Hầu hết các địa phương đều công nhận chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài đem lại nhiều lợi ích nhưng vì nhiều lý do nên phải dừng. Trong đó, biên chế, kinh phí là những áp lực khó giải
Năm 2009, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Chương trình đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ (ThS, TS) ở nước ngoài giai đoạn 2010-2015 với số tiền hơn 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, cũng chính UBND tỉnh này đề xuất Tỉnh ủy dừng chương trình.
Lắm cái khó
Theo dự thảo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2010 đến nay, hội đồng xét chọn của tỉnh đã trình UBND tỉnh phê duyệt 56 người tham gia chương trình đào tạo nói trên. Những người được chọn trải đều ở nhiều lĩnh vực như tài chính, kinh tế, luật, giáo dục, du lịch… Trong đó, 11 người xin rút, 45 người đã và đang tiếp tục tham gia (trong đó, 8 người đào tạo TS và 37 người đào tạo ThS). Trong 45 người này chỉ có 17 người là công chức, viên chức của tỉnh, số còn lại là sinh viên hoặc viên chức của đơn vị ngoài công lập.
Để thực hiện chương trình, tính đến tháng 6-2016, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chi hơn 50 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng. Chi phí bình quân cho một học viên tham gia chương trình đào tạo ThS khoảng 1,5 tỉ đồng và TS là 3 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã thu hồi từ các học viên xin rút là 1,7 tỉ đồng, còn hơn 4,7 tỉ đồng chưa thể thu hồi.
Sau thời gian đào tạo tại nước ngoài, kết quả học tập của 39 người đã tốt nghiệp được đánh giá là đạt mục tiêu đề ra, tất cả đều học lực khá trở lên, trong đó có 5 trường hợp loại giỏi được UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ cho tuyển dụng vào công chức không qua thi tuyển. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2013, các trường hợp tốt nghiệp về nước đã được bố trí công việc phù hợp, một số được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, trưởng, phó phòng cấp sở, huyện và đã phát huy tốt kỹ năng, kiến thức vào thực tiễn công tác, góp phần từng bước hình thành nguồn công chức, viên chức có trình độ chuyên môn giỏi, có khả năng tham mưu và thực thi nhiệm vụ của ngành, địa phương.
Tham luận tại hội nghị tổng kết chương trình đào tạo ThS, TS ở nước ngoài của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TS Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ, cho biết mục tiêu của chương trình là để hình thành nguồn cán bộ đầu ngành, có trình độ chuyên môn giỏi, là mục tiêu phù hợp để phát triển nguồn nhân lực cao.
Tuy nhiên, do cách hiểu và tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao chủ yếu là những người có bằng cấp cao nên các chương trình đào tạo của tỉnh này chỉ mới chủ yếu tập trung đào tạo ThS, TS và cách tiếp cận như vậy còn chưa thực sự đầy đủ.
Chương trình được đánh giá hiệu quả và đáp ứng nhu cầu đặt ra nhưng vì sao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất xin dừng? Một trong những khó khăn mà UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra là Bộ Nội vụ vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn chương trình đào tạo dẫn đến khó khăn trong việc chọn lựa trường học; rồi việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức khi được cử đi học, mỗi địa phương thực hiện một kiểu… Một số nội dung đề ra ban đầu của chương trình chưa phù hợp như việc quy định đối tượng sinh viên và viên chức đơn vị ngoài công lập sau khi trúng tuyển đầu vào sẽ được ký hợp đồng lao động và hưởng lương cũng như các chế độ khác. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng trên lại không phù hợp với các quy định của nhà nước.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trình độ ngoại ngữ của công chức, viên chức còn nhiều hạn chế nên thời gian đào tạo ngoại ngữ kéo dài ít nhất 1 năm, thậm chí có trường hợp 2 năm, dẫn tới tốn kém, ảnh hưởng tiến độ thực hiện chương trình; những trường hợp không phải là công chức, viên chức khi về nước vẫn phải thực hiện cơ chế hợp đồng lao động trước, đến đợt thi tuyển công chức mới thi chứ không có cơ chế ưu tiên, đặc cách khi tuyển dụng. Chưa kể, để thực hiện chủ trương “cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị đến năm 2021” nên khi công chức, viên chức được cử đi học sẽ không có người ở nhà thay thế; trường hợp chưa phải công chức, viên chức thì khi đào tạo về cũng không có biên chế để tiếp nhận, công tác.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin không tiếp tục đào tạo ThS, TS ở nước ngoài giai đoạn 2017-2020, thay vào đó sẽ chú trọng bồi dưỡng ngắn hạn cho những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Tốn kém ngân sách
TP Đà Nẵng đã chi tiền ngân sách lên đến hàng trăm tỉ đồng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đến nay phải dừng vì tốn kém mà không hiệu quả như mong muốn. Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của TP Đà Nẵng triển khai từ năm 2006 và đến nay đã có 626 lượt người tham gia. Trong số 398 học viên bậc ĐH thì có 234 người được đào tạo ở nước ngoài, hơn 100 lượt học viên bậc sau ĐH cũng được đào tạo ở nước ngoài.
