Douglas Abrams là người sáng lập Expara – một công ty đầu tiên kết hợp giữa quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm và khóa tăng tốc khởi nghiệp, có mặt tại Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Có thể Expara là khóa tăng tốc khởi nghiệp tốt nhất ở Việt Nam hiện nay, vì vậy phóng viên Tia Sáng đã kết nối và trao đổi với Douglas Abrams về việc làm thế nào xây dựng một khóa tăng tốc khởi nghiệp thành công.
Ngày càng nhiều các vườn ươm khởi nghiệp được thành lập ở Việt Nam bởi cả khối nhà nước và khối tư nhân. Ông có thể cho biết đâu là hạn chế cơ bản nhất thường thấy ở các khóa tăng tốc khởi nghiệp này?
Việc lập ra các khóa tăng tốc khởi nghiệp dường như là một xu hướng thời thượng hiện nay. Ai đó tham dự buổi Demo Day (ngày tốt nghiệp của các startup tham dự khóa tăng tốc khởi nghiệp), nhìn những startup thuyết trình về sản phẩm của mình và nghĩ: “Mình cũng có thể lập ra một khóa tăng tốc khởi nghiệp với những startup giỏi như vậy”. Họ quay trở về, lập ra một khóa tăng tốc khởi nghiệp nhưng nó thất bại. Sai lầm cơ bản nhất là họ chưa chuẩn bị đầy đủ, tưởng rằng tất cả những gì bạn cần cho một khóa tăng tốc khởi nghiệp chỉ là một không gian, vài startup và vài mentor. Nhưng trên thực tế, người ta cần hơn thế rất nhiều; cần một danh tiếng, cần kinh nghiệm, cần chuyên môn, cần mạng lưới những người đầu tư rộng lớn, cần sự kết nối và hợp tác chặt chẽ với những thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Cụ thể hơn, khi không hội tụ đủ những yếu tố này thì các khóa tăng tốc khởi nghiệp sẽ dễ gặp những rủi ro gì?
Vấn đề đầu tiên là những startup xuất sắc nhất sẽ luôn đăng ký vào những khóa tăng tốc khởi nghiệp có danh tiếng nhất – điều mà một khóa tăng tốc khởi nghiệp “mới toanh” không có. Nếu không chiêu mộ được những startup xuất sắc, họ đã mất đi nguyên liệu quan trọng đầu tiên cho một khóa tăng tốc khởi nghiệp thành công. Nếu họ xoay sở tìm được vài startup vào chương trình của mình thì lại không có chuyên gia thường trực để hỗ trợ các startup và phải dựa vào các chuyên gia bên ngoài – những người dù có nhiều kinh nghiệm nhưng quá bận bịu với những công việc khác và không thể dành thời gian “kèm cặp” các startup. Một điều mà các khóa tăng tốc khởi nghiệp biết rõ đó là họ sẽ kết thúc chương trình của mình bằng Demo Day. Do vậy, họ sẽ đào tạo kỹ năng pitching (thuyết trình) nhưng thông thường, đây là điều duy nhất mà những startup có thể học được từ khóa tăng tốc khởi nghiệp đó. Khi các startup tốt nghiệp, nếu chỉ làm tốt kỹ năng thuyết trình thì chưa đủ để họ thuyết phục các nhà đầu tư bỏ vốn. Hơn nữa, một khóa tăng tốc khởi nghiệp nếu không sở hữu hoặc liên kết với một vài quỹ đầu tư mạo hiểm thì startup sẽ rất chật vật để gọi vốn từ những nhà đầu tư chỉ “quen biết xã giao” với khóa tăng tốc khởi nghiệp. Thành tích gọi vốn nghèo nàn sẽ khiến chất lượng những đơn đăng ký vào khóa tăng tốc khởi nghiệp kế tiếp cứ theo đó giảm dần theo thời gian, một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.
Theo quan sát của tôi thì các khóa tăng tốc khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay đều chỉ dựa vào các mentor ở bên ngoài, làm việc tình nguyện, có thể là thi thoảng tới giảng hoặc chia sẻ kinh nghiệm cho các startup tại đó. Ông có cho rằng một khóa tăng tốc khởi nghiệp bắt buộc phải có chuyên gia tại chỗ để hỗ trợ startup không?
