Thợ lành nghề không bằng cấp: vừa làm vừa học

(hieuhoc_hieuhoc.com). Theo hình thức dạy nghề phổ biến ở các cơ sở sản xuất và dịch vụ, thợ “vừa làm vừa học” hẳn nhiên là không có bằng cấp. Gần như không học lý thuyết, nhưng nhờ học từ thực tế công việc hằng ngày với sự kèm cặp trực tiếp của chủ hoặc thợ lành nghề nên người lao động thạo việc ít khi thất nghiệp hay phải vất vả tìm việc vì họ thường được cơ sở truyền nghề tuyển thành thợ chính thức.

Những sản phầm đẹp tuyệt làm từ đất và bàn tay khéo léo của người thợ.(Ảnh: Văn Chí).

Tiềm năng và nhu cầu của xã hội.

Những ngành nghề như công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, điện tử viễn thông, lắp ráp, sửa chữa máy móc kỹ thuật cao, các nghề thuộc ngành dịch vụ du lịch như đầu bếp, phục vụ, hướng dẫn viên du lịch, giao thông vận tải… sẽ tiếp tục phát triển mạnh cùng với quá trình công nghiệp hóa, toàn cầu hóa. Đồng thời, rất nhiều ngành nghề khác như sửa xe gắn máy-ô tô, sản xuất đồ nhôm, cơ khí, may – bọc nệm yên xe, làm tóc, trang điểm v.v…trong tương lai vẫn sẽ là những nghề cần thiết.

Riêng với thanh niên nông thôn, xu hướng mở trang trại, xưởng sản xuất tại chỗ, các nghề thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống… đang và sẽ tiếp tục phát triển, vì có đất, có nhân lực, giờ chỉ thiếu kiến thức quản lý và vốn. Ngoài ra, có nhiều ngành nghề mới như: nuôi ba ba, ếch, lươn, giun đất, nhím, heo rừng… và cả những nghề rất đơn giản như nuôi dế, nuôi nhông cát… cũng đã đem lại hiệu quả không nhỏ.

Rõ ràng, tiềm năng và nhu cầu của xã hội (kể cả nông thôn và thành phố) về các ngành nghề đang rất lớn. Nhưng thực tế, người lao động chưa nhận thức, chưa thực sự quan tâm tới việc học nghề. Cùng với đó là công tác dự báo của thị trường lao động quá thiếu, không đầy đủ và kịp thời khiến người lao động lúng túng trong việc lựa chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi học nghề. Điều này lý giải vì sao nhiều người trong độ tuổi lao động dù chưa có nghề gì nhưng khi được hỏi cần học, muốn học nghề gì thì rất nhiều bạn trẻ đều lúng túng.

Thích ứng là yêu cầu tất yếu!

Khi điều kiện của các trường nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội, việc “vừa làm vừa học” thưc tế tại các cơ sở sản xuất và dịch vụ cũng là một hình thức học nghề đáng được các bạn trẻ quan tâm xem xét.

Thích ứng là yêu cầu thiết yếu: người học phải biết được nhu cầu việc làm ở địa phương; nắm rõ khả năng, sở thích và hoàn cảnh (kinh tế) của mình; biết được khi học xong thì cơ hội tìm việc làm của mình sẽ như thế nào. Một khi học xong, đi làm và trở thành người thợ khá tay nghề, bạn có thể đi làm thợ chính cho cơ sở khác nếu muốn hoặc nếu có điều kiện thì trở về địa phương (về quê) để trở thành…chủ tiệm.

Yêu cầu chung của người “học nghề” là phải lo học, để có thể làm những thứ hàng có giá trị cao, có mĩ thuật, có kỹ thuật (kể cả sản xuất và dịch vụ). Vì hiện nay yêu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng về mẫu mã nên đòi hỏi người thợ phải khéo tay, sáng tạođể sản phẩm đạt yêu cầu và tiết kiệm nguyên vật liệu… Vì vậy, nếu các bạn đã có quyết định chọn nghề thì hình thức học ở đâu không phải là điều quan trọng duy nhất. Muốn làm nên sự nghiệp, yêu cầu để thích ứng là các bạn phải khơi dậy được niềm đam mê, có đam mê thì bạn mới có sáng tạo để cải tiến công việc tốt hơn, không sớm thì muộn chắc chắn bạn sẽ đi đến thành công.

Khánh hòa (hieuhoc_hieuhoc.com).

Bài liên quan

Tôi học ngành-nghề gì?

(hieuhoc_hieuhoc.com).“Dù rằng mình nắm giữ chìa khóa cuộc đời. Nhưng phải sử dụng nó thật là khó. Đến nay, tôi vẫn chưa xác định được ngành nghề gì là thích hợp, là sở trường của mình. Làm sao tôi biết được đâu là con đường mình phải đi, tôi sẽ học ngành gì, làm nghề gì?” Đó là tâm sự của rất nhiều bạn trẻ (Pikachu, Lê Ng.,Mai Tiên….) gởi đến với Hiếu Học.    

Luôn có một nghề dành cho bạn, để bạn vững bước vào đời!

(hieuhoc_hieuhoc.com). Không tự xác định mục tiêu để mình đi tới, sự nghiệp và cuộc đời của bạn sẽ chỉ là những tình cờ đầy may rủi. Chẳng phải bạn đã từng hoặc có thể là đang cảm thấy rất thất vọng, ê chề và bất mãn đó sao? Vì sao? Vì sao?

Cùng chuyên mục