Cân nhắc mức điểm xét tuyển khi chọn trường

Để xác định được đâu là ngành học phù hợp, thí sinh (TS) cần phải biết đánh giá lực học của mình đến đâu…, vì cùng ngành học, có trường lấy điểm cao, có trường lấy điểm thấp.

Trong kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm nay, TS đã nộp hồ sơ thì không được rút để nộp vào ngành khác, trường khác như năm 2015. Ảnh minh họa: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, TS phải định hướng được ngành học ngay từ đầu. Nghĩa là cân nhắc xem mình phù hợp với ngành nghề nào, ngành đó trường nào đào tạo và mức điểm xét tuyển năm trước ra sao, điểm số mình có đáp ứng được hay không…

Để TS xác định được đâu là ngành học phù hợp, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ: “Các em phải biết đánh giá đúng sở trường của bản thân, đồng thời tìm hiểu nhu cầu xã hội về ngành nghề đó ra sao, điều kiện gia đình có đáp ứng được hay không. Cuối cùng là lực học của mình đến đâu. Nếu sức học trung bình, điểm thi chỉ đạt khoảng 15 nhưng điểm chuẩn của ngành học ở trường em lựa chọn lên tới 18 – 20 thì không thể đậu dù đó là ngành học mà các em yêu thích”. Theo tiến sĩ Lý, việc chọn trường cũng rất quan trọng vì cùng ngành học đó, có trường lấy điểm cao, có trường lấy điểm thấp.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đưa ra các nguyên tắc: “Việc xác định ngành học mình sẽ theo đuổi cần phải theo phương pháp khoa học và có sự tham khảo nhiều kênh thông tin từ gia đình, thầy cô… Đặc biệt là các định hướng hội nhập khu vực và quốc tế. Bước tiếp theo là chọn trường để xét tuyển. TS cần có thống kê và phân loại các trường theo điểm xét tuyển của ngành trong các năm, điều kiện chi phí học tập, sinh hoạt nơi trường đóng trú, điều kiện học tập của trường, uy tín, thương hiệu… Bước cuối cùng là lập bảng tổng hợp các ngành, trường mình lựa chọn và sau đó đối chiếu với thông báo xét tuyển năm nay của trường để có quyết định phù hợp với mức điểm của mình”.

Năm nay khi xét tuyển, TS không cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi mà có thể nộp trực tuyến, mỗi đợt được nộp vào 2 trường cùng lúc. Do đó, các trường sẽ phải tìm cách để nắm được số lượng TS chắc chắn vào trường. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Để kiểm soát được số lượng TS thực sự của mình, có thể nhiều trường sẽ rút ngắn thời gian xét tuyển và xét làm nhiều đợt bổ sung. Vì vậy, dù TS không được rút hồ sơ và nếu không đậu nguyện vọng 1 thì vẫn còn rất nhiều cơ hội để đậu các đợt bổ sung tiếp theo”. Thạc sĩ Vũ khuyên TS cần theo dõi sát sao các thông báo về xét tuyển như chỉ tiêu, thời gian…

Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lưu ý: TS không cần vội vàng nộp ngay những ngày đầu.

Theo: Mỹ Quyên (Giáo dục/TNO)

Lưu Ý:Theo lịch của Bộ GD-ĐT, các Hội đồng thi hoàn thành việc chấm thi và lên điểm trước ngày 20/7. Chậm nhất vào ngày 20/7 dữ liệu kết quả chấm thi của Hội đồng thi phải được cập nhật vào Hệ thống phần mềm quản lý thi THPT quốc gia.

Các Sở GD-ĐT sẽ công bố kết quả xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh trước ngày 1/8.

Từ ngày 1/8 – 12/8, thí sinh đăng ký xét tuyển tối 2 trường và 2 ngành/ trường. Kết quả trúng tuyển đợt này công bố trước ngày 15/8.

Từ ngày 20/8 – 20/10 là khoảng thời gian dành cho các đợt xét tuyển bổ sung. Dự kiến, mỗi đợt kéo dài khoảng 10 ngày. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 trường và 2 ngành/ trường.

Bài liên quan

Cùng chuyên mục