Còn khoảng 2 tuần nữa, gần một triệu học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi quan trọng trong đời các em. Nó quan trọng không chỉ vì điểm thi đợt này có ý nghĩa quyết định đến việc vào đại học. Quan trọng hơn, có lẽ cũng ít được để ý hơn, là từ thời điểm này việc học đã có mục đích khác đòi hỏi cách nhìn, cách suy nghĩ khác.
Đến hết THPT, việc học là để chuẩn bị nền tảng cơ bản về tri thức cho một con người trong xã hội hiện đại. Đi học gần như là việc hiển nhiên, không cần bàn cãi. Nhưng chỉ một ngày sau kỳ thi THPT quốc gia, các em học sinh và gia đình sẽ đối diện với những câu hỏi hóc búa khác, không còn hiển nhiên, không còn mặc định như trước nữa. Những câu hỏi lớn nhất sẽ là: có học tiếp không? học cái gì? học ở đâu? học bao lâu? học xong làm gì? chi phí thế nào?…
Điều ngạc nhiên là câu hỏi “học xong làm gì?”, với đầy đủ tính chất quan trọng của nó, ai cũng đặt ra nhưng hầu như không ai tìm câu trả lời cho đến nơi đến chốn. Hơn nữa, đáng lẽ nó phải là câu hỏi có ý nghĩa quyết định thì bỗng nhiên trở thành thứ yếu.
Không phải học sinh hay phụ huynh không ý thức được tầm quan trọng: họ bỏ qua vì không có câu trả lời. Cũng vì không có câu trả lời, nên việc tặc lưỡi cho qua theo kiểu:thôi cứ học lấy cái bằng trước đã, làm gì tính sau. Và đấy chính là nguyên lớn nhất dẫn đến tình trạng thất nghiệp của các cử nhân, kỹ sư sau tốt nghiệp.
Nên chọn con đường phù hợp
Tôi tin rằng, dù trong điều kiện nào, phụ huynh và học sinh cũng nên tìm cách trả lời cho rốt ráo những câu hỏi đó trong thời điểm quan trọng sau khi thi THPT quốc gia. Và không chỉ có những câu hỏi đó, việc lựa chọn học ở đâu? chi phí thế nào? thời gian bao lâu? cũng rất quan trọng. Nó phụ thuộc vào năng lực của học sinh, hoàn cảnh của gia đình, điều kiện tài chính của bố mẹ,…
Không có ý chê trách, nhưng hình ảnh ông bố già yếu lên Hà Nội nhặt rác nuôi con học đại học, dù rất đáng trân trọng và khâm phục nhưng không nên là hình ảnh tiêu biểu. Con cái nên chọn những con đường phù hợp hơn để phát triển học vấn, không thể đòi hỏi cha mẹ hy sinh vô điều kiện như vậy, dù đó luôn là sự hy sinh tự nguyện.
Trong việc chọn ngành, chọn nghề, chọn phương thức học tập thì những yếu tố sau đây cần phải đóng vai trò quyết định:
Học để có nghề nghiệp: trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và hội nhập, kỹ năng nghề nghiệp đóng vai trò quyết định cho tương lai của đa số bạn trẻ. Các con, các cháu nếu đã học hãy học một nghề nghiệp nghiêm túc và có nhu cầu cao trong xã hội. Tình trạng có bằng mà không có nghề khá phổ biến và gây hậu quả nặng nề cho xã hội và cho bản thân. Hãy cố gắng chọn nghề nghiệp trước, nghề nào càng gần với năng lực tự nhiên, tính cách, sở thích của mình càng tốt.
Học để có việc làm:việc làm vốn là mục tiêu chính của việc học sau bậc PTTH dù không phải mục tiêu duy nhất. Không nhiều cơ sở giáo dục/đào tạo có khả năng gắn việc học với việc làm, nhưng không phải là không có. Nếu không tìm được những cơ hội như thế, hãy đặt ưu tiên cao cho những nơi có thể trang bị kỹ năng nghề nghiệp tốt. Đấy là cơ sở để có việc làm.
Bằng cấp ?: bằng cấp có vai trò nhất định, nếu nó gắn liền với tri thức và trình độ nghề nghiệp thật. Hãy tin là trừ một số ít trường hợp, nếu không có kiến thức và trình độ thực tấm bằng sẽ hoàn toàn vô giá trị. Nếu thuộc tỷ lệ tương đối nhỏ những học sinh xuất sắc, hoặc gia đình có điều kiện tốt, bạn có thể ưu tiên cho bằng cấp trước. Nhưng với đa số trường hợp, nghề nghiệp và việc làm nên có ưu tiên cao hơn.
Bằng cấp vẫn quan trọng, nhưng nếu phải lựa chọn, hãy chọn việc làm. 27-30 tuổi lấy bằng đại học hoàn toàn không phải muộn. Nhưng nếu đến tầm đó bạn mới bắt đầu đi làm thì hơi rõ ràng là hơi muộn, bạn bè của bạn đã kịp có 3-5 năm kinh nghiệm và có thể đã có những bước tiến lớn trong nấc thang nghề nghiệp của họ.
Không chỉ có một con đường
Bài viết này không chỉ ra con đường nào cụ thể. Hàng triệu học sinh sắp tốt nghiệp mỗi người có một năng lực, một thiên hướng, một hoàn cảnh khác nhau. Không có con đường nào duy nhất đúng cho tất cả mọi người. Tất cả chỉ là những nguyên tắc, những phương pháp để lựa chọn. Quyết định là ở mỗi học sinh, mỗi gia đình và tương lai phụ thuộc rất nhiều vào quyết định đó.
Theo: Khúc Trung Kiên Giám đốc Chương trình Fast Track SE (DT)