(Hiếu học). Học tập bậc cao là một quá trình tự học, tự lực gian khổ tìm tòi học hỏi từ mọi người, mọi lúc, mọi nơi… Quá trình lập thân này chính là nền tảng cho sự tự quyết định vận mệnh của chính mình đi đến thành công.    

Đánh giá bản thân: Những giá trị tinh thần của bạn.

(Hiếu học). Nhân vô thập toàn, không ai là hoàn thiện, mọi người đều biết vậy. Nhưng thực tế, rất nhiều bạn mắc phải sai lầm: Theo đuổi hoàn mỹ, đòi hỏi các mặt của bản thân phải hoàn thiện, phải hoàn mỹ một cách quá đáng. Thế nên nhiều người đã bỏ qua cơ hội tốt, lỡ mất tình yêu, đánh mất tình bạn và cảm thấy tự ti trong cuộc sống.  

Học cách chú tâm.

(Hiếu học). Những người thành công và hạnh phúc luôn phát triển được khả năng tập trung, chú tâm hoàn toàn vào công việc và duy trì nó cho đến khi hoàn tất. Họ tự rèn luyện bản thân chỉ suy nghĩ, nói và làm những gì mình muốn và nhận biết ngay những suy nghĩ “hổn loạn” trong đầu đang làm phân tán sự chú tâm của họ.

Cùng chuyên mục