Chuyên gia tâm lý nổi tiếng, được giới học trò yêu thích đã chia sẻ nhiều ‘bí kíp’ hay giúp thí sinh vượt qua những nỗi lo khi ngày thi THPT Quốc gia 2017 đã cận kề.
Đừng bắt mình với lấy mục tiêu quá sức
Hồ Nhất Long (HS ở Lạng Sơn) băn khoăn: “Làm sao để cảm thấy tự tin hơn khi thi đại học ạ? Em sợ em trượt thì bạn bè cười chê, gia đình thất vọng”. Không chỉ riêng Long mà đây là nỗi niềm của nhiều thí sinh hiện nay. Họ lo lắng, họ sợ sẽ thi không tốt. Và điều cần bây giờ là muốn bản thân tự tin hơn, nhưng chẳng biết phải làm gì.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), nếu bắt cậu bé cao 1,7m phải nhảy qua cái xà 2m thì cậu bé ấy khó mà tự tin nổi. Nhưng nếu mục tiêu chỉ là 1,3m, vừa sức, cậu ấy tự tin hơn rất nhiều. “Điều này có nghĩa là, nguyện vọng của em phải vừa sức hoặc thậm chí thấp hơn một chút (khoảng 1-2 điểm so với năng lực em có thể đạt tới), chắn chắn em sẽ cảm thấy tự tin hơn. Do đó, ngày 15.7 sắp tới, nhớ điều chỉnh nguyện vọng sao cho phù hợp với sức mình thôi, đừng bắt mình với lấy mục tiêu quá sức”, tiến sĩ Hiếu hướng dẫn.
Chuyên gia tâm lý này cũng kể lại: “Hồi đó thầy làm đề thi thử, 3 môn được 21 điểm, thầy chọn ngành Tâm lý học điểm chuẩn có 18 điểm hà. Nên đi thi mà lòng yên ả lắm”.
Cũng theo tiến sĩ Hiếu, nếu bắt cậu bé lúc nãy đứng trên cát lún mà nhảy, chắc cậu sẽ khóc ròng. Cái nền đó chính là nền kiến thức. Nếu ôn tập kỹ, kiến thức chắc, giải bài ổn, chắc chắn sẽ tự tin hơn nhiều khi đối diện kỳ thi. “Hãy ôn bài kỹ, ôn bài thông minh”, tiến sĩ Hiếu nhắn nhủ.
Tuy nhiên, nếu cậu bé đó có cái bệnh tưởng tượng. Chưa nhảy mà cứ hình dung cảnh bị té, gãy chân, bị chấn thương sọ não, sẽ đạp trúng gai… thì sẽ bị nhát chân, mất bình tĩnh. “Vậy nên đừng tự hù dọa bằng cảnh bạn bè cười chê, gia đình thất vọng... Mà hãy hình dung đến những môn mà bản thân học giỏi, kiến thức chắc, những phần mà tự tin sẽ đạt được điểm dễ dàng. Ngoài ra, hãy nghĩ những người bạn tốt là người sẽ an ủi, thông cảm cho bạn mình chứ không phải cười chê. Gia đình nếu có thất vọng thì em phải có phương án 2, 3, 4… để gia đình hy vọng. Nếu nhắm trượt đại học tốp cao, em chọn nguyện vọng đại học tốp giữa. Nếu nhắm trượt, em chọn đại học tốp dưới. Nếu không thì vào cao đẳng. Không nữa thì vào trung cấp chuyên nghiệp. Nếu không thì vào sơ cấp nghề. Nếu không vào đâu được thì đi học nghề thực tế, trong các cửa hàng, các nhà xưởng, trong các cơ sở dạy nghề.
Nhiều ĐH – cao đẳng – trung cấp bây giờ chỉ xét học bạ, không cần thi, học lực trung bình thôi là vô thẳng. “Nói chung là đi thi thì đi thi thôi, đời còn nhiều đường lắm, cứ bình tĩnh mà sống, đăng ký nguyện vọng phù hợp rồi thì cứ tự tin mà thi”, tiến sĩ Hiếu nói.
Theo: (Giáo dục /TNO)