Tôi quả quyết rằng “có” với câu hỏi này. Chất lượng của những chuyên gia hoặc mentor tại chỗ là một trong những yếu tố mà startup cân nhắc lựa chọn tham gia vào một khóa tăng tốc khởi nghiệp. Những người tình nguyện thì cũng tốt nhưng không thể so sánh với đội ngũ thường trực trong khóa tăng tốc khởi nghiệp được. Những người này dĩ nhiên là được trả lương toàn thời gian hoặc bán thời gian bởi khóa tăng tốc khởi nghiệp.
Ông có nghĩ rằng chính phủ nên hỗ trợ các khóa tăng tốc khởi nghiệp hay không?
Thông thường, chi phí để duy trì một khóa tăng tốc khởi nghiệp rất cao và tiền đầu tư vào các startup phải mất 5-10 năm mới có thể nhìn thấy kết quả. Trong thời gian chờ đợi thu về lợi nhuận, khóa tăng tốc khởi nghiệp dĩ nhiên vẫn phải chi trả các hóa đơn, đặc biệt là những chi phí dịch vụ hỗ trợ và đầu tư cho startup. Chính phủ vì thế có thể đóng vai trò như một nhà tài trợ cho các khóa tăng tốc khởi nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là ở giai đoạn thị trường tăng tốc khởi nghiệp vẫn còn non trẻ. Chương trình hỗ trợ của Singapore (đầu tư đối ứng với các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp theo tỉ lệ 1:1 hoặc 6:1) đóng vai trò quyết định tới thị trường hỗ trợ khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ tại nước này.
Ông có thể cho các startup Việt Nam lời khuyên để họ có thể lựa chọn một khóa tăng tốc khởi nghiệp phù hợp với mình?
Có nhiều yếu tố mà startup nên xem xét trước khi lựa chọn một khóa tăng tốc khởi nghiệp. Đương nhiên, danh tiếng của một khóa tăng tốc khởi nghiệp là yếu tố quan trọng cần để mắt đến đầu tiên nhưng tôi vẫn khuyên startup tự hỏi mình sáu câu này, với hai nội dung:
Cách thức vận hành:
1. Quỹ đầu tư mạo hiểm hay là một đơn vị của tập đoàn lớn: Khóa tăng tốc khởi nghiệp này vận hành theo kiểu một quỹ đầu tư mạo hiểm, chỉ tập trung vào lợi ích tài chính thu về hay là một khóa tăng tốc khởi nghiệp do một tập đoàn lập ra tập trung vào cả lợi ích tài chính lẫn lợi ích về mặt chiến lược cho công ty?
2. Ngang hay dọc: Công ty được nhận vào khóa tăng tốc khởi nghiệp này đến từ đa dạng nhiều lĩnh vực hay thực ra chỉ đến từ một lĩnh vực ngành dọc, chẳng hạn như Fintech thôi (các startup làm trong lĩnh vực công nghệ tài chính).
3. Có hay không có quỹ: Khóa tăng tốc khởi nghiệp này có quỹ mạo hiểm riêng hay liên kết với một quỹ đầu tư mạo hiểm bên ngoài để đầu tư vào các startup tốt nghiệp hay không?
Thước đo
4. Quy mô mạng lưới nhà đầu tư lớn như thế nào?
5. Hòa nhập và kết nối với cộng đồng: khóa tăng tốc khởi nghiệp này hòa nhập với hệ sinh thái khởi nghiệp/doanh nghiệp như thế nào và nó làm thế nào để kết nối các doanh nghiệp tốt nghiệp với cộng đồng ra sao?
6. Số liệu về những công ty từng gọi vốn thành công trong vòng 6 tháng và 12 tháng sau khi tốt nghiệp.
Lựa chọn hoàn hảo một khóa tăng tốc khởi nghiệp cho một startup sẽ là sự tổng hợp các câu trả lời cho những câu hỏi và nhu cầu của startup.
Xin cảm ơn ông!
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp của Expara được Douglas phát triển và kiểm nghiệm trong quá trình giảng dạy tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Viện kinh doanh Sasin (Đại học Chulalongkhom, Thái Lan). Ông tốt nghiệp ngành truyền thông và MBA tại Đại học Pennsylvania, Mỹ và đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đầu tư mạo hiểm trước khi cho ra đời Expara. Hiện nay, công ty này sở hữu ba quỹ đầu tư mạo hiểm với tổng trị giá gần 100 triệu USD, đã hỗ trợ 500 startup và đầu tư vào 60 startup.
Theo: Hảo Linh ĐỔI MỚI SÁNG TẠO (Tiasang)