CHLB Đức mở rộng tiếp nhận điều dưỡng viên Việt Nam

Sau thành công của chương trình đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại CHLB Đức, phía CHLB Đức đã quyết định mở rộng tiếp nhận điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại các bệnh viện của Đức.

Bà Chu Thị Phương Nhung- Điều phối viên khu vực (tổ chức GIZ)

Phóng viên Báo BHXH đã có cuộc trao đổi với bà Chu Thị Phương Nhung- Điều phối viên khu vực (tổ chức GIZ) liên quan đến vấn đề này.

Thưa bà, bà có thể nói rõ hơn về chương trình tuyển chọn đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già và chương trình đưa sang làm việc tại các bệnh viện của Đức?

Bà Chu Thị Phương Nhung:Đây là khoá thứ 2 Chương trình thực hiện thí điểm đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại Đức. Khóa thứ nhất triển khai thí điểm trong 2 năm (năm 2013 và 2014) do từ năm 2012 Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang (CHLB Đức) thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn ứng viên điều dưỡng Việt Nam để đưa sang học tập và làm việc tại CHLB Đức trong lĩnh vực chăm sóc người già. Như vậy, đây là 2 khoá tách biệt hoàn toàn nhau, mỗi khoá chúng tôi phân biệt làm 2 pha. Năm 2013- 2014 là một pha, chỉ thực hiện đưa điều dưỡng viên sang chăm sóc người già; đến năm 2016- 2017 này là khoá đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện của CHLB Đức.

Tôi cũng nói thêm rằng, khi chương trình thực hiện thí điểm có nghĩa là toàn bộ ngân sách sẽ do Chính phủ Đức tài trợ chứ không phải từ bất kỳ DN tư nhân nào. Để đảm bảo “làm thử” có thành công hay không trước khi nhân rộng thì số lượng ứng viên tham gia cũng đã được nghiên cứu rất cụ thể chứ không phải làm thí điểm với những con số lớn. Nếu thực hiện thí điểm với số lượng đông thì chất lượng sẽ không đảm bảo và chúng tôi mong muốn thí điểm sẽ phải đảm bảo thành công.

Bà có thể thông tin cụ thể hơn về số lượng tuyển điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức từng khóa?

– Trong 2 năm triển khai thí điểm, Bộ LĐ-TB&XH giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và phía Đức là Bộ Kinh tế và Năng lượng giao cho Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) là cơ quan thực hiện. Mỗi khóa chúng tôi tuyển 125 em đầu vào nhưng sẽ chọn 100 đưa sang Đức. Trong thời gian thí điểm, chúng tôi đã đưa được 200 điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại CHLB Đức. Đến nay, gần 100 học viên khóa 1 đã vượt qua các kỳ kiểm tra và tốt nghiệp vào tháng 10-2015 được tiếp tục ở lại Đức làm việc. Điều này cũng tương tự với dự án tuyển điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện của Đức trong 2 năm tới.

Bà có nhận định gì về chất lượng điều dưỡng viên Việt Nam đang làm việc tại Đức?

– Hiện khoá đầu tiên của dự án thí điểm (2013- 2014) đã có 100 em học viên tốt nghiệp tại Việt Nam đủ điều kiện để sang Đức học tập chuyên môn chăm sóc người già. 100 em này đi sau khi được đào tạo chuyên môn 2 năm thì đến tháng 10-2015 các em của khoá thứ nhất đã tốt nghiệp với tỉ lệ 94/100 học viên đỗ ngay lần thi thứ nhất, còn lại 6 học viên khác được quyền thi lại lần 2 trong thời hạn 6 tháng. Trong trường hợp thi lần 2 các em không đỗ thì bắt buộc phải trở về Việt Nam.

Như vậy, khoá thứ 2 của dự án thí điểm đầu tiên các em vừa sang Đức, tháng 10/2015 và vừa trải qua kỳ thực tập đầu tiên trong các cơ sở đào tạo điều dưỡng viên chăm sóc người già. Thời điểm này mới đào tạo chuyên môn nên chúng tôi không thể đánh giá chất lượng của các em như thế nào. Tuy nhiên, 94/100 học viên đã đỗ của khoá thứ nhất được các cơ sở dưỡng lão của Đức đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó học hỏi và rất khiêm nhường. Đặc biệt, một số cơ sở cũng đánh giá rằng đã từ rất lâu rồi họ chưa có một học viên nào lại nỗ lực chăm chỉ như thế. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng trong thành công của dự án thí điểm vừa rồi và cũng là tiền đề để Bộ Kinh tế và Năng lượng LB Đức tiếp tục phê duyệt dự án.

Theo Nguyệt Hà (Báo Bảo hiểm Xã hội

Bài liên quan

Nhân lực ngành điều dưỡng thiếu và yếu về chuyên môn.

Lãnh đạo ngành y tế tại Hội nghị Điều dưỡng trưởng khu vực phía Nam 2016 diễn ra tại trường Đại học Y dược TPHCM hôm 26-7, nhận định nhân lực ngành điều dưỡng Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn.

Điều dưỡng viên: phụ tá cho bác sĩ?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Hiện nay tỷ lệ điều dưỡng trên bác sĩ của Việt Nam hiện thấp nhất trong khu vực. Vì vậy nguồn nhân lực về điều dưỡng hiện đang thiếu ngay chính cho nhu cầu trong nước và xa hơn là nhu cầu ở các nước phát triển.

Điều dưỡng: Nghề hy sinh thầm lặng

Theo thống kê của Bộ Y tế, toàn quốc có hơn 80.000 điều dưỡng, chiếm hơn 50% nhân lực trong các cơ sở y tế. Công việc này cực nhọc và đòi hỏi lòng yêu nghề, nhất là với những điều dưỡng làm việc trong những khoa được coi là độc hại như HIV/AIDS, lao, tâm thần, các khoa lây nhiễm... 

Cùng chuyên mục