(hieuhoc_hieuhoc.com): Chúng ta sống trong thế giới của những khái niệm đối lập nhau như lên – xuống, sáng – tối, nóng – lạnh, trong – ngoài…Đây chỉ là một vài trong số hàng ngàn ví dụ về các thái cực đối lập nhau. Muốn cực này tồn tại thì phải có cực kia. Có thể nào chỉ có mặt phải mà lại không có mặt trái?
Đồng tiền cũng vậy. Nếu đã có những quy luật “bên ngoài” thì cũng ắt phải có những quy luật “bên trong”. Những quy luật “bên ngoài” bao gồm kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý tài chính, các chiến lược đầu tư… Những yếu tố này rất cần thiết đối với bất kì ai quan tâm đến vấn đề tài chính, song những quy luật bên trong cũng giữ vai trò quan trọng không kém. Giống như người thợ mộc có trong tay rất nhiều dụng cụ tốt nhưng chuyện anh ta có khả năng sử dụng chúng một cách thành thạo không thì mới đáng bàn.
Vậy bạn là ai? Bạn suy nghĩ như thế nào? Niềm tin của bạn là gì? Thói quen và cá tính của bạn ra sao? Bạn tự tin đến mức nào? Bạn có hòa hợp với mọi người xung quanh không? Quả thật, tính cách, tư duy và niềm tin là một trong những yếu tố quyết định mức độ thành công của bạn.
Tại sao Kế hoạch tài chính trong tâm thức lại đóng vai trò quan trọng?
Bạn đã bao giờ nghe câu chuyện về những người phát tài chỉ trong nháy mắt chưa? Bạn có để ý một số người từng sở hữu rất nhiều tiền của nhưng rồi lại trở nên trắng tay, hay có người dường như đã gặp những cơ hội tuyệt vời nhưng chính họ đã để cho cơ hội ấy vuột khỏi kẽ tay không? Nếu chỉ quan sát từ bên ngoài thì sự thất bại ấy có vẻ như một “đại hạn”, một sự vấp ngã trong hoạt động kinh doanh… Tuy nhiên, khi phân tích vấn đề từ bên trong, bạn sẽ nhận ra một điều hoàn toàn khác. Nguyên nhân sâu xa ở đây là nếu bạn chợt có trong tay một khoản tiền lớn trong khi thâm tâm chưa sẵn sàng đón nhận, thì tài sản của bạn sẽ có nguy cơ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi.
Minh chứng phù hợp nhất có lẽ là chuyện về những người trúng số. Nhiều nghiên cứu cho thấy hầu hết những người trúng số cuối cùng cũng trở về tình trạng tài chính ban đầu – thậm chí còn rất nhanh, bất kể số tiền trúng thưởng lớn thế nào.
Trong khi đó, những nhà triệu phú tự tay làm nên cơ nghiệp lại không như vậy. Khi các nhà triệu phú này bị “nghèo” đi đôi chút, họ thường nhanh chóng kiếm lại số tiền ấy. Và Donald Trump là một ví dụ điển hình. Trump từng có hàng tỉ đô la trong tay, rồi ông bị phá sản và mất trắng. Vậy mà chỉ trong vài năm, ông đã kiếm lại được số tiền ấy và thậm chí còn nhiều hơn thế.
Nguyên nhân của sự khác biệt này chính là khả năng tư duy. Donald Trump không bao giờ chấp nhận mình “chỉ” là một triệu phú. Với mức tài sản trị giá 1 triệu đô la, ông sẽ cảm thấy túng quẫn và xem đây là môt thất bại tài chính! Đó là do “bộ óc tài chính” của Donald Trump đã được “cài đặt” con số hàng tỉ chứ không phải hàng triệu. Trong khi đó, “bộ óc tài chính” của hầu hết mọi người đều được con số hàng ngàn – thậm chí là hàng trăm, chứ không phải hàng triệu. Và có cả những “bộ óc tài chính” lại được đưa về dưới mức 0. Họ cứ thế chịu đựng mà không hiểu căn nguyên đích thực gây nên tình trạng khốn khó của mình.
Gốc rễ tạo nên hoa trái
Thành quả chúng ta đạt được cũng giống như những quả chín. Chúng ta nhìn vào giỏ quả vừa hái và không hài lòng: số lượng còn quá ít, quá nhỏ hoặc quả còn xanh hay bị sâu…
Vậy điều gì mới thực sự tạo nên những quả ngọt? Đó chính là hạt giống và gốc rễ.
Như vậy là cái nằm dưới mặt đất tạo nên những cái chúng ta thấy trên bề mặt, nghĩa là cái vô hình tạo nên cái hữu hình. Do vậy, nếu muốn thu hoạch những quả chín mọng, thơm ngon thì trước tiên, bạn phải chọn hạt giống tốt, kế tiếp là đảm bảo sao cho bộ rễ lúc nào cũng nằm sâu trong lòng đất. Nói cách khác, nếu muốn thay đổi cái hữu hình thì trước hết bạn phải thay đổi cái vô hình.
Con người là một phần của tự nhiên. Khi chúng ta tuân theo quy luật của tự nhiên – những “yếu tố ẩn” sẽ tạo nên những thứ đang hiện hữu quanh ta, cái vô hình sẽ tạo nên cái hữu hình và biết làm việc dựa trên “gốc rễ” của mình, nghĩa là thế giới “bên trong” của chúng ta – thì cuộc sống sẽ trôi qua một cách yên ả. Nhưng khi chúng ta chống lại quy luật này thì cuộc sống ắt sẽ có lắm thác ghềnh.
Bạn muốn thay đổi cái hữu hình thì trước hết hãy thay đổi cái vô hình.
Chúng ta không chỉ sống trong thế giới thực tại này, mà chúng ta hiện đang sống trong ít nhất 4 thế giới khác nhau cùng một lúc, đó là: thế giới vật chất, thế giới tinh thần, thế giới cảm xúc và thế giới tâm linh. Tuy nhiên, có rất ít người nhận ra rằng thế giới vật chất chỉ là hệ quả của 3 thế giới còn lại.
Ví dụ, bạn vừa “viết” một lá thư trên máy tính của mình. Sau đó, bạn in nó ra. Đọc lại bản in, bạn thấy trên đó có một số lỗi và bạn lấy cục tẩy để xóa chúng đi. Xóa xong, bạn cho in lại và lại xuất hiện những lỗi y như cũ. Bạn lại xóa đi và lại cho in lại – lỗi vẫn y như cũ. Có phải bạn hoa mắt không?
Bạn không hề hoa mắt. Vấn đề ở đây là bạn không thể thay đổi kết quả nếu chỉ có sửa chữa “sản phẩm in ra”, tức là thế giới vật chất; mà bạn chỉ có thể thay đổi “chương trình” in, tức thế giới tâm linh, cảm xúc và tinh thần.
Tiền bạc là kết quả, của cải là kết quả, sức khỏe là kết quả, bệnh tật là kết quả, đến cân nặng cũng là kết quả của chế độ dinh dưỡng và lối sống của bạn. Có thể nói chúng ta sống trong một thế giới nhân quả.
Bạn hãy luôn nhớ rằng thế giới bên ngoài chỉ là hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong. Nếu cuộc sống của bạn không suôn sẻ thì chính là do nội tâm của bạn chưa được sắp xếp ổn định theo cách phù hợp. Đơn giản chỉ có vậy thôi.
(Tóm lược từ sách: Bí quyết tư duy của những người Giàu có, T. Harv Eker, Nxb. Trẻ)
Phần 2: Kế hoạch tài chính trong tâm thức là gì? Được xây dựng như thế nào?