(hieuhoc_hieuhoc.com): Hoạt động tài chính là một vấn đề vô cùng quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Hơn bao giờ hết, CFO – Giám đốc tài chính – luôn khẳng định được vị thế và tầm quan trọng của mình.
Những cơ hội của CFO ở Việt Nam
Khi các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn với việc sử dụng và khai thác hiệu quả các nguồn tiền tích lũy từ lợi nhuận kinh doanh và huy động từ bên ngoài, vai trò của CFO càng trở nên quan trọng, đồng nghĩa với vị thế và quyền lợi nhiều hơn. Nghề CFO, bởi vậy, cũng hấp dẫn hơn.
Hiện nay, ở nước ta nhu cầu về vị trí CFO là rất lớn. Kinh tế phát triển, xu hướng hội nhập được đẩy mạnh nên các doanh nghiệp đều muốn tìm kiếm cho mình một CFO thật giỏi và giàu kinh nghiệm làm việc. Việc chạy đua tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ đã tạo thêm rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ tự khẳng định mình với công việc và với các doanh nghiệp. Nếu bạn là một người có kiến thức và kỹ năng thì chắc chắn cơ hội để có một vị trí tốt không phải là quá khó.
Bạn trở thành một giám đốc tài chính, với năng lực làm việc của mình, bạn chăm lo cho tất cả các hoạt động tài chính của công ty. Vì vậy, mức lương mà bạn nhận được chắc chắn sẽ là mơ ước của nhiều người. Bạn hoàn toàn có thể hài lòng và yên tâm với cuộc sống đầy đủ và sung túc.
Cơ hội làm việc do mình tạo ra, nhưng với vị trí này, bạn sẽ có nhiều hơn những cơ hội để làm việc, để chứng minh bản thân cũng như để vượt qua những thử thách. Bạn sẽ được cọ xát ngày càng nhiều trong môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao của nền kinh tế đang phát triển mạnh. Do đó, bạn sẽ tiếp thu về cho bản thân mình không chỉ là kiến thức, kỹ năng làm việc – quản lý mà còn rất nhiều thông tin mới liên quan đến lĩnh vực mà bạn đang đảm trách.
Với vai trò của một CFO, bạn không chỉ nhận được sự