Cách đây 8 năm, với 18 triệu đồng vay mượn, Phạm Lan Hương xây dựng nên thương hiệu Phên Vàng, và giờ đây là Công ty Siêu thị trang sức với vốn điều lệ 5 tỷ đồng.
Có nhiều con đường để học
Năm 2000, cô gái người Hà Nội mang trong mình khát khao trở thành một tân sinh viên như các bạn cùng lứa khác, tuy nhiên, kỳ thi đại học năm đó trở thành nỗi buồn của Hương khi kết quả chẳng hề như mong đợi.
Thỉnh thoảng, đi lang thang trên đường, ghé vào các shop quà tặng ở Hà Nội, và rồi Hương phát hiện ra một đam mê đặc biệt của mình. Hương bắt đầu tìm tòi và làm các mẫu trang sức rồi giới thiệu cho những bạn trẻ khác đến mua phụ liệu và cùng làm.
‘Đó là sự yêu thích như một người nghệ sỹ đam mê tác phẩm âm nhạc của mình ấy. Mình nhờ ông ngoại gửi mẫu ở Pháp về, rồi đi mua phụ liệu sau đó thì nhờ mẹ dạy cách phối màu…Khi mình mở cửa hàng, mình không nghĩ đến việc kiếm tiền đâu, mình nghĩ là nếu các bạn trẻ đến đây, tự làm những chiếc vòng cho mình thì họ sẽ vui lắm’.
Tuy nhiên, ý niệm của Hương đã không thành khi các bạn trẻ nhanh chóng thích mua ngay sản phẩm chứ không ngồi tỷ mẩn làm từng chiếc. Thế là cơ sở sản xuất và một cửa hàng chuyên sản xuất đồ handmade ra đời.
Từ một cửa hàng nhỏ ở phố Huế, Hương phát triển thành một hệ thống bán trang sức handmade trên khắp Hà Nội. Cái tên Phên Vàng xuất hiện ở Bà Triệu, Lý Quốc Sư, Phố Huế, Chả Cá…
Tuy nhiên, điều khiến Hương băn khoăn là làm thế nào để có kiến thức một cách vững vàng. Thế là, đồng thời với việc thiết lập các cửa hàng, năm 2000 Hương theo học Tin học Quản lý tại ESTIH. Cuối năm thứ 2 Hương tham gia dự thi sinh viên khởi nghiệp do VCCI tổ chức, và đạt giải 3 cùng học bổng tại Thames Business School khóa Diploma.
Cũng 2 năm đó, Hương đăng ký thi đại học nhưng không đỗ. Sau đó vì công việc nên thấy mình muốn học và đọc nhiều hơn, Hương quyết định học tiếp. Tháng 8 vừa rồi vừa rồi Hương đã hoàn thành xong bằng Bachalor (bằng đại học quốc tế).
“Tiền kiếm được ngoài đầu tư vào kinh doanh thì mình dồn vào việc học. Mình học bất kỳ cái gì mà thấy cần thiết và phù hợp với sở thích, công việc của mình. Ngoài học quản trị kinh doanh, mình còn học cách làm đẹp, nữ công gia chánh…”
Thành công là dám thay đổi
Đến năm 2004, cảm nhận được thị trường đã bão hòa, thế là Hương có một quyết định ngược với người khác, thâu tất cả cửa hàng lại làm một. Thương hiệu Phên Vàng từ đó chỉ còn là quá khứ.
“Để dẹp bỏ những thành công mà mình đã tạo dựng lên, cùng với hơn 30 nhân viên, 7 cửa hàng và một xưởng sản xuất là điều không đơn giản. Nhưng mà mình nhất định làm thế, chấp nhận nằm yên một thời gian, mình tìm một hướng đi mới để phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường hơn”.
Năm 2006, người ta gặp lại Hương với một hình ảnh khác, chủ của thương hiệu siêu thị trang sức trên mạng. “Khi đó thương mại điện tử bắt đầu nở rộ ở Việt Nam, và các bạn trẻ có xu hướng mua hàng qua mạng mạng nên mình quyết định tập trung vào mảng bán hàng online”
Trong một năm đầu, với mẫu mã và giá cả khá phù hợp lứa tuổi teen, trang sức của Hương đã nhanh chóng xâm nhập vào thị trường trang sức của không chỉ giới trẻ Hà thành mà còn trên cả nước. Người ta thấy, ở bất kỳ website bán hàng trực tuyến, rao vặt hay diễn đàn nào cũng có những sản phẩm xinh xinh của từ cửa hàng của Hương.
Đánh đổi những điều đó, thì hơn một năm trời Hương chấp nhận lỗ. “Có rất nhiều chương trình đấu giá, giám giá mình đưa ra mức giá chỉ bằng một nửa so với thực tế bỏ ra. Nhưng để xây dựng thương hiệu, mình sắn sàng chấp nhận điều đó”. Đáp lại, Hương đã có một lượng khách hàng ổn định trên mạng với mức độ giao dịch được tính hàng tuần và sản phẩm cũng được nhập khẩu về theo tuần.
“Cách đây hai năm mình cũng dự đoán được kinh tế trong nước sẽ đến giai đoạn lạm phát, cho nên mình không có ý định phát triển thị trường bán hàng trực tiếp, đồng thời cũng hạn chế các chi phí khác như mặt bằng, nhân sự…”.
Đồng thời với việc chăm sóc khách hàng lẻ, lợi nhuận và mục tiêu của Hương trong thời gian qua chủ yếu ở việc bán sỉ. Hiện nay tại Hà Nội, có khoảng 10 cửa hàng đến nhập hàng của Hương. Tuy nhiên, để giữ thương hiệu của mình, Hương chỉ đồng ý hai doanh nghiệp làm đại lý cho công ty Hương là Vmax của Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam và 123mua của Vinagame.
Trao đổi về sự cạnh tranh, bởi sau sự ra đời và “phát tán” của mình thì Scentsun phải đối mặt với hàng trăm cửa hàng nhỏ ở thị trường truyền thống lẫn internet, ngoài ra còn chưa kể các thương hiệu lớn như bạc Ngọc Tuấn, Tifany hay trang sức lấy hẳn thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản xâm nhập vào Việt Nam, Hương cho biết:
“Cách cạnh tranh duy nhất vào lúc này là thực hiện chăm sóc khách hàng thật tốt. Ngoài giá cả phù hợp và mẫu mã phong phú. Mình tự tin ở việc mình là người Việt, nên hiểu thị trường Việt. Một trong những điểm khác biệt mình tạo nên là trang sức khác thì khi dùng người ta sẽ rất dễ bị xỉn, còn mình thì đã cố gắng pha chế thêm chất liệu để sản phẩm vẫn sáng và đẹp trong bốn mùa”.
Cũng chính vì điều đó nên những công ty của Hàn Quốc đã tìm đến Hương đặc hàng trang sức để làm quà tặng. Mới đây nhất, Dbon và Ohui đã ký hợp đồng với Siêu thị trang sức để sản xuất trang sức quà tặng cho khách hàng của mình.
Giữa năm 2008, Hương từ chối về làm PR cho Công ty Vàng trang sức Việt Nam. Mới đây ngân hàng ACB lại ngỏ ý sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất đồ trang sức, đồng thời mời Scentsun tham gia. Hương cho biết đây là một dự án hấp dẫn và phù hợp với mục tiêu của mình nên có thể sẽ có sự thay đổi lớn.
Vượt qua những cạnh tranh của thị trường, cô gái 26 tuổi này đã vững vàng xây dựng một thương hiệu úy tính trong giới trẻ và đứng vững trong sự đi xuống chung của nền kinh tế trong nước. Đó là một trong những sự thành công hiếm hoi của những 8X khởi nghiệp từng rầm rộ trong dư luận.
Họ tên: Phạm Lan Hương Sinh năm: 1982 Sở thích: ‘Phượt’, nấu ăn, yoga, múa bụng 2006: giải 3 Cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp năm 2004 Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2008 (Global Submit of Women 2008) 1 trong 4 nữ đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị các nữ doanh nghiệp sản xuất trang sức tại Châu Á ,10/2007, tại Seoul Hàn Quốc |
Thủy Nguyên (Theo Zing News)