Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ GD&ĐT chiều ngày 24/3, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đến nay, tổng chỉ tiêu của các trường ĐH, các trường CĐSP gửi lên Bộ để công bố vào khoảng 400.000, giảm khoảng 30.000 so với năm trước. Trong đó, khối sư phạm giảm 20%.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo báo cáo của các Sở GD-ĐT địa phương, năm nay, tổng số thí sinh sẽ bước vào kỳthi THPT quốc gia 2017vào khoảng 955 nghìn thí sinh (bao gồm cả thí sinh tự do).
Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH và các trường CĐ sư phạm thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT năm nay là 392 nghìn. Trong đó, chỉ tiêu ĐH là 340 nghìn còn chỉ tiêu các trường sư phạm là 52.000.
Như vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 là 420 nghìn, chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm nay giảm khoảng gần 100 nghìn, tương đương 20%. Riêng chỉ tiêu khối sư phạm, theo Thứ trưởng Ga cũng giảm 20% so với năm ngoái.
Thứ trưởng Ga giải thích, các năm 2015-2016, chỉ tiêu của khối các trường sư phạm giảm mỗi năm 10%. Hiện nay, Bộ GD đang tiến hành quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên để tính toán chỉ tiêu.
“Bộ thấy rằng, nếu tiếp tục đào tạo sư phạm với chỉ tiêu như hiện nay thì số lượng dôi dư sẽ rất nhiều. Do đó, Bộ đã yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên giảm 20% chỉ tiêu tuyển sinh so với năm 2016“.
Theo Thứ trưởng Ga, hiện nay, tỉ lệ SV tốt nghiệp hàng năm chiếm khoảng 25% trên tổng số gần 1 triệuthí sinhbước vào kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH hàng năm là không nhiều so với nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước.
“Chúng ta không nên nghĩ hiện nay đang đào tạo quá nhiều sinh viên ĐH mà phải tính tới việc phát triển sản xuất để tiếp thu lực lượng được đào tạo ra” – Thứ trưởng Ga nhận định.
Với tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH như năm nay, Thứ trưởng Ga cho rằng, vẫn còn hơn 600 nghìn thí sinh để có thể thu hút vào các trường CĐ đào tạo nghề.
Các trường phải chủ động giải pháp khắc phục thí sinh “ảo”
Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, cùng với việc tiếp tục cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, thứ trưởng Ga cho hay, Bộ xây dựng phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”.
Bộ cũng yêu cầu các trường phải chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: xác định chỉ tiêu phù hợp với với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông.
Thứ trưởng Ga khẳng định: “Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông.
Từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt”.
Theo: (Giaoduc)