Những bất cập khiến giáo dục cứ trong vòng luẩn quẩn nhiều năm, đó là sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong chương trình và cách đánh giá, thi cử
Chiều 12-5, tại hội thảo Góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục tổ chức, nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu, giáo viên (GV) đang giảng dạy ở các trường phổ thông tại TP HCM đã đề xuất những ý kiến tâm huyết đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT). Đa số các ý kiến cho rằng việc đổi mới phải bắt đầu từ GV, nếu không thay đổi được tư duy người thầy thì mọi dự thảo dễ rơi vào thất bại.
Lấy đâu giáo viên dạy chương trình mới?
Vai trò người thầy trong dự thảo chương trình phổ thông quá mờ nhạt là chủ đề được bàn luận sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ hội thảo. Các chuyên gia cho rằng chương trình mới mà bộ công bố sẽ được áp dụng từ năm 2018, trong khi thông tin từ các trường sư phạm thì năm 2019 mới có khóa sinh viên đầu tiên đào tạo theo chương trình ra trường? Vậy lấy đâu ra người dạy và kế hoạch tập huấn những GV cũ sẽ như thế nào?
Cô Trần Thị Bích Hằng, nguyên GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, bày tỏ bản thân không dám đọc hết toàn bộ dự thảo vì thấy cồng kềnh quá. Dường như có sự mơ hồ trong triết lý giáo dục hiện nay, điều đó thể hiện ở chỗ mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người, từ con người để đánh giá chất lượng giáo dục. “Mục tiêu là đào tạo chất lượng con người chứ không phải chất lượng giáo dục. Và nếu dự thảo chỉ dừng ở đây mà không nói tới khía cạnh đào tạo GV thì sẽ không thành công” – cô Hằng nói.
Từ thực tế nhiều năm giảng dạy, nhận rõ những bất cập ở chương trình, môi trường giáo dục, cô Hằng chia sẻ nếu không thay đổi được tư duy người thầy thì mọi dự thảo dễ dàng thất bại. Một người thầy không dám phản biện thì làm sao đào tạo ra những học sinh dám nói, dám làm? “Hơn 10 năm giảng dạy, tôi cảm nhận rõ nhất là sự không đồng bộ tư duy từ trên xuống dưới là khó khăn nhất với người thầy. Hiện nay, GV bị áp đặt quá nhiều về điểm số, dạy cho hay chưa chắc điểm đã cao. GV muốn dạy hay phải được tự do trong soạn giáo án, Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định năm đó, kỳ đó dạy cái gì, đừng chi tiết quá để chúng tôi được tự do” – cô Hằng đề nghị.
Chưa hình dung ra sản phẩm của giáo dục
Nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra những bất cập khiến giáo dục cứ trong vòng luẩn quẩn nhiều năm, đó là sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong chương trình và cách đánh giá, thi cử. Bộ GD-ĐT luôn yêu cầu GV phải đổi mới phương pháp, đổi mới bài giảng nhưng cuối cùng việc đánh giá học sinh lại do một nhóm người quyết định.
Cô Lê Thị Nga, GV Trường THPT Lê Quý Đôn, kể rằng sau 15 năm ra trường, cô cùng đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh rút ra câu: “Cuộc đời là những cuộc thi”. Có nghĩa là học chỉ để phục vụ các cuộc thi. Học sinh làm GV bối rối đến mức dễ… đột quỵ vì cứ phải dạy làm sao để hoàn thành thời gian, điểm số, yêu cầu…
Trong dự thảo mới cũng yêu cầu GV nhiều nhiệm vụ, tiêu chí đánh giá học sinh nhưng lấy thang điểm, tiêu chí nào để đánh giá. GV đổi mới phương pháp, sáng tạo trong dạy học nhưng cuối cùng lại do một nhóm người của bộ ra đề thi. Có nghĩa là dạy kiểu gì, học gì không quan trọng vì cuối cùng cũng chỉ để phục vụ những người có quyền kiểm tra, đánh giá. Vậy thì GV phải làm sao?
Ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục, cho rằng từ trước đến nay, chúng ta trải qua 4 giai đoạn đổi mới giáo dục nhưng dễ nhận thấy là đổi hoài vẫn không mới. Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT phải là cuộc đổi mới tiếp cận được với 5 vai trò, chủ thể của giáo dục đó là nhà trường, nhà giáo, nhà nước, gia đình và người học. Trong đó, GV là chủ thể then chốt nhất.
Nhiều ý kiến nhận định dự thảo chương trình không có sự logic trong mục tiêu và phương pháp giáo dục. Nếu mục tiêu là đào tạo con người phát triển toàn diện, có trách nhiệm, có khả năng tự học suốt đời… thì từ đó có cách thức đặt ra phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, cá nhân hóa trong giáo dục, khuyến khích tính chủ động, tư duy độc lập, phản biện trong học sinh. Đổi mới giáo dục phải tính đến việc đào tạo con người nhưng có sử dụng được con người đó hay không?
Ở góc độ nhà tuyển dụng, sử dụng lao động, TS kinh tế Lương Hoài Nam cho biết triết lý giáo dục thì nhiều người đã tranh luận. Nhưng công bằng mà nói, cần hình dung rõ sản phẩm của giáo dục là như thế nào? Đào tạo ra con người công cụ hay con người sáng tạo?
“Con người tuân thủ bất chấp mọi điều kiện hay được cầm tay chỉ việc. Về chương trình phổ thông mới, tôi chưa hề thấy sự giảm tải. Tôi cho rằng quá nhiều môn học là nguyên nhân của sự quá tải chương trình. Chưa giảm tải là vì việc phân luồng đã không thành công. Rất nhiều nước phân luồng giáo dục từ bậc THCS như ở Singapore chia thành 4 luồng thông qua chọn môn, tổng số môn bắt buộc, tự chọn 7-8 môn. Tại Đức chọn từ lớp 5 đến lớp 7 thông qua chọn trường… Ở dự thảo của chúng ta, các môn như bắt buộc, bắt buộc có phân hóa, tự chọn, tự chọn bắt buộc rất trớ trêu, quá phức tạp” – ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết đã đến lúc bộ nên cho nhà trường, địa phương tự chủ một phần chương trình giáo dục để có thể đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đặc thù của địa phương. Hà Nội không thể giống như Lào Cai. Ở Pháp, các địa phương được tự chủ 20% chương trình giáo dục, Phần Lan là 100%, trong khi Việt Nam chỉ 5%, quá ít.
Không độc quyền sách giáo khoa
Các chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GD-ĐT cần bỏ hẳn độc quyền sách giáo khoa (SGK). Bộ GD-ĐT chỉ nên quản lý NXB, quản lý thẩm định, duyệt nội dung. Tại Singapore, có 14 nhà xuất bản tham gia làm SGK. TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục, cho biết bộ không nên can thiệp vào SGK. Các nhóm GV, nếu có khả năng thì tập trung lại viết sách. Kết hợp nhiều NXB, bộ sách nào hay sẽ được chọn hoặc trao quyền cho GV, hiệu trưởng chọn bộ sách phù hợp.
Theo: (Giáo dục/NLDO)