Để áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới vào thực tiễn, Bộ GD-ĐT cần phải chọn trường thí điểm, thử nghiệm để xem xét, đánh giá và điều chỉnh những nội dung trên trước khi triển khai đại trà.
Và để thử nghiệm thành công, bộ phải chuẩn bị những điều kiện cần thiết như cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Điều kiện cơ bản: cơ sở vật chất của nhà trường
Trong các điều kiện nêu trên, điều kiện vật chất được xem là điều kiện cơ bản, quan trọng để tiến hành thử nghiệm, áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới.
Về cơ sở vật chất, trường chúng tôi có tổng cộng 62 phòng (bao gồm các khối phòng học và các khối phòng chức năng khác). Trong 62 phòng đó, trường sử dụng 26 phòng để học sinh học những môn bắt buộc.
Năm học 2016-2017, trường có 41 lớp (khối 10: 15 lớp, khối 11: 13 lớp, khối 12: 13 lớp). Khối 12 và khối 11 học buổi sáng, như vậy trường đã sử dụng hết phòng học. Buổi chiều, trường dành 15 phòng cho khối 10 học, 16 phòng còn lại để học sinh khối 12 học tin học, phụ đạo các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh và khối 11 học tin học, học nghề phổ thông. Do đó, sáng và chiều các phòng học đều được trường sử dụng hết công suất cho cả ba khối lớp.
Theo chương trình, sách giáo khoa mới, ngoài các môn bắt buộc thì học sinh có quyền tự chọn các chuyên đề học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Tuy nhiên, nhà trường khó có thể sắp xếp cho học sinh học các môn tự chọn được. Đây là khó khăn, vướng mắc mà trường chúng tôi gặp phải khi thực hiện thử nghiệm hay áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.
Điều kiện cốt lõi:cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên
Để thực hiện thử nghiệm chương trình và sách giáo khoa mới, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên được xem là điều kiện cốt lõi, là “chìa khóa” của sự thành công. Vì thế trước khi thử nghiệm hay triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa sau năm 2018, công việc đầu tiên và có ý nghĩa lâu dài là tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, đủ năng lực để dạy học tích hợp.
Nhìn vào chương trình, sách giáo khoa mới, chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt rất nhiều so với chương trình, sách giáo khoa cũ. Sự thay đổi này sẽ kéo theo sự đổi thay về số lượng giáo viên – thừa và thiếu.
Như ở trường chúng tôi, hiện nay có tổng cộng 92 công nhân viên chức, trong đó 15 giáo viên có trình độ sau đại học. Số giáo viên của trường xem như đã được đảm bảo đủ số lượng và đạt về chất lượng.
Nhưng với chương trình, sách giáo khoa mới – học sinh có quyền tự chọn môn phù hợp với sở thích và năng lực của mình – nên dẫn đến việc thiếu giáo viên ở những môn mà học sinh chọn nhiều (những môn khoa học tự nhiên), thừa giáo viên ở những môn học sinh chọn ít (những môn khoa học xã hội).
Đặc biệt, hiện ở trường chúng tôi chỉ có ba giáo viên phụ trách môn giáo dục công dân (mỗi tuần dạy 1 tiết/lớp) nhưng ở chương trình, sách giáo khoa mới, môn giáo dục công dân có tên gọi khác là công dân với Tổ quốc, mỗi tuần dạy 2 tiết/lớp. Do đó, giáo viên phụ trách môn học này phải tăng gấp đôi.
Vì vậy, để đảm bảo nguồn giáo viên môn công dân với Tổ quốc đáp ứng cho các trường phổ thông, các trường đại học phải tăng tỉ lệ tuyển sinh ngành sư phạm ở môn này. Nhưng lấy đâu ra nguồn tuyển bởi học sinh hiện nay đâu có mặn mà gì với ngành sư phạm, đặc biệt với môn “không hái được ra tiền” – công dân với Tổ quốc.
Còn nữa, ở trường chúng tôi hiện nay chưa có giáo viên phụ trách môn âm nhạc, mỹ thuật, các giáo viên chuyên trách hoạt động trải nghiệm sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là một vấn đề nan giải, một bài toán khó cho trường chúng tôi bởi nó không chỉ liên quan đến tình hình nhân sự, mà còn liên quan đến vấn đề tài chính và đảm bảo tính công bằng trong phân công lao động.
Hai đề xuất Để dự thảo đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi có hai đề xuất: 1 Với Bộ GD-ĐT: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án để rút ngắn thời gian chuẩn bị, nhưng không nóng vội “đốt cháy giai đoạn”. Chọn trường để thử nghiệm chương trình chứ không phải chọn “một số tỉnh”. Ở mỗi địa phương có trường thử nghiệm nên để cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh tập làm quen với chương trình, sách giáo khoa mới. Khi triển khai đại trà thì giáo viên sẽ không hoang mang, học sinh không bỡ ngỡ. Để đảm bảo nguồn giáo viên đáp ứng được trình độ, năng lực giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới, bộ nên đề nghị các trường đại học, cao đẳng thay đổi khung chương trình đào tạo cho sinh viên ngay từ bây giờ. 2 Với Sở GD-ĐT: Rà soát lại các trường trong tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị để đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa hay trang bị đầy đủ nhằm phục vụ công việc giảng dạy và học tập theo chương trình mới. Bồi dưỡng đội ngũ quản lý, cấp kinh phí cho giáo viên nâng cao trình độ tay nghề để phục vụ tốt việc giảng dạy, nghiên cứu. Về phía các nhà trường: Cần rà soát lại, kiểm tra, thống kê tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường mình để kiến nghị sở GD-ĐT cấp kinh phí xây dựng, trang bị, phục vụ tốt việc dạy và học. Tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phân công giảng dạy hợp lý để đảm bảo công bằng trong lao động. |
Theo:THS BÙI THANH HIỀN (giáo viên Trường THPT Phạm Thành Trung, Cái Bè, Tiền Giang)/(TTO).