Hỏi: Em hát karaoke rất hay, lại mê ca hát. Liệu em có thể trở thành ca sĩ được không? Em thích nghề nào vừa giàu sang, lại vừa nổi tiếng. Em muốn hướng vào nghề ca hát thì em cần phải làm gì? Rèn luyện như thế nào? Nghề đó có thực sự mang lại tiền đô và danh vọng không?
Trả lời: Từ trước đến nay, không phải ca sĩ nào đã thành danh đều có nhiều “tiền đô”. Nhiều người trong số học lấy nghề ca hát làm phương tiện phục vụ là chính, coi đó như là nhu cầu của mình như nam ca sĩ Quang Lý, nữ ca sĩ Thu Hiền… họ được nể trọng hơn cả sự nổi tiếng.
Hát hay để trở thành ca sĩ, khoảng cách tưởng rất gần, chỉ trong gang tấc nhưng không dễ vược chút nào. Đó là quá trình chuyển hóa và lập thân từ một lới chơi tài tử sang một nghề nghiệp chính thức. “Phải biết “lột xác” khổ đau mới trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp”- lời của ca sĩ Madona. Nhiều trường hợp hát hay mà không thể thành ca sĩ dù họ rất muốn, chỉ vì không đủ phí khách để “lột xác”
Giới trẻ nào cũng vậy, rất mê ca hát, và nhiều người muốn đi vào nghề này. Đó là một nhu cầu rất chính đáng, rất tươi trẻ và cao đẹp. Gần đây, một số người mẫu, diễn viên , vũ công, nhạc công lấn sang lĩnh vực ca hát càng tạo nên sự hấp dẫn và thích thú đối với các bạn trẻ. Tuy nhiên, đam mê ca hát, chỉ là vấn đề đầu tiên. Bạn cần phải có chuyên môn, được khán giả đón nhận và giới trong ngành thừa nhận nếu muốn trở thành ca sĩ đích thực. Quá trình chờ đợi sự thẩm định là một quá trình lâu dài, cam go, đầy thử thách. Sự thử thách đó trải dài và trải rộng không chỉ trên sân khấu, còn cả nơi nghỉ ngơi và nhất là nơi thiếu vắng ánh đèn màu.
Thời bùng nổ quán bar, karaoke, vũ trường như hiện nay cũng là thời nở rộ “ca sĩ”. Có nhiều người hát karaoke thấy “được” bèn ôm mộng thành danh ca. Trong một bộ phận của các “ca nhân” trẻ, đây cũng là hiện trạng có thật. Nhưng, từ “mộng” tới “thực”, không giản đơn, không bằng phẳng. Để đạt được sự hâm mộ từ phía công chúng (dù chỉ là công chúng “phòng trà”), các ca nhân phải phấn đấu cật lực. Những ai chập chững muốn bước vào nghề này đều phải đối diện với nhiều mặt trái của nghề (gọi là “nghiệp”). Cái nghiệp đó ẩn nấp phía sau ánh đèn sân khấu, nhiều khi rất phũ phàng, bạc bẽo.
Hiện nay, số “ca nhân” mới vào nghề rất đông nhưng để được thành ca sĩ thì … không nhiều. Nhiều người bị loại khỏi ánh đèn màu, có thể không vì giọng ca, mà vì… những lý do khó nói! Công tâm mà nói, có một số người đã vào nghề ca hát với thái độ nghiêm túc, kiên trì tập luyện và nhờ vậy đã thực sự thành công trước khi thành danh.
Sự thành công trong nghề hát chỉ đến với những ai thực sự có năng khiếu và chủ yếu là dày công khổ luyện. Phải khổ luyện để trở thành điêu luyện từ giọng ca đến nhạc lý, từ trạng thái tâm hồn đến phong cách biểu diễn, từ làm chủ giọng hát đến làm chủ cuộc đời. Bên cạnh đó, sự may mắn chỉ là một yếu tố “gặp thời” hay “gặp người”, nhưng thứ yếu. Chính yếu là ở sự nỗ lực tự thân, gắng sức vượt bậc. Đến khi đã thành ca sĩ, vẫn còn phải liên tục dày công mới hy vọng cạnh tranh được ở chốn “ca trường”.