Các kỹ năng cần có của một công dân trong thế kỷ 21

Do xã hội đã thay đổi và tiến bộ vượt bậc nên những kỹ năng cần thiết để tồn tại và phát triển trong xã hội cũng thay đổi theo. Trong những năm đầu thế kỷ 20, một người được xem là có học chỉ cần đơn giản có các kỹ năng về đọc, viết, tính toán.

Trong những năm gần đây, nhiều hệ thống giáo dục đang phát triển một dãy các kỹ năng mà sinh viên, học sinh cần phải có. Để thành công trong thế kỷ 21, người học không những phải được trang bị những hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, văn hóa mà còn phải hiểu biết về thông tin với mọi hình thức của nó (understanding of information in all its forms).

Những kỹ năng trong thời đại kỹ thuật số bao gồm:

Hiểu biết cơ bản (Basic literacy): Biết đọc và làm toán đủ đáp ứng nhu cầu của công việc và xã hội để diễn đạt được ý tưởng, phát triển tiềm năng cũng như kiến thức của bản thân trong thời đại kỹ thuật số.

Hiểu biết khoa học (Scientific literacy): Có kiến thức và hiểu biết về các khái niệm và các quá trình khoa học giúp ích cho việc ra quyết định của bản thân, tham gia vào các công việc của cộng đồng, các vấn đề về văn hóa và làm việc có năng suất kinh tế.

Hiểu biết về kinh tế (Economic literacy): Khả năng nhận biết các vấn đề về kinh tế, lựa chọn, chi phí và lợi nhuận, phân tích động cơ làm việc trong các vấn đề kinh tế, xét đoán được những hậu quả của việc thay đổi các chính sách về kinh tế, xã hội, có khả năng thu thập và tổ chức các dữ liệu kinh tế, cân nhắc được giữa chi phí bỏ ra và lợi nhuận thu được.

Hiểu biết về kỹ thuật (Technological literacy): Có kiến thức về kỹ thuật và cách thức hoạt động của chúng, mục đích của chúng để làm gì, cách thức sử chúng hiệu quả và kinh tế để hoàn thành một công việc cụ thể.

Hiểu biết về thị giác (Visual literacy): có khả năng hiểu, sử dụng, thưởng thức và tạo nên những hình ảnh, đoạn phim bằng các phương tiện truyền thống và hiện đại của thế kỷ 21 nhằm hướng đến việc nâng cao các khả năng suy nghĩ, ra quyết định, giao tiếp và học tập.

Hiểu biết về thông tin (Information literacy):
Khả năng đánh giá thông tin qua các phương tiện truyền thông, nhận biết những thông tin cần thiết, định vị, tổng hợp và sử dụng thông tin hiệu quả; hoàn thành những công việc trên bằng cách sử dụng kỹ thuật, mạng truyền thông và các tài nguyên điện tử.

Hiểu biết đa văn hóa (Multicultural literacy):
khả năng hiểu biết và coi trọng sự giống nhau và khác nhau về phong tục, giá trị, niềm tin của nền văn hóa của mỗi người và của các nền văn hóa khác nhau.

Nhận thức toàn cầu (Global awareness):
có nhận thức và hiểu biết về các mối quan hệ tương hỗ giữa các tổ chức quốc tế, quốc gia, thực thể kinh tế công và tư, các nhóm văn hóa xã hội, các cá nhân ở tầm mức toàn cầu.

(Nguồn: enGauge, giaovien.net dịch)

Cùng chuyên mục