Rùa mang đến cho bạn nhiều điều thú vị.

Không giống các loài thủy sinh như cá hay tép cảnh, rùa là vật nuôi bạn có thể mang theo đi khắp nơi để ‘khoe’ với bạn bè. Đó là chưa kể việc chăm sóc một con rùa sẽ mang đến cho bạn rất nhiều điều thú vị.

Nguyễn Tấn Anh, một trong những admin chính của Hội Những người yêu rùa kiểng trên Facebook cho biết: “Tôi mê rùa từ thời còn nhỏ nhưng đến khi lên Sài Gòn mới có cơ hội nuôi rùa. Hồi đó con rùa đầu tiên mà tôi nuôi là của người ta cho. Lúc đó có biết nuôi gì đâu, cũng không biết rùa ăn gì, chăm sóc ra sao. Nhớ lại, tôi mua thịt và rau cho rùa ăn, thấy rùa chỉ ăn rau tôi mới phát hiện ra chú rùa của mình là “dân ăn chay”.

Hiện nay rùa núi vàng là loài rùa cảnh đang được nhiều người ưa chuộng vì giá khá mềm lại dễ nuôi, màu sắc đẹp, chúng lại hiền lành, thuận tiện khi nuôi trên cạn. Rùa núi vàng được đánh giá là đẹp khi mai của nó vàng óng ả không có một chút chấm đốm đen.

“Thức ăn chủ yếu của rùa núi vàng là xà lách, rau lang, rau muống, cà chua, dưa leo. Nhưng thứ mà rùa núi vàng thích nhất là cà chua”, bạn Hoài Anh, nhà tại quận 10, TP.HCM cho biết.

Theo bạn Hoài Anh, rùa núi vàng thường sống trên cạn nên chuồng cần khô ráo và phải được vệ sinh thường xuyên: “Không nên để rùa ở nơi quá cao vì nếu rùa xổng ra được thì nó dễ bị chấn thương khi va chạm với sàn nhà. Nếu sống ở những vùng có không khí lạnh thì nên dùng đèn sưởi cho các “bé” rùa để “bé” được khỏe mạnh. Để rùa lạnh thì rùa rất dễ bị sổ mũi, còn lâu dài rùa có thể bị bệnh mà chết”.

Chia sẻ thêm về thức ăn dành cho rùa cảnh, bạn Tấn Anh nói: “Khi giao lưu với các thành viên trong Hội Những người yêu rùa kiểng, tôi vẫn có quan điểm rằng thay vì mua rau quả ngoài chợ thì nên cho rùa ăn cỏ. Bạn có thể tìm được cỏ ở khắp nơi trong thành phố. Cỏ không chứa nhiều chất tăng trưởng có thể làm hại cho rùa”.

Tấn Anh bật mí thêm: “Rùa núi vàng thuộc hạng quý nên mua bán trên mạng phải có giấy phép. Giá một con rùa núi vàng từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy thuộc vào kích thước và độ đẹp của mai”.

Ngoài rùa núi vàng, một số loài rùa cảnh đang được nhiều người ưa chuộng gồm rùa sao Ấn Độ, rùa lá mata mata… “Đặc biệt, nhiều người rất thích rùa sao Ấn Độ bởi hoa văn trên mai rùa rất đẹp, màu sắc ấn tượng. Có lẽ vì thế mà loại rùa này được giới sinh vật cảnh quốc tế đánh giá là một trong những loài rùa cảnh đẹp nhất thế giới. Giống như rùa núi vàng, thức ăn của loại rùa này chủ yếu là rau xanh, các loại cỏ và một số rau quả. “Không nên cho rùa ăn một loại thức ăn cố định để tránh sự nhàm chán và bổ sung đầy đủ vitamin cho rùa thêm khỏe mạnh”, bạn Hoài Anh khuyên.

Ảnh: Hội Những người yêu rùa kiểng cung cấp

Bên cạnh những người thích nuôi rùa trên cạn, bạn Tấn Anh cho biết có nhiều người thích nuôi rùa nước. Nuôi rùa nước tốn nhiều công sức hơn. Rùa nước không chỉ “ăn chay” mà còn ăn thịt nên việc chuẩn bị thức ăn cho rùa sẽ tốn nhiều công hơn. Chuồng rùa cũng phải được thiết kế để rùa vừa bơi được trong nước vừa có thể bò lên trên cạn. Nên thay nước 3 lần một tuần, khi sử dụng nước máy thì nên để nước ra ngoài một thời gian, để chất chlorine bốc hơi hết.

Tấn Anh lưu ý thêm: “Tùy vào kích thước của rùa mà thiết kế chuồng với diện tích phù hợp. Nếu bạn xác định gắn bó với rùa trong một thời gian dài thì khi làm chuồng phải tính đến trường hợp những chú rùa lớn lên tăng kích thước của mai. Thêm vào đó, rùa còn là loại thích rong chơi nên không gian của chúng càng rộng càng tốt. Một cái chuồng đạt chuẩn ít nhất phải thỏa mãn những điều kiện như: thành lồng làm bằng gỗ, phải có nơi ẩn náu, phải có hệ thống sưởi ấm…”.

Hỏi về cách chữa bệnh cho rùa nếu lỡ không may rùa bị bệnh, một thành viên trong Hội Những người yêu rùa kiểng chia sẻ: “Không giống như ở nước ngoài có những bệnh viện dành cho thú ý có thể chẩn đoán bệnh cho cả các loài như rùa, ở VN chỉ là truyền tai nhau hoặc tự lên mạng tìm hiểu về cách chữa bệnh… Để tránh rùa bị bệnh, điều quan trọng là cần đảm bảo đủ ấm cho chúng vào ban đêm. Khi rùa ngủ thì nhớ tắt đèn. Sau cùng là cung cấp cho chúng thức ăn và nguồn nước sạch cùng một môi trường sống sạch, thoáng và thường xuyên tắm cho chúng”.

Nhiều người khi bắt đầu mê chơi rùa cảnh thường lăn tăn chuyện không biết có luật cấm nuôi rùa hay không, vì có một số loài rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bạn Tấn Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ nuôi hoặc trao đổi với nhau về những giống rùa không có trong sách đỏ. Hầu như những chú rùa được giao lưu trong hội đều có giấy tờ và nguồn gốc rõ ràng. Nói thật, yêu rùa thì mới nuôi mà khi đã nuôi thì đâu có ai muốn làm rùa của mình chết hay bệnh tật. Đó là còn chưa nói đến chuyện gắn bó với một con thú cưng lâu ngày thì mình sẽ có tình cảm với nó và xem nó như người trong gia đình”.

Theo: Diễm Thư (Thanh Niên tuần san)

Bài liên quan

Nghề nuôi động vật hoang dã

Hầu hết các trại nuôi động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay đều vì mục đích thu lợi nhuận. Việc làm này ẩn chứa nhiều nguy cơ cho môi trường và con người. Ngày 25-3 tại TP.HCM, Tổng cục Lâm nghiệp và Hội Động vật học VN đã tổ chức hội thảo “Nhân nuôi, phát triển bền vững động vật có nguồn gốc hoang dã”.

Nghề nuôi dế

Vừa học đại học, vừa làm chủ trại dế khoảng 1 triệu con, thu nhập bình quân một tháng từ việc kinh doanh dế của chàng sinh viên này khoảng 10 triệu đồng. Số tiền đã giúp Phi Sỹ trang trải việc học hành ...

Nghề mới: Nuôi cá ngựa

Nuôi cá ngựa vằn là nghề nuôi mới ở nước ta và không quá khó, ít rủi ro. Đầu tư cơ sở vật chất không quá tốn kém, giá bán lại ổn định nên lợi nhuận khá cao. Mới đây, trang trại nuôi cá ngựa của...

Nuôi cá cảnh: Làm chơi ăn thiệt

Đời sống người dân ngày một nâng cao, nhu cầu giải trí ngày càng tăng, nghề cá cảnh, cây cảnh có nhiều cơ hội phát triển, không lo về thị trường tiêu thụ.

Cùng chuyên mục