Năm nay, các môn trong bài thi khoa học xã hội được ra đề dưới hình thức trắc nghiệm. Đây là lần đầu tiên môn sử có số lượng thí sinh đăng ký chọn nhiều hơn các môn thi khoa học tự nhiên
Sau khi khai giảng năm học được gần 1 tháng, ngày 28-9-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới công bố phương án đề thi THPT quốc gia 2017. Theo đó, thí sinh đang học lớp 12 (chưa tốt nghiệp THPT) thi theo bài thi chứ không theo môn như những năm trước. Hơn nữa, hình thức thi của các môn trong các bài thi này được chuyển sang dạng thức trắc nghiệm, ngoại trừ bài thi môn văn vẫn theo hình thức tự luận.
Thi trắc nghiệm tác động đến chọn môn
Đề thi bao gồm 5 bài thi. Trong đó, 3 bài thi bắt buộc là văn (tự luận, 120 phút làm bài), toán (50 câu trắc nghiệm, 90 phút) và ngoại ngữ (50 câu, 60 phút).
Thí sinh sẽ phải thi một trong 2 bài thi tự chọn là khoa học tự nhiên (KHTN), gồm tổ hợp 3 môn thi độc lập: lý (40 câu, 50 phút), hóa (40 câu, 50 phút), sinh (40 câu, 50 phút) và khoa học xã hội (KHXH), gồm tổ hợp 3 môn thi độc lập: sử (40 câu, 50 phút), địa (40 câu, 50 phút), giáo dục công dân (40 câu, 50 phút).
Như vậy, một môn học xưa nay vẫn được dạy trong trường phổ thông là giáo dục công dân, nay lần đầu tiên trở thành môn thi và cũng được tổ chức thi theo phương thức trắc nghiệm.
Số liệu thống kê thí sinh kỳ thi THPT quốc gia 2017 chọn bài thi tự chọn đã cho kết quả ngược với dự đoán trước đó. Số thí sinh chọn bài thi KHXH cao hơn khá nhiều so với số thí sinh chọn bài thi KHTN. Cụ thể, số thí sinh chọn bài thi KHTN là 322.009 (37,32%), số thí sinh chọn bài thi KHXH: 418.045 (48,45%), số thí sinh chọn thi cả 2 bài thi: 71.220 (8,25%). Tỉ lệ thí sinh chọn cả 2 bài thi tự chọn tuy chưa vượt quá 10% tổng số thí sinh nhưng con số đã lên đến hơn 70.000 em – cao hơn nhiều lần so với năm 2015 và 2016.
Số thí sinh chọn bài thi KHXH tăng mạnh nhưng điều này không đồng nghĩa với việc số thí sinh chọn các môn KHTN giảm. Thống kê cho thấy số lượng thí sinh đăng ký dự thi chọn các môn KHTN vẫn giữ ổn định như các năm trước.
Thống kê về đăng ký xét tuyển cũng cho thấy các tổ hợp xét tuyển truyền thống như khối A (toán, lý, hóa), A1 (toán, lý, ngoại ngữ), B (toán, sinh, hóa), C (văn, sử, địa), D1 (toán, văn, ngoại ngữ) vẫn có tỉ lệ thí sinh đăng ký cao nhất với trên 80% nguyện vọng đăng ký. Các môn thuộc khối A vẫn đạt tỉ lệ cao nhất, chiếm 1/3 tổng số nguyện vọng đăng ký vào các trường; sau đó là các khối D1, C, A1, B. Khối C cũng đạt khoảng 15% lượng đăng ký, nhỉnh hơn vài năm trước.
Rõ ràng, việc tổ chức thi như thế nào cũng một trong những yếu tố quyết định sự chọn lựa của thí sinh. Năm 2013, khi Bộ GD-ĐT công bố sử không phải là môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng trăm học sinh của một trường THPT đã xé đề cương ôn thi môn này. Liên tục trong 3 năm 2014, 2015 và 2016, khi học sinh được tự chọn một số môn thi tốt nghiệp thì sử là môn có ít lựa chọn nhất.
Tuy nhiên, năm nay, với việc được chọn cả 2 bài thi và dùng bài thi có kết quả cao nhất để xét tốt nghiệp, cộng thêm việc các môn trong bài thi KHXH được ra đề dưới hình thức trắc nghiệm, đây là lần đầu tiên môn sử có số lượng thí sinh đăng ký chọn nhiều hơn các môn thi KHTN.
Tích hợp môn thi cần lộ trình
Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ hình thức thi trắc nghiệm khách quan đối với hầu hết bài thi nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khách quan và độ tin cậy của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, theo ủy ban này, việc tổ hợp và tiến tới tích hợp các môn thi về KHTN và KHXH cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có lộ trình phù hợp, đồng thời thống nhất kế hoạch đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở giáo dục phổ thông cũng như việc đào tạo chuyên nghiệp ở các trình độ sau THPT. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì kỳ thi THPT quốc gia với số lượng gần 1 triệu thí sinh dự thi hằng năm còn là cơ sở để các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển.
Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông và theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Liên quan đến đánh giá kết quả giáo dục, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông có nêu định hướng chung theo nguyên tắc: “Phạm vi đánh giá bao gồm toàn bộ các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT”.
Với định hướng như vậy, việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là liên quan đến thi và xét tốt nghiệp THPT, trong những năm tới sẽ có thể có nhiều thay đổi. Những thay đổi liên quan đến thi tốt nghiệp THPT chắc chắn có nhiều tác động đến quá trình dạy và học trong trường phổ thông.
Theo: TS Nguyễn Đức Nghĩa (ĐHQG TP HCM)/(Giaoduc-nld)