Nhân kỷ niệm 15 năm ra trường, chúng tôi tổ chức buổi gặp mặt. Xen lẫn chuyện thời sinh viên là chuyện đời sống thường nhật. Nổi lên trong đó là chuyện vì sao nhiều người ngấp nghé tuổi 40 vẫn chưa lập gia đình.
Trong những người con của chú họ tôi, N. là con cả nhưng lấy chồng trễ nhất.
“Cuối cùng nó cũng chịu lấy chồng”
Bước sang tuổi 37, N. lên xe hoa về nhà chồng trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của gia đình bởi “quả bom nổ chậm” đã được tháo ngòi nổ.
Niềm hân hoan, phấn khởi đến cao độ được thể hiện trên từng gương mặt của các thành viên nhà gái. Xen lẫn với lời chúc mừng hạnh phúc cho vợ chồng em là câu nói đùa thể hiện tâm trạng “nhẹ nhõm” của anh em xa gần như: “cuối cùng nó cũng chịu lấy chồng”…
N. lấy chồng trễ không có nghĩa là “ế” như quan niệm của các cụ ngày xưa. Là chỗ anh em thân tình, tuổi tác không chênh lệch là bao nên chúng tôi khá thân thiết.
Vốn có nhan sắc nên ngay từ thời học phổ thông, N. có nhiều “vệ tinh” theo đuổi nhưng cô chẳng quan tâm bởi N. chỉ muốn tập trung học hành.
Học xong đại học, tìm được việc làm, cô lại lao vào vòng xoáy của công việc nên chuyện yêu đương N. gác lại. N. còn vừa đi làm, vừa học lên cao và học thêm văn bằng 2 ngoại ngữ.
Chu kỳ học một lần nữa được lặp lại và đến khi việc học của N. “hoàn chỉnh” ở tuổi 35 thì “độ” sốt ruột của người nhà bắt đầu dâng cao.
Đàn ông tuổi đó hầu hết đã có gia đình, những người trạc tuổi với N. mà chưa lấy vợ thì “có vấn đề” hoặc không “tương thích”, “vênh” nhau nhiều thứ nên cha mẹ, người thân của cô lo lắng là phải.
Tuổi 37, N. quyết định lên xe hoa với một anh bạn học chung đại học, tuy học hành không bằng cô nhưng cùng tuổi và “có chí làm ăn”.
Cũng giống N., H. – là giáo viên của một trường THPT – đã “đầu 3, đuôi… chơi vơi” nhưng chưa chịu lập gia đình.
Theo H. thì “dại gì mà lập gia đình sớm” bởi cô muốn “kéo dài tuổi thanh xuân”, “không muốn sớm vướng bận” chuyện gia đình. Nên ngoài công việc ở trường, H. tự do học hành, bay nhảy với bạn bè bằng những chuyến du lịch hay tụ tập lúc rảnh rỗi.
Dù cha mẹ nhiều lần thúc giục cũng như một số chàng trai tiếp cận tán tỉnh, đặt vấn đề nghiêm túc nhưng H. lắc đầu nguầy nguậy, “em vẫn muốn độc thân”.
Hối thúc nhiều cũng không kết quả, cha mẹ H. chỉ biết lắc đầu vì duyên chưa đến.
1.001 lý do
Hầu hết những người lập gia đình muộn mà tôi biết hoặc các bạn học chung đại học với tôi đều có lý do giải thích cho việc họ lập gia đình muộn. Không phải vì “ế”, mà họ đang theo đuổi một mục đích nào đó.
Khi mục tiêu đặt ra sắp đạt “ngưỡng” hoàn thành, họ lại “lười” yêu hay ngại hẹn hò nên dễ rơi vào trạng thái “mặc kệ”, “tùy duyên”… trong chuyện lập gia đình.
Trong số bạn thời sinh viên với tôi, nam thanh niên lớn tuổi nhất đã trên 40 nhưng vẫn “lính phòng không”, còn mấy cô “đầu 3, đuôi chơi vơi” chưa lập gia đình không phải vì họ ế, không có “đối tác, đối tượng” mà chủ yếu họ không muốn vướng bận nhiều vào gia đình, ảnh hưởng đến mục đích họ đang đeo đuổi.
Có người vì nặng gánh gia đình, lo chăm sóc cha mẹ già, nuôi em ăn học; có người đam mê công việc, theo đuổi học hành, tạo lập sự nghiệp; có người muốn “kéo dài tuổi thanh xuân” để bay nhảy, khám phá cuộc sống bằng những chuyến đi đây đi đó… Việc họ lập gia đình muộn là dễ hiểu.
Cũng có một số trường hợp, sau khi nhận ra mình đã lớn tuổi nên có người vội vàng kết hôn khi tình yêu chưa chín muồi nên cuộc hôn nhân của họ gặp trục trặc.
Nhưng có nhiều trường hợp, cuộc hôn nhân của họ viên mãn, hạnh phúc vì quyết định của họ được đưa ra trên cơ sở tình yêu và các điều kiện phục vụ cho cuộc sống được bảo đảm.
Xung quanh họ, có nhiều câu chuyện thú vị, dễ thương mà thỉnh thoảng tôi vẫn được chứng kiến. Chẳng hạn, có anh đồng nghiệp kết hôn khi tuổi đã 45 và cô vợ trẻ hơn 20 tuổi.
Nhiều người xung quanh thỉnh thoảng vẫn trêu họ, đại loại “chú cháu dẫn nhau đi chơi à?” khi vợ chồng anh ấy đi chung, hay mỗi lần anh ấy đi đón con thì có người đùa “ông đi đón cháu à?”.
Hoặc câu chuyện về một trong số những cặp vợ chồng lập gia đình trễ mà tôi được biết, họ mới cưới nhau mới hơn 1 tháng mà đã đưa nhau đi khám… hiếm muộn làm cho bác sĩ khám hôm đó được một phen cười no nê.
Dù y học cảnh báo phụ nữ sinh con muộn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Còn dưới góc độ xã hội, việc cha (mẹ) quá già còn con thì quá nhỏ là hình ảnh thường thấy ở các cặp vợ chồng lập gia đình muộn.
Và ở khía cạnh tâm lý, lứa tuổi “băm” là lứa tuổi đã trưởng thành, chín chắn về mọi phương diện. Vì vậy, thiết nghĩ mỗi người cần có sự lựa chọn và cân nhắc thời điểm phù hợp xây dựng cuộc sống, hạnh phúc cho chính mình.
“Có người vì nặng gánh gia đình, lo chăm sóc cha mẹ già, nuôi em ăn học; có người đam mê công việc, theo đuổi học hành, tạo lập sự nghiệp; có người muốn “kéo dài tuổi thanh xuân” để bay nhảy, khám phá cuộc sống bằng những chuyến đi đây đi đó… Việc họ lập gia đình muộn là dễ hiểu.
Theo: NGUYỄN DIỆU (Nhịp sống Trẻ/TTO)