WB: Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công nghệ số

Có tên trong nhóm dẫn đầu lĩnh vực công nghệ thông tin là hai mảng: gia công phần mềm và phát triển ứng dụng di động, Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về phát triển các ứng dụng trên di động. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để lợi ích từ công nghệ số tác động đến sự phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động

Các diễn giả và khách mời tham dự báo cáo tại bàn chủ tọa công bố báo cáo của WB. Ảnh: Vân Ly

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia thu nhập trung bình nhưng lại là điểm sáng trong sử dụng công nghệ số. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để lợi ích từ công nghệ số tác động đến sự phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động, theo “Báo cáo phát triển thế giới – công nghệ số” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện và công bố chiều 14-3 tại Hà Nội.

Báo cáo này được thực hiện trên quy mô toàn cầu, trong đó số liệu về Việt Nam chỉ là một phần nhỏ trong bản báo cáo.

Tiềm năng nhưng cần phải cố gắng

Tại buổi tọa đàm công bố báo cáo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Nội dung số, kiêm chủ tịch Tập đoàn công nghệ thông tin FPT, cho biết Việt Nam hiện có tên trong nhóm dẫn đầu của hai mảng trong lĩnh vực công nghệ thông tin là gia công phần mềm và phát triển ứng dụng di động. Cụ thể, ông Bình cho rằng theo đánh giá của nhiều tổ chức nước ngoài, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ và chỉ đứng sau Trung Quốc về gia công phần mềm; và đứng đầu khu vực ASEAN về phát triển các ứng dụng trên di động.

Ông Bình lý giải sở dĩ có kết quả trên vì Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, phù hợp cho phát triển công nghệ số. Hiện có khoảng nửa triệu lao động Việt Nam đang làm trong lĩnh vực phần mềm. Thêm nữa hầu hết thanh niên Việt Nam ở độ tuổi từ 18 đến 25 có điện thoại thông minh…

Do đó, Việt Nam đã có nhiều bạn trẻ thành công trong lĩnh vực công nghệ số, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tuổi gọi được vốn đầu tư lớn từ các nước Mỹ, Nhật…

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, cho rằng công nghệ số tác động đến giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển của y tế, giáo dục. Việt Nam cùng với các nước cần nỗ lực xóa mù về công nghệ số.

Tuy nhiên, bà cho biết, báo cáo của WB cho thấy, trên thế giới còn 6 tỉ người không được sử dụng internet băng thông rộng tốc độ cao, 4 tỉ người chưa kết nối internet, 2 tỉ người chưa có điện thoại di động và 0,4 tỉ người không nằm trong vùng phủ sóng.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong báo cáo trên phần nội dung nói về Việt Nam mặc dù ít nhưng cũng phản ánh đầy đủ ích lợi của công nghệ số đối với Việt Nam.

“Nhờ Việt Nam mạnh dạn đi vào kỹ thuật số nên ngành công nghệ thông tin của Việt Nam mới phát triển được như ngày hôm nay. Một hai thập kỷ trước, lúc khó khăn mà Việt Nam còn sử dụng những công nghệ mới, thì không có lý gì giờ lại không ủng hộ cho sự đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ số,” ông Đam nói.

Phó Thủ tướng cho biết, công nghệ số là công cụ đặc biệt giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, hạn chế tiêu cực, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Chính phủ ủng hộ việc phát triển cũng như ứng dụng công nghệ số.

Phó Thủ tướng cũng thừa nhận bên cạnh ích lợi của công nghệ số là tăng năng suất, giảm khoảng cách giàu nghèo, tác động tốt cho phát triển kinh tế… thì quan ngại đặt ra là an toàn thông tin số, quyền riêng tư, giải phóng sức lao động nên phải tìm cách bố trí lao động dôi dư… Tuy nhiên Việt Nam không vì mặt trái đó mà kiềm chế sự phát triển của công nghệ số cũng như ứng dụng nó.

Việt Nam cần phải làm gì?

Ông Deepak Mishra, người phụ trách thực hiện báo cáo trên của WB, cho rằng Việt Nam cần phải phổ cập internet và công nghệ số mạnh mẽ hơn nữa, vì nó giúp làm tăng năng suất. Để phổ cập internet cần làm cho dịch vụ dễ dàng tiếp cận và giá rẻ; cần có chiến lược mạnh mẽ hơn nữa về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; cần tăng cường quản lý nhà nước để tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công nghệ số…

Thêm nữa, Việt Nam và các nước cần phải có môi trường thích hợp cho sự phát triển công nghệ số. Cần có các biện pháp quản lý không chỉ khuyến khích cạnh tranh mà còn thúc đẩy sự gia nhập thị trường. Bên cạnh đó là đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, gỡ bỏ hàng rào thương mại, nâng đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện cạnh tranh giữa các nền tảng số.

Phó Thủ tướng Đam cho rằng để công nghệ số phát triển cần sự chung tay nỗ lực tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, trong đó lực lượng nòng cốt là doanh nghiệp, không chỉ là các doanh nghiệp công nghệ mà là cả những doanh nghiệp thường nhưng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu suất hoạt động.

Báo cáo cũng cho rằng công nghệ số có thể giúp chuyển đổi các nền kinh tế, xã hội. Các nước đầu tư vào công nghệ số và các yếu tố bổ trợ sẽ giành được kết quả tương xứng, nước nào không làm như vậy sẽ tụt hậu.

Báo cáo của WB cho thấy, công nghệ số thúc đẩy hòa nhập, hiệu suất và đổi mới sáng tạo. Có trên 40% người trưởng thành ở Đông Phi trả tiền điện nước bằng điện thoại di động; có 8 triệu doanh nhân Trung Quốc sử dụng thương mại điện tử để bán hàng cho các khách hàng trong nước và 120 nước trên toàn thế giới. Ấn Độ đã cấp mã nhận dạng số cho gần 1 tỉ người trong 5 năm gần đây, qua đó giúp người dân tiếp cận dịch vụ công và giảm tham nhũng.

Theo Vân Ly (TBKTSG Online)

Các bài xem thêm về: – Nhóm nghề CNTT - Viễn thông

Cùng chuyên mục