Sự trì hoãn không làm giảm hiệu suất làm việc. Trái lại, nó là đức tính cần thiết giúp tăng sự sáng tạo và cải thiện chất lượng công việc.
Adam Grant là giáo sư chuyên ngành quản lý, tâm lý học tại Đại học Wharton (thuộc Đại học Pennsylvania), đồng thời là tác giả cuốnOriginals: How Non-Conformists Move the World. Trong bài phân tích mới đây trên New York Times, ông cho rằng sự trì hoãn là yếu tố cần thiết giúp tăng khả năng sáng tạo, và con người cần học cách trì hoãn để phát huy thế mạnh đó.
Hơn 80% sinh viên mà Adam quen đang bị căn bệnh trì hoãn cản trở việc học hành. Họ trở thành những con cú đêm chạy đua với đống bài luận, thi cử. Khoảng 20% trong số đó thừa nhận mắc bệnh chậm trễ kinh niên. Điều này hoàn toàn ngược lại với Adam, bởi ông vốn là một người bị ám ảnh trong việc hoàn thành đúng deadline. Các nhà tâm lý học gọi đây làpre-crastination – một cảm giác khao khát muốn bắt đầu nhiệm vụ ngay lập tức và hoàn thành nó càng sớm càng tốt.
“Một người có tâm lý pre-crastination nghiêm trọng sẽ thấy sự tiến bộ như khí oxy cần cho sự sống trong khi sự trì trệ đem lại cảm giác đau đớn”, ông miêu tả. Ví dụ, việc không trả lời email ngay lập tức khiến họ cảm thấy mọi chuyện đang ngoài tầm kiểm soát.
Trong nhiều năm liền, Adam sống theo phương châm “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Những điều ông tin rằng cần phải làm thì sẽ luôn hoàn thành chúng sớm nhất có thể. Ở trường đại học, ông luôn viết bài báo cáo vào ngày đầu tuần, thậm chí hoàn thành bài luận văn sớm hơn 4 tháng so với yêu cầu. Một ngày làm việc được xem là hiệu quả khi ông ngồi vào bàn viết lúc 7 giờ sáng và không rời khỏi ghế cho đến khi tối mịt. Ông gần như bị cuốn vào công việc mà quên đi cảm giác về thời gian, không gian. Có lần ông tập trung đến mức không hề hay biết có một bữa tiệc đang diễn ra tưng bừng do người bạn chung phòng đứng ra tổ chức.
Tuy nhiên, sau này Adam phát hiện ra, sự trì hoãn không hoàn toàn làm giảm hiệu suất làm việc. Trái lại, nó lại là đức tính cần thiết duy trì khả năng sáng tạo, giúp cải thiện chất lượng công việc.
Cụ thể, sự trì hoãn khuyến khích mọi người nghĩ khác đi. Khi trì hoãn, chúng ta thường để tâm trí đi lang thang đâu đó. Chính điều này tạo cơ hội sản sinh ra những ý tưởng tuyệt vời. Gần một thế kỷ trước, nhà tâm lý học Bluma Zeigarnik đã phát hiện ra bộ não con người lưu giữ những thứ dở dang lâu hơn những thứ đã hoàn thành. Khi làm xong một dự án, chúng ta quên nó đi. Nhưng khi dự án đang “treo”, nó vẫn lơ lửng trong tâm trí ta.
Nhà đố€ng sáng lập Apple Steve Jobs nổi tiếng là người hay trì hoãn. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng là một điển hình cho kiểu người “nước đến chân mới nhảy”. Aaron Sorkin – nhà biên kịch phim Hollywood nổi tiếng, tác giả các bộ phimSteve Jobs,The West Wing,… nói: “Bạn gọi đó là trì hoãn, còn tôi gọi đó là tư duy”.
Đức tính sốt sắng giúp Adam tránh được nỗi đau của việc tư duy khác biệt, nhưng đồng thời, nó cũng khiến ông bỏ lỡ những phần thưởng tuyệt vời sau đó, ông thừa nhận.
Tuy nhiên, nếu không biết trì hoãn đúng cách thì mọi chuyện sẽ xấu đi rất nhiều. Những người thích đợi nước đến chân mới nhảy thì thường không đủ thời gian sáng tạo. Bởi họ phải vội vàng chọn ý tưởng dễ thực hiện nhất để đẩy nhanh tiến độ thay vì có thêm thời gian chuẩn bị.
Để hạn chế kiểu trì hoãn “hủy hoại” đó, các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp hữu ích.
Trước tiên, hãy tưởng tượng bản thân đang thất bại nặng nề. Chính nỗi lo vô hình đó sẽ hâm nóng “động cơ” làm việc của bạn. Thứ hai, hãy hạ thấp tiêu chuẩn cho những thứ được bạn xem là sự tiến bộ. Điều đó giúp bạn đỡ vỡ mộng trước chủ nghĩa hoàn hảo mà bản thân đề ra. Sau cùng, thử thiết lập những mốc thời gian nhỏ để hoàn thành từng phần việc đơn giản trong khối công việc lớn.
Theo: Vân thảo (DNSGO)