Tiếp thu các ý kiến đóng góp phản biện, Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thểsẽ điều chỉnh để thực hiện việc dạy phân hóa ngay từ lớp 10.
Tính đến ngày 20/5, ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và 63/63 sở giáo dục và đào tạo. Trên các tờ báo lớn, đã có khoảng 200 bài viết và khoảng 400 ý kiến chia sẻ dưới các bài viết.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ban soạn thảo dự kiến sẽ rà soát, chỉnh sửa hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục để bảo đảm tính khoa học, liên thông, đồng bộ và khả thi.
Cụ thể, tên môn học, hoạt động giáo dục và cách phân loại bảo đảm tường minh, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Số lượng môn học, số tiết từng môn học điều chỉnh theo hướng giảm tải.
Đối vớicấp tiểu học, ban soạn thảo sẽ điều chỉnh thiết kế chương trình hướng tới dạy học 2 buổi/ngày nhưng sẽ bảo đảm cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc, đồng thời chương trình có phần mở dành cho các trường học 2 buổi/ ngày ở các địa phương có các điều kiện đảm bảo.
Cụ thể mỗi lớp tiểu học sẽ học khoảng 27 – 28 tiết/tuần, kể cả thời lượng dành cho các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương (giảm từ 3 đến 4 tiết/tuần so với dự thảo ngày 12/4).
Với thời lượng quy định như vậy thì các trường chỉ học 5 buổi/tuần vẫn bảo đảm hoàn thành được nội dung giáo dục cốt lõi, chỉ bỏ các môn học tự chọn và nội dung giáo dục của địa phương.
Ởcấp trung học cơ sở, môn học và hoạt động giáo dục sẽ được thiết kế đảm bảo tính tiếp nối, kế thừa cấp tiểu học và đáp ứng yêu cầu giai đoạn giáo dục cơ bản và phân luồng sau trung học cơ sở.
Về thời lượng, mỗi lớp học 29 tiết/tuần (lớp 8 và lớp 9 giảm được 1 tiết/tuần so với dự thảo ngày 12/4).
Ởcấp trung học phổ thông, sẽ thực hiện dạy phân hóa ngay từ lớp 10. Ban soạn thảo sẽ điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở các lớp 10,11,12 bảo đảm thống nhất theo định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Theo đó, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Giáo dục thể chất (tổ chức dưới hình thức câu lạc bộ thể thao tự chọn), Giáo dục quốc phòng – an ninh và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Các môn học định hướng nghề nghiệp, theo mô hình chương trình tú tài quốc tế (IB), được chia thành 5 nhóm (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và công nghệ, Khoa học xã hội – nhân văn và Nghệ thuật); mỗi học sinh sẽ học ít nhất 6 môn, chọn từ 5 nhóm, mỗi nhóm chọn từ 1 đến 2 môn.
Giải pháp trên giảm số môn học ở lớp 10 từ 15 môn xuống còn 9, bảo đảm quyền chọn môn học của học sinh, đáp ứng yêu cầu phân hóa mà không rơi vào tình trạng phân ban cứng như trước đây, đồng thời cũng không dẫn đến khả năng xáo trộn lớn hằng năm.
Vềđiều kiện thực hiện, Ban soạn thảo cho biết, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong cả nước, trên cơ sở đó sẽ tiến hành các bước tiếp theo về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như có phương án bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó ưu tiên tận dụng cơ sở vật chất sẵn có.
Lộ trình thực hiện chương trình: Sách giáo khoa mới, ban soạn thảo khẳng định vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch tổng thể. Quá trình triển khai thực hiện bám sát lộ trình đề ra song không nóng vội, duy ý chí mà đặt ưu tiên cao nhất là đảm bảo chất lượng, hiệu quả của chương trình.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố ngày 12/4 để lấy ý kiến rộng rãi của xã hội. Thời gian lấy ý kiến kéo dài tới 20/5. Theo dự kiến, vào tháng 9 tới, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình các môn học sẽ được công bố chính thức.
Theo: Lê Văn (Giáo dục /Nguoithay/VNN)