Bạn có đối thủ trong công việc không? Rất nhiều người chúng ta đều có. Nhưng trong lúc ta có thể dễ dàng nhớ ra tên của những đồng nghiệp mình yêu quý thì việc phát hiện ra ai có thể là kẻ đang bí mật cố gắng đẩy mình ra bên lề lại khó hơn rất nhiều.
Trong nhiều trường hợp, ta có thể thậm chí không biết mình có đối thủ trong công việc, các chuyên gia nói. Và khi đề cập đến việc kiểm soát kẻ thù thì có rất nhiều lỗi mà nhiều người đang mắc phải, theo một nghiên cứu mới.
Thông thường, các kiểu cạnh tranh thiếu lành mạnh tạo ra sự căng thẳng và ảnh hưởng đến sự thể hiện cũng như cảm hứng của chúng ta trong công việc.
Vậy thì làm cách nào bạn biết được liệu mình có đối thủ công việc hay không, và bạn có thể làm gì nếu sự đối kháng giữa bạn và đồng nghiệp hay sếp ngày càng tăng dần?
Cạnh tranh một chiều
Sự cạnh tranh tồn tại là do nhu cầu phân chia nguồn lực tại nơi làm việc, vốn chỉ có ở mức giới hạn nhất định.
Với nhân viên, điều này có nghĩa là phải cạnh tranh với đồng nghiệp để được thăng tiến hoặc để được tăng lương ở mức tốt hơn.
Nếu không có những hướng dẫn rõ ràng để phát triển, sự cạnh tranh có thể biến thành tình trạng đối đầu nghiêm trọng. Những nhân viên vốn có tính cạnh tranh cao sẽ càng dễ rơi vào tình trạng này.
Chúng ta thường không nhận ra là có đồng nghiệp nào đó đang cảm thấy bị đe dọa vì kết quả công việc của ta, Hillary Anger Elfenbein, giáo sư về hành vi trong tổ chức tại Đại học Washington ở St.Louis, Hoa Kỳ cho biết. Bà là một trong ba tác giả của một nghiên cứu năm 2017 về sự ganh đua tại nơi làm việc, là công trình tập trung xem xét dữ liệu về các nhân viên bán hàng tại nhiều cửa hàng bán xe hơi và sinh viên đại học làm việc trong các dự án theo nhóm.
Hầu hết những người tham gia thử nghiệm đều có thể đoán khá rõ họ được đồng nghiệp thích đến mức nào, nhưng không đoán được ai đang cạnh tranh chống lại họ.
Đó là vì sự cạnh tranh thường “không có tác động qua lại”, Elfenbein cho biết.
Nói cách khác, rất dễ để nhận ra liệu bạn có bạn bè khi đi làm hay không: nếu bạn thân thiện với ai đó và họ đáp lại tử tế, bạn có thể khá chắc chắn là bạn có quan hệ tốt. Nhưng để duy trì sự hài hòa trong quan hệ xã hội, mọi người thường có xu hướng giấu kín sự ganh đua, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trong nghiên cứu của mình, Elfenbein nhận thấy mọi người có xu hướng cạnh tranh với những đồng nghiệp có năng lực tốt. Chúng thường là quan hệ một chiều, có vẻ hay xảy ra giữa nhân viên với sếp hơn là giữa những đồng nghiệp đồng cấp. Thông thường, sếp là người đứng trong bóng tối.
Hơn cả cạnh tranh
Dù đa số sự cạnh tranh ở công sở thường là thân thiện, thì “sự thù địch xảy ra khi nó biến thành chuyện cá nhân”, Elfenbein giải thích.
Rất dễ xảy ra sự ganh đua thù địch cá nhân. Khi hạn chót để làm xong công việc quá gắt gao, áp lực nhiều và thiếu các cuộc đối thoại trực tiếp, người lao động thường nhảy vào kết luận ngay và hiểu sai ý định của đồng nghiệp.
Điều này có thể gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh và hóa thành sự thù địch nghiêm trọng ẩn giấu bên dưới, Tom Diamante, nhà tâm lý học trong các tổ chức và ngành công nghiệp tại Hội Tư vấn Doanh nghiệp (Corporate Counseling Associates), một công ty tư vấn có trụ sở ở New York, nói.
Để phát hiện ra kẻ ganh đua, Diamante nói các nhân viên hãy để ý xem liệu các ý tưởng tốt nhất của họ có bất ngờ bị chặn hay không, hãy tìm các trường hợp về sự đối xử không công bằng và ghi chép lại khi quan điểm của bạn chưa được lắng nghe. Thông thường, các dấu hiệu này có thể giúp bạn vạch ra một kế hoạch hạ gục đối thủ tiềm năng trước khi tình huống trở nên tồi tệ.
