(Hiếu học). Qua khảo sát của các trường, nhất là qua các hội nghị tổ chức cấp quốc gia và khu vực trong một vài năm gần đây, lĩnh vực Kinh tế: Tài chính – Ngân hàng – Chứng khoán luôn được xem là lĩnh vực đang và sẽ tiếp tục có nhu cầu cao về nhân lực.
Kinh tế đối ngoại:
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế đối ngoại có đủ năng lực, kiến thức làm việc tốt tại các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế từ trung ương đến địa phương như bộ/sở/ phòng/công thương và kế hoạch đầu tư, các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, Khu chế xuất, các viện nghiên cứu kinh tế; các doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp trong lãnh vực logistics, vận tải, giao nhận quốc tế; bộ phận kinh doanh, bộ phận tiêu thụ, bộ phận cung ứng, bộ phận marketing, PR,bộ phận kế hoạch, bộ phận xuất nhập khẩu… của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; phòng thanh toán quốc tế, bộ phận quản lý ngoại hối, bộ phận tín dụng xuất nhập khẩu… của các ngân hàng thương mại; các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Ngoài ra, có thể đảm nhiệm vai trò trợ lý văn phòng hoặc quản lý kinh doanh trong các doanh nghiệp, các chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài ở Việt Nam hoặc công ty Việt Nam ở nước ngoài, giảng dạy kinh tế đối ngoại/thương mại quốc tế ở các trường ĐH, CĐ,THCN hoặc có thể tự tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu.
Ngành kinh tế đối ngoại không yêu cầu về ngoại hình. Riêng Học viện Chính sách và Phát triển (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong đào tạo ngành Kinh tế đối ngoạichỉ chuyên về đào tạo Quản lý vốn viện trợ phát triển (ODA) và Quản lý đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là mảng gần như trống trong đào tạo lĩnh vực kinh tế đối ngoại hiện nay (khác với các trường ĐH khác).
Lưu ý! Khoa Kinh tế đối ngoại ĐH Quốc gia: Nếu không đủ điểm đậu, nhà trường sẽ không chuyển vào ngành khác mà phải theo dõi thông tin các ngành có xét tuyển nguyện vọng 2 của khoa để nộp đơn xét tuyển vào ngành đó. Và hiện nay, Khoa Kinh tế ĐHQG TPHCM chưa đào tạo hệ liên thông từ CĐ lên ĐH.
Chứng khoán:Chuyên ngành Chứng khoán thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng đào tạo cử nhân kinh tế có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế xã hội, quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng, có năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các cơ quan chứng khoán, các ngân hàng tài chính trung ương, địa phương hoặc doanh nghiệp. Do thị trường chứng khoán nước ta còn non trẻ nên nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về chứng khoán chưa nhiều. Hiện có ba “địa chỉ” đào tạo ngành chứng khoán là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng và Khoa kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM). Ngành này tuyển sinh khối A hoặc A và D1. Điểm chuẩn ở các trường trong những năm gần đây dao động 18-25 điểm.
Chuyên ngành Tài chính doanh nghiế£p và chuyên ngành Ngân hàngChuyên ngành Tài chính doanh nghiệp: cung cấp cho người học kiến thức chung về thị trường tài chính và kiến thức chuyên môn về tài chính doanh nghiệp như: Phân tích tài chính, hoạch định chiến lược tài chính và quản trị tài chính. Khi ra trường sinh viên có thể đảm nhận chức danh chuyên viên ở các bộ phận khác nhau trong ngân hàng, doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh tài chính.
Chuyên ngành Ngân hàng:Cung cấp cho người học kiến thức chung về thị trường tài chính – tiền tệ và kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ ngân hàng thương mại, quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro tài chính. Khi ra trường sinh viên có thể đảm nhận chức danh chuyên viên ở các bộ phận khác nhau trong ngân hàng thương mại.
Trong quá trình học, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chung về Thị trường tài chính – Tiền tệ và kiến thức chuyên môn về tài chính doanh nghiệp như: Phân tích tài chính, Hoạch định chiến lược tài chính và Quản trị tài chính hoặc kiến thức chuyên môn về nghiệp vụ ngân hàng như: Ngân hàng thương mại, Quản trị ngân hàng, Quản trị rủi ro tài chính. Chương trình đào tạo chuyên ngành Ngân hàng sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về kinh tế – xã hội và chuyên môn về tiền tệ – ngân hàng – thị trường chứng khoán tương xứng trình độ cử nhân kinh tế; huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp để sinh viên có thể tìm việc làm và đảm nhận công việc được giao trong ngân hàng (cán bộ tín dụng, nhân viên kế toán, thanh toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ…), công ty chứng khoán (nhà môi giới và kinh doanh chứng khoán), tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính – ngân hàng và các loại hình doanh nghiệp khác.
Nhu cầu nhân lực của ngành Tài chính Ngân hàng hiện nay và trong những năm sắp tới vẫn còn rất cao, nhất là khi kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế; thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính-Ngân hàng khi ra trường có thể đảm nhận chức danh chuyên viên ở các bộ phận khác nhau. Có thể công tác trong các lĩnh vực như: nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính-tiền tệ-ngân hàng; phòng tài chính tại các doanh nghiệp, cơ quan; công tác tín dụng, ngân quỹ, quản lý, thanh toán quốc tế, kế toán ngân hàng, tư vấn, kinh doanh thẻ tín dụng, thẩm định dự án, phân tích rủi ro, kinh doanh ngoại hối. Và tại các Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các công ty đầu tư tài chính, quỹ tín dụng, các quỹ đầu tư, các công ty Chứng khoán, công ty Tài chính, các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác…
Chọn bậc học:Nếu học lực khá trở lên, bạn có thể tự tin để đăng ký dự thi vào các trường Đại học Kinh tế ngành Tài chính Ngân hàng hoặc các trường Đại học, Học viện Ngân hàng. Riêng ĐH Kinh tế TP.HCM điểm chuẩn qua các năm như sau: năm 2007 là 21,5 điểm, năm 2008 là 18,5 điểm và năm 2009 là 19,5 điểm và việc xét tuyển nguyện vọng 2 của Khoa kinh tế tùy thuộc vào tình hình tuyển sinh của mỗi năm. Riêng ngành Tài chính Ngân hàng, trong các năm tuyển sinh vừa qua không xét tuyển nguyện vọng 2.
Ngoài ra, các bạn cũng còn có nhiều cơ hội lựa chọn khác. Có rất nhiều trường ĐH, CĐ đào tạo khối ngành kinh tế, trong đó có các trường có điểm chuẩn tương đối “dễ chịu” như: ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng, ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Hiến, CĐ Kinh tế TP. HCM, CĐ Nguyễn Tất Thành…
Và nếu sức học không cao, các bạn có thể chọn học bậc Cao đẳng ngành kinh tế tại các trường ĐH, CĐ có mở các ngành đào tạo này. Sau khi học xong chương trình Cao đẳng, các bạn có thể đăng ký dự thi hoặc học liên thôngđể học tiếp lên bậc ĐH.
Chúc các bạn chọn đúng ngành và dự thi thành công!
Hàng Nhật Quang tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).