Ở phương Tây khi có ý tưởng mới, sáng tạo thì luôn nhận được sự cổ vũ, ý tưởng đó sẽ nảy nở và phát triển. Còn ở phương Đông, khi có ý tưởng mới được đưa ra sẽ có rất nhiều câu hỏi kèm theo: Có lợi không? Có khả thi không? Nhiều khi thói quen ấy của chúng ta đang làm triệt tiêu sự sáng tạo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ như vậy tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sáng 16/9.
Theo Phó Thủ tướng, tuổi 20 của học viện không phải là dài, nhưng 20 tuổi ấy là sự kế thừa vô cùng đáng tự hào của truyền thống hơn 70 năm của sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của ngành bưu điện.
“Bây giờ, hơn ai hết, học viện phải là nơi giữ vai trò như là cái nôi đào tạo những cán bộ tương lai của đất nước với tinh thần vì sự nghiệp chung của đát nước. Ngày xưa, đó là sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước thì bây giờ là bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, chống lại giặc nghèo“.
“Chúng ta đã trải qua bao nhiêu hy sinh như vậy thì nhất định phải phát triển nhanh, sánh vai với các nước phát triển. Đó sẽ là cách tri ân tốt nhất với các liệt sĩ đã ngã xuống trong đó có những liệt sĩ, cán bộ ngành bưu điện“.
Để làm được điều này, ngành thông tin và truyền thông nói chung và học viện nói riêng phải dũng cảm để vượt lên chính mình.
Nhớ lại những giai đoạn khó khăn của ngành bưu điện, khi mà chúng ta bước vào cuộc cách mạng kỹ thuật số trong bối cảnh “muôn vàn khó khăn”, “ngoại tệ chỉ vài trăm ngàn đô la là quý lắm rồi” và “cán bộ kỹ thuật biết về kỹ thuật số, phân biệt được bit và byte chỉ đếm trên đầu ngón tay”, Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta vẫn vượt lên chính mình để đi thẳng vào cuộc cách mạng lần thứ 3.
“Ngày nay hơn bao giờ hết, trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo của đất nước đang đứng trước yêu cầu mới như Nghị quyết 29 nói là đổi mới căn bản toàn diện. Một trong những yêu tố để vượt qua là phải vô cùng dũng cảm để vượt qua những suy nghĩ mà bấy lâu nay mình cho là đúng“.
Bên cạnh đó, học viện cần phải tiếp nối truyền thống của thế hệ trước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo. “Lúc này đây cả thế giới đang đứng trước cách mạng công nghiệp lần thứ 4, làm sao huy động đổi mới sáng tạo của tất cả từ các thầy cô giáo tới các em sinh viên để tạo nên sự lan tỏa trong cả xã hội“.
Phó Thủ tướng chia sẻ, các nhà khoa học phương Tây và phương Đông đã gặp nhau và thống nhất rằng, một trong những điểm khác biệt giữa phương Tây và phương Đông chính là: Ở phương Tây khi có ý tưởng mới, sáng tạo thì luôn nhận được sự cổ vũ, ý tưởng đó sẽ nảy nở và phát triển. Còn ở phương Đông, khi có ý tưởng mới được đưa ra sẽ có rất nhiều câu hỏi kèm theo: Có lợi không? Có khả thi không?
“Nhiều khi thói quen ấy của chúng ta đang làm triệt tiêu sự sáng tạo” – Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng mong muốn học viện cầnn phải gắn chặt hơn nữa việc đào tạo với nhu cầu xã hội. “Chúng ta rất tự hào là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên theo Nghị quyết của Trung ương về gắn liền đào tạo nghiên cứu với doanh nghiệp nhưng liệu trong bối cảnh ngày nay sự gắn liền đó đã đủ chưa?“
“Câu hỏi này phải được đặt ra thường xuyên, không chỉ dừng lại ở các đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo mà học viện phải phấn đấu trở thành nơi thành công nhất trong việc đưa các ý tưởng nghiên cứu vào thực tiễn“.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu học viện đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế. Các trường ĐH hiện nay rất hạn chế trong nghiên cứu khoa học, điều này thể hiện rất rõ qua việc công bố quốc tế và đặc biệt là bằng phát minh sáng chế của chúng ta rất thiếu.
“Học viện tự hào và phấn đấu giữa vững vị trí tốp 20 trường ĐH hàng đầu Việt Nam nhưng các bạn có biết không, trường ĐH hàng đầu Việt Nam được xếp hạng gần đây nhất trong bảng xếp hạng quốc tế đứng thứ 1.031“.
“Chúng ta có thể dẫn đầu về đào tạo nhưng bên cạnh đó cũng phải quyết liệt hơn nữa trong việc nghiên cứu khoa học“
Trước khi kết thúc phần phát biểu, Phó Thủ tướng đánh giá cao việc học viện tổ chức quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn do bão lũ gây ra ngay sau lễ kỷ niệm. Tuy nhiên, ông Đam cho rằng, với tư cách là một học viện nghiên cứu thì nên có sự “ủng hộ cao hơn”.
Dẫn ví dụ sau cơn bão Katrina ở Mỹ, các nhà công nghệ nước này đã đưa vào ứng dụng GPS để phục vụ cho việc cứu nạn, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài ủng hộ bằng tiền thì cao hơn nên đặt ra nhiệm vụ ủng hộ bằng trí tuệ, bằng ứng dụng mới, phát kiến mới thì sẽ có tác dụng rộng hơn, lớn hơn và lâu bền hơn.
Theo Lê Văn (Giaoduc/Khoa hoc VNN)