Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ tư vấn du học và kiểm định chất lượng giáo dục – hai ngành nghề vừa được đưa vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư mới được Quốc hội thông qua quy định: kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Phải có trình độ đại học
Theo đó, dự thảo nghị định quy định tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là: các tổ chức kể trên phải được thành lập theo quy định pháp luật, có trụ sở, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Đặc biệt, đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo dự thảo, giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cho tổ chức đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; đình chỉ kinh doanh dịch vụ tư vấn du học và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Thực ra, các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong dự thảo nghị định cơ bản được nâng lên từ Quyết định số 05 (2013) của Thủ tướng Chính phủ quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập theo hướng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể, đó là dự thảo làm rõ hơn đối tượng được kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cũng như bổ sung tổ chức nước ngoài là đối tượng được hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Vì hiện nay có nhiều tổ chức nước ngoài đang hoạt động tư vấn du học tại Việt Nam rất hiệu quả nhưng chưa được điều chỉnh tại văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo cũng bỏ điều kiện có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm giải quyết các trường hợp rủi ro; có tiền ký quỹ tối thiểu 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại; bỏ quy định về trình độ của người đứng đầu tổ chức dịch vụ tư vấn du học; làm rõ yêu cầu về ngoại ngữ đối với đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học…
Phải có kinh nghiệm 10 năm
Về hoạt động kiểm định giáo dục, dự thảo chia thành hai loại: kiểm định giáo dục trong nước và kiểm định giáo dục nước ngoài.
Đối với hoạt động kiểm định giáo dục trong nước về cơ bản dự thảo giữ nguyên so với Thông tư số 61 (2012) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Quy định điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhưng có thiết kế lại theo hướng đơn giản hóa các điều kiện về thành lập, bỏ các điều kiện “có từ ba kiểm định viên trở lên đứng tên đề nghị thành lập” (vì thực tế có thể có một cá nhân đứng ra xin thành lập); có ít nhất 10 kiểm định viên đạt tiêu chuẩn, có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động; “có dự thảo quy chế chi tiêu nội bộ; có bản thiết kế trang thông tin điện tử”, vì khi thành lập không cần thiết phải có các quy định này vì các điều kiện này đã được quy định trong điều kiện khi cấp phép hoạt động.
Còn đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài cũng đã được quy định tại Nghị định 73(2012) của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (khoản 2 Điều 4).
Tuy nhiên, Nghị định số 73 mới chỉ quy định về thẩm quyền mà chưa quy định về điều kiện, thủ tục để công nhận tổ chức kiểm định nước ngoài. Vì vậy, dự thảo đã bổ sung các quy định mới về điều kiện, thủ tục công nhận; thu hồi quyết định công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Cụ thể, điều kiện để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động ở Việt Nam, là: (i) Được công nhận hoặc được cấp phép hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp ở nước sở tại hoặc một hiệp hội quốc tế hợp pháp; (ii) Có kinh nghiệm thực hiện các hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục ít nhất 10 năm tính đến thời điểm được xem xét công nhận.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam và thu hồi quyết định công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khi có vi phạm.
Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm: (i) Giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học. (ii) Tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du học; chiêu sinh, tuyển sinh du học; bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ và kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập; đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập ngắn hạn hoặc dài hạn, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài… |
Theo: Phapluat/(TBKTSG Online)