Giảm thiểu cảm giác cạnh tranh sớm có thể giúp bạn vui vẻ hơn và ít căng thẳng hơn trong quá trình làm việc lâu dài. Nhưng một khi sự thù địch cá nhân bắt đầu, nó có thể khiến đời sống công việc của bạn khó khăn hơn. “Tác động tâm lý là hồi hộp, lo âu và tự nghi ngờ bản thân,” Diamante cho biết thêm.
Tránh khỏi chính trị văn phòng
Chấm dứt sự thù địch không phải nhiệm vụ đơn giản. Một số công ty thậm chí khuyến khích các tình huống công việc gây ra sự thù địch, với mong muốn tạo ra môi trường áp lực cao và đòi hỏi thành tích cao, Elfenbein nói. Điều này dĩ nhiên là đúng trong một số công ty bán hàng và ngành tài chính, bà nói thêm.
Trong khi đó, những người có tính ganh đua tự nhiên sẽ có xu hướng có kẻ thù và cảm thấy đối địch với đồng nghiệp, Elfenbein nói. “Bất cứ khi nào bạn có sự cạnh tranh lâu dài, nơi đó sẽ có chỗ cho sự ganh đua.” Đôi khi những cảm xúc tiêu cực có thể giúp những nhân viên ganh đua thành công.
Nhưng điều ngược lại cũng đúng. Khi quản lý đối xử với cấp dưới công bằng, họ có thể giảm thiểu nhu cầu cạnh tranh từ phía nhân viên. “Điều cốt yếu là sự công bằng và minh bạch. Bằng cách đó, họ sẽ giảm sự tập trung vào việc người khác làm gì và tập trung hơn để đạt được kết quả tốt cho phần việc của bản thân,” Elfenbein nói.
Vậy bạn có nên xuất hiện ở chỗ làm mỗi ngày với trạng thái hoang mang liên tục, lo sợ đồng nghiệp luôn chờ bắt lỗi bạn? Tất nhiên là không. Thậm chí nếu điều đó xảy ra, thì hầu hết sự thù địch cũng không kéo dài vĩnh viễn, và thường chúng sẽ dần tiêu tan với cùng với sự tiến triển công việc một cách tự nhiên.
Một số người thậm chí có thể trở thành đồng minh trong một số tình huống công việc – như khi có sự thăng tiến hoặc chuyển qua bộ phận khác, Maryanne Peabody, đồng sáng lập của một công ty phát triển lãnh đạo ở Boston cho biết.
Nhưng khi các hành động trở nên thiếu chuyên nghiệp thì mối quan hệ có thể bị hủy hoại mãi mãi. “Mỗi người phải giữ quan điểm rằng [ganh đua] chỉ là việc phát sinh có điều kiện, và bạn không nên để cho nó bị cảm xúc lấn át quá mức,” Peabody nói.
Tận dụng tối đa sự ganh đua
Trong khi sự cạnh tranh liên tục có thể gây xao nhãng,thì việc luôn để mắt đến bất cứ đối thủ nào ta biết được có thể hóa thành một nguồn lực.
Bởi hầu hết mọi người cuối cùng đều chọn một cách vô thức đối thủ của mình là những người thành công tại nơi làm việc, khác với việc chọn đồng minh là những người làm các công việc không tạo ra sự đố kỵ với nhau, cho nên kết quả là sẽ tạo ra được chuẩn mực làm thước đo giữa các đồng nghiệp có hiệu suất làm việc cao, theo Mark Murphy, tác giả của quyển “Sự thật tại nơi làm việc: Khoa học của việc đưa ra thông điệp khó khăn”.
Đừng ngại thừa nhận những điểm còn yếu kém của mình khi bạn chấp nhận cạnh tranh. Rất nhiều người coi sự cạnh tranh là tiêu cực và không sẵn lòng thừa nhận và chấp nhận cạnh tranh. “Đó là từ mạnh đến mức đến nỗi có định kiến xã hội khiến chúng ta ít khi sẵn lòng nói “tôi có một địch thủ”.
Nhưng về lâu dài, tốt hơn là nên tránh sa đà vào việc cạnh tranh. Nhân viên cảm thấy thêm áp lực và đưa ra các quyết định ngày càng kém hơn để đối phó với những kẻ thù mà họ đã biết, Murphy nói. – “Càng tập trung vào một kẻ địch nào đó thì chúng ta càng chạy theo cái đuôi của chính mình.”
Theo: