Chính chúng ta là người quyết định cuộc sống của mình như thế nào, chứ không phải là do những sự việc xảy ra trong cuộc sống của chúng ta quyết định.
Đó là điều mà tác giả Stephen Covey gọi là “nguyên tắc 90/10” và ông đã cho thấy nguyên tắc này hoạt động như thế nào bằng cách đưa ra một ví dụ minh họa.
Theo nguyên tắc này, chúng ta chỉ không thể kiểm soát 10% các sự việc xảy ra trong cuộc đời mình. Chúng ta không thể ngăn một thiết bị bị hỏng hay một chuyến bay bị trì hoãn. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát được phản ứng của mình (để đáp ứng đúng) trước những sự việc đó.
90% sự kiện còn lại là kết quả của những phản ứng (hoặc đáp ứng đúng) của chúng ta.
Hãy xem xét ví dụ sau đây.
Bạn đang ăn sáng cùng gia đình thì con gái bạn vô tình làm đổ cà phê lên chiếc áo sơ mi của bạn. Bạn nhảy dựng lên và hét vào mặt con gái, sau đó trách móc vợ bạn đã đặt cốc cà phê quá gần mép bàn. Bạn vội vã vào phòng thay áo, nhưng khi bạn đi ra, bạn thấy con gái đang khóc lóc vì chưa ăn xong bữa sáng, và cũng chưa sẵn sàng cặp sách để đến trường.
Kết quả là cô bé bị lỡ xe buýt. Vợ bạn thì vội vã đi làm nên bạn phải đưa con gái tới trường bằng xe của mình. Bạn vội vã vì muộn, vì thế bạn lái xe nhanh. Nhưng bạn vẫn muộn và còn bỏ quên cả giấy tờ quan trọng ở nhà. Một ngày mới thật tệ, và nó tiếp tục theo cách như thế đến hết ngày. Bạn trở về nhà với vợ và con gái. Cả hai đều trong tâm trạng mệt mỏi và căng thẳng.
A. Tại con gái bạn làm đổ cà phê.
B. Tại con gái bạn lỡ xe buýt và bạn phải đưa con tới trường.
C. Tại tắc đường và bạn muộn làm.
D. Tại bạn đã phản ứng sai cách với tình huống.
Câu trả lời đúng là D. Bạn đã làm hỏng cả ngày của mình và của cả nhà vì phản ứng sai của bạn. Bạn không thể tránh được việc làm đổ cà phê, nhưng bạn có thể kiểm soát cảm xúc của mình.
Đáp ứng đúng theo hoàn cảnh, mọi chuyện đã có thể khác.
Cà phê bị làm đổ, con gái bạn bật khóc. Bạn chỉ cần nói nhẹ nhàng: “Không sao đâu, lần sau con hãy cẩn thận hơn nhé”. Rồi bạn vào phòng thay đồ, chuẩn bị mọi thứ để đi làm. Sau đó quay trở lại phòng ăn, bạn sẽ thấy con gái đang vẫy tay tạm biệt từ xe buýt. Chào tạm biệt vợ, bạn tới cơ quan, sớm 5 phút và chào tất cả đồng nghiệp.
Hai kịch bản khác nhau bắt đầu từ một tình huống. Tất cả là ở đáp ứng của bạn với các sự kiện trong cuộc sống. Tất nhiên, bạn có thể tiếp tục đổ lỗi cho người khác về những rắc rối của mình và than vãn vì mọi thứ đã xảy ra không theo ý muốn của bạn, nhưng liệu phản ứng như thế có giúp ích được gì không?
Nếu như ai đó vượt qua bạn trên đường cao tốc, hãy cứ để họ vượt. Đừng vội vã. Sẽ có gì khác biệt nếu bạn đi làm muộn vài giây? Hãy nhớ quy tắc 90/10 và đừng lo lắng.
Chuyến bay của bạn bị hoãn, lịch trình cả ngày của bạn sẽ tan tành. Đừng hét vào mặt nhân viên sân bay, đó không phải là lỗi của họ. Hãy sử dụng tốt nhất thời gian của mình – đọc một cuốn sách hoặc làm quen với những hành khách khác.
Bạn sẽ không phải hối tiếc khi cố gắng sử dụng nguyên tắc “nhận biết cảm xúc” trong cuộc sống của mình. Bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả nhận được.
·Nguyễn Thảo(Theo Bright Side)/(VNN)