Đến hiện tại, tổng số kinh phí từ ngân sách chi cho việc đào tạo nhân tài của TP Đà Nẵng đã hơn 620 tỉ đồng. Hơn 10 năm triển khai, đề án được đánh gia là mang lại nhiều hiệu quả nhưng cũng bộc lộ không ít nhược điểm và hạn chế. Mới đây, TP Đà Nẵng đã tổ chức đánh giá lại toàn bộ đề án và cho tạm dừng để tìm chính sách khác thay thế.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết đề án đã mang lại những hiệu quả tích cực, cụ thể là cung ứng hàng trăm lao động có chất lượng cho TP. Tuy nhiên, đề án cũng bộc lộ nhiều hạn chế và vướng mắc, tốn kém ngân sách. Cụ thể là nhiều học viên không được bố trí làm việc đúng chuyên ngành, không được bố trí vào biên chế mà vẫn phải thi nên bị rớt, phải làm việc theo diện hợp đồng…
Theo một lãnh đạo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng, kinh phí đào tạo tại nước ngoài cho một học viên thường dao động từ 700 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng. Phần lớn các học viên vi phạm hợp đồng và bị khởi kiện chủ yếu là được đào tạo tại nước ngoài.
Trong số 40 học viên vi phạm hợp đồng có 15 học viên bị TP khởi kiện. Kinh phí bị buộc bồi thường đều trên 1 tỉ đồng.
Vị lãnh đạo trung tâm này cũng cho hay có những học viên được đào tạo chuyên môn sâu nhưng khi về nước thực tế công việc không có chỗ bố trí. Bên cạnh đó, lương cũng thấp nên có học viên quyết định nghỉ việc, chấp nhận bồi thường để tiếp tục ra nước ngoài vừa học vừa làm.
Cần Thơ chưa có ý định mở lại đề án
Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, Đề án 150 của địa phương (thuộc Chương trình Mê Kông 1.000) đã kết thúc cách đây khoảng 3 năm và đã đưa đi đào tạo được 121 ThS, TS ở nước ngoài.
Trong số này hiện đã về nước 115 người, 2 người ở lại nước ngoài để học tiếp lên TS do “săn” được học bổng, 3 trường hợp không về và gia đình đang làm thủ tục bồi thường kinh phí đào tạo, 1 người không liên lạc được nên đang truy tìm.
Trong những trường hợp về nước, có 5 người không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết, đi khỏi cơ quan được phân công trước thời hạn quy định. Đến nay, 2 người đã đền bù xong.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ chưa có ý định mở đề án đào tạo ThS, TS trở lại. Đề án 150 được nhiều thứ nhưng vẫn còn nhiều bất cập”.
Đồng Tháp: Tiếp tục nhưng thay đổi cách tiếp cận
Ông Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ năm 2016 đến nay, đơn vị này được tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ đăng ký đưa cán bộ đi đào tạo trình độ sau ĐH để trình tỉnh xem xét, chủ yếu là đào tạo ThS.
Theo đó, trong giai đoạn 1 (từ năm 2006-2011), đào tạo được 46 ThS và giai đoạn 2 (từ năm 2011-2015) 3 ThS. Từ năm 2016 đến 2020, các ngành, các địa phương đã gửi 61 ứng cử viên. Tuy nhiên, hiện tỉnh mới cử được 1 ứng viên đi học, 2 trường hợp khác đang thẩm định và xúc tiến thủ tục cho đi học.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội đồng Giáo dục phát triển nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp, cho biết lãnh đạo tỉnh vẫn chưa nghe báo cáo đề xuất về danh sách ứng cử viên đào tạo nước ngoài từ các ngành. Riêng danh sách đào tạo theo Chương trình Mê Kông của tỉnh thì sẽ được thông qua rất nhanh. Tuy nhiên, chương trình này đào tạo một số chuyên ngành không phù hợp thực tế địa phương nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số sau khi trở về có tham mưu, đề xuất những chương trình cải tiến công nghệ, phương pháp ứng dụng trong các lĩnh vực ngành nghề nhưng cũng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Có người có cảm giác như bị lơ lửng, không khát khao với những gì đã được đào tạo. Do đó, trong thời gian tới, các ngành, các lĩnh vực phải đưa ra nhu cầu đào tạo một cách cụ thể theo địa chỉ, “đào tạo gắn với việc làm cụ thể”.
Đồng Tháp vẫn tiếp tục cử cán bộ đi đào tạo nước ngoài nhưng phải thay đổi cách tiếp cận và đào tạo theo số lượng cụ thể cho từng lĩnh vực theo kiểu “đặt hàng” để tránh xa rời thực tế. Cho dù đi học ở nước ngoài và được đào tạo bài bản nhưng không đúng chuyên ngành thì cũng rất lãng phí cho cả người học lẫn địa phương. Các ngành, các địa phương cũng không vì lý do đủ biên chế để tìm cách từ chối những người được đào tạo theo chương trình này. Nếu không làm cách này thì chắc chắn sẽ thất bại nữa.
Theo: (NLDO)