Nghiên cứu sinh ngành giáo dục tại đại học Canterbury (New Zealand) Trịnh Ngọc Anh gửi tới VietNamNet bản nhận xét và góp ý sâu sắc cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa công bố ngày 12/04/2017.
ð DỰ THẢO Chương trình giáo dục phổ thông
Xây dựng một cơ sở cho thiết kế, phát triển chương trình
Nhìn nhận quan điểm xây dựng chương trình còn khá chung chung, thiếu sự so sánh với chương trình trước đó hoặc hiện tại để làm nổi bật sự khác biệt của cải cách, tác giả cho rằng cách dùng từ “quan điểm” xây dựng chương trình chưa đủ thuyết phục và thể hiện tính chủ quan, nên đã đề xuất một chu trình qua các câu hỏi cụ thể nhằm giúp xây dựng một cơ sở nền tảng để thiết kế, phát triển chương trình.
Cơ hội lớn về tự chủ học thuật đồng nghĩa với thử thách
Tác giả cũng nhận thấy một cơ hội tự chủ về mặt học thuật rất lớn cho các đối tượng tham gia là các nhà biên soạn giáo trình, tài liệu học thuật, các nhà trường, và các thầy cô giáo.
Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc họ phải đương đầu với một khó khăn rất lớn về khâu chuẩn bị và thực hiện vì dường như trong dự thảo thiếu vắng những kiến giải rõ ràng có liên quan và những hướng dẫn cụ thể hay ví dụ minh họa đi kèm.
Thay vì đầu tư nguồn lực vào biên soạn sách giáo khoa, tác giả đề xuất nên đầu tư tài chính để đào tạo kiến thức và kĩ năng thiết kế chương trình môn học, tài liệu giảng dạy và hình thức kiểm tra đánh giá cho đội ngũ giáo viên theo từng giai đoạn.
Tác giả đề xuất mô hình:“một chương trình nhiều sách giáo khoa”, vàsách giáo khoa được thiết kế từ chính những người thầy cô trực tiếp giảng dạy trong các nhà trườngdưới sự tư vấn, giúp đỡ của ban cố vấn chuyên môn cấp Bộ, cấp Sở dựa trên nguyên tắc chung của chương trình giáo dục tổng thể.
“Năng lực giải quyết vấn đề” làm nòng cốt
Khi góp ý cho mục tiêu của chương trình, tác giả cho rằng, ngoài lối tiếp cận “hướng ngoại” ( tham vấn chuyên gia quốc tế hay học tập, đúc rút từ các mô hình giáo dục theo năng lưc của các nước tiên tiến), cần kết hợp với lối tiếp cận “hướng nội” như tiến hành khảo sát ý kiến người dạy, người học, phụ huynh, cộng đồng quan tâm để nhận diện những luồng ý kiến tương đồng và bất đồng,v.v…
Như vậy, mới tạo nên một quá trình xây dựng mục tiêu của CTGDPT có tính chất mở, gần gũi và linh hoạt, từ đó đề ra được những mục tiêu hiệu quả, phù hợp và có khả năng đạt được. Đây cũng là một cơ sở cho những tư tưởng khai phóng trong giáo dục (liberal patterns of thinking) được hình thành.
Khi phân tích các phẩm chất và năng lực cần có của học sinh, tác giả khuyến nghị nên cân nhắc xem có nên phân chia ra các nhóm năng lực nòng cốt và các nhóm năng lực chuyên biệt hay không, bởi xu hướng phát triển chung của thế giới và của các nền giáo dục tiên tiến hiện nay là hướng đến lĩnh hội tri thức và phát triển kĩ năng theo hướng liên ngành (interdisciplinary approach).
Cụ thể, trong dự thảo, ba nhóm năng lực chủ đạo được hướng đến là: “năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo”, song xét về ý nghĩa thì chúng bao hàm lẫn nhau. Năng lực hợp tác đã có thể bao gồm năng lực giao tiếp, năng lực tự chủ có thể bao gồm tính chủ động học tập, và năng lực giải quyết vấn đề bao gồm tất cả các năng lực trên.
Vì vậy, nên lấy năng lực giải quyết vấn đề là năng lực nòng cốt mà nền giáo dục hiện đại hướng tới vì nó kết hợp một nhóm các năng lực khác như năng lực tư duy (phản biện, sáng tạo), năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sử dụng ngôn ngữ (bản địa, ngoại ngữ), năng lực liên văn hóa, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và năng lực ứng phó truyền thông.
Thay đổi cấu trúc môn học và nhóm môn học
Tác giả dành thời lượng khá kỹ phân tích và đề xuất cho kế hoạch giáo dục, theo hướng cắt giảm, kết hợp và bổ sung
Theo đó, có thể kết hợp một số nội dung để giảm số lượng môn học.
Ví dụ, ở cấp bậc tiểu học “Cuộc sống quanh ta” là môn học hoàn toàn có thể kết hợp với môn “Tìm hiểu xã hội” hay “Tìm hiểu tự nhiên”. Bởi vì kiến thức và kĩ năng của hai lĩnh lực khoa học, xã hội có thể giúp người học hiểu, giải thích và cảm nhận được những nội dung, hiện tượng của cuộc sống xung quanh.
Môn học “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” là một môn học mới quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên không nên được đưa vào như một môn học tách biệt hay các học phần
Quan ngại về đào tạo giáo viên, thiết kế và quản lý
Phần còn lại của bài viết, tác giả góp ý cho “Định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập”.
Khi nhận định về xu hướng dạy học tích hợp, tác giả nhận thấy cách tiếp cận này không quá xa lạ nhưng chắc chắn gây tranh cãi rất nhiều. Vì khi lựa chọn hướng đào tạo tích hợp liên ngành thì gần như sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống từ khâu quản lý, đào tạo, đến kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng. Hơn nữa, điều kiện cho hướng đi này là những hoạt động liên tục và một môi trường đào tạo có đầy đủ trang thiết bị phù hợp.
Phương châm đào tạo theo mô hình phát triển năng lực mà chương trình giáo dục phổ thong tổng thể đưa ra là tiến bộ và đáng hoan nghênh, tuy nhiên có nhiều lo ngại liên quan đến thiết kế, quản lý và đâò tạo giáo viên.
Theo: Ban Giáo dục (Giaoduc/VNN)