Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết nhiều giải pháp sẽ được áp dụng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường, và Bộ sẽ tiến hành rà soát tất cả các cơ sở giáo dục nghề trực thuộc nhằm tăng cường tự chủ tài chính, cơ cấu lại những cơ sơ yếu kém.
Đây là nội dung trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày hôm nay, 18-4, tại Hà Nội.
Liên kết doanh nghiệp
Mở đầu phiên chất vấn, nhiều câu hỏi liên quan tới đào tạo nghề đã được các đại biểu đưa ra để chất vấn người đứng đầu ngành lao động. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Lạng Sơn cho hay, vừa qua Bộ LĐTBXH đã được Chính phủ giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp như hiện nay, để đạt được mục tiêu phát triển nguồn nhân lực thì Bộ LĐTBXH sẽ tập trung vào những giải pháp cơ bản nào?.
Tương tự, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Quảng Ngãi nêu thực tế doanh nghiệp phản ánh hệ thống đào tạo dạy nghề có quy mô quá lớn, nhưng công tác quản lý dạy nghề thiếu tập trung, thống nhất, tình trạng đào tạo mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực thấp và đề nghị Bộ LĐTBXH có giải pháp cho vấn đề này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong đề án Đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH đã đề ra 10 nhóm giải pháp và chọn 3 vấn đề trọng tâm, bao gồm: xây dựng các tiêu chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. “Nếu làm tốt 3 vấn đề này công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ có chuyển biến”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói
Về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH sẽ khuyến khích liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Đối với các ngành, nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và khuyến khích tài năng…
Đồng thời, Bộ LĐTBXH sẽ khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và người đào tạo. Nghiên cứu áp dụng một số mô hình hợp tác đào tạo nghề thành công trên thế giới; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề nghiệp tại chỗ để nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, thực hiện đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, qua khảo sát thấy rằng, những nơi được giao tự chủ hoàn toàn, liên kết với doanh nghiệp từ ký kết, giảng dạy, thực hành, thực tập thì hoạt động có hiệu quả hơn. Đã có 6 trường cam kết nếu sinh viên ra trường không có việc làm thì nhà trường hoàn trả học phí cho sinh viên.
Về xây dựng các chuẩn trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH xác định xây dựng và ban hành các chuẩn về cơ sở giáo dục, thiết bị, nhà giáo, cán bộ quản lý, văn bằng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp… nhằm tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế.
Rà soát lại các cơ sở yếu kém
Về vấn đề lãng phí trong công tác đào tạo nghề trong khi chất lượng đào tạo nghề thấp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng tình với thực tế mà các đại biểu nêu và cho hay, để khắc phục tình trạng này, từ nay đến hết quí 3-2017, Bộ LĐTBXH sẽ trình Chính phủ quy hoạch rà soát lại toàn bộ mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ là không lập mới những trường công lập mà không cam kết lộ trình tự chủ, tập trung khuyến khích các trường tư thục, doanh nghiệp để gắn việc đào tạo cho chính công nhân, cán bộ của ngành, lĩnh vực đó; rà soát lại những trường cao đẳng, trung cấp để có thể sáp nhập, thậm chí những cơ sở không thiết thực sẽ chuyển giao sang lĩnh vực khác…
Liên quan đến năng suất lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Hiện nay, năng suất lao động được tính theo công thức lấy GDP chia cho tổng số lao động làm việc. Do đó, năng suất lao động chủ yếu phụ thuộc vào lao động, vốn, nhân tố tổng hợp như khoa học, quản trị… Năng suất lao động của Việt Nam hiện đạt 79,3 triệu đồng/lao động.
Ông Dung đưa ra nhận xét trên khi đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Tiền Giang cho hay, tay nghề và năng suất lao động Việt Nam rất thấp, thuộc nhóm cuối so với các nước trong khu vực, nhiều doanh nghiệp muốn có lao động thì phải tự mình đào tạo lại. Ông Hải đề nghị Bộ LĐTBXH có giải pháp toàn diện trong công tác đào tạo nghề thời gian tới.
“Nếu so với một số nước, năng suất lao động của chúng ta còn thấp”, ông Dung nói. Ông giải thích năng suất lao động thấp là do chất lượng nguồn nhân lực thấp; lực lượng lao động phân bố không đều, tập trung ở khu vực năng suất lao động thấp, mà chủ yếu là khu vực nông nghiệp nơi, mà năng suất lao động chỉ bằng 1/3 công nghiệp, ¼ dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mất cân đối cung cầu lao động; ứng dụng khoa học công nghệ chậm, so với thế giới thấp hơn khoảng 15-20 năm.
Do đó, để tăng năng suất lao động, Bộ LĐTBXH sẽ tập trung tái cơ cấu nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng phát huy nguồn nhân lực gắn với thị trường, theo đặt hàng từ doanh nghiệp chứ không phải đào tạo theo cái nhà trường có. Trong đó, sẽ chú ý đến nâng cao kỹ năng tay nghề và kỹ năng mềm cho người lao động.
Vừa qua, nhiều doanh nghiệp FDI phản ánh kỹ năng mềm của người lao động còn yếu như ngoại ngữ, tính kỷ luật…
Theo: (TBKTSG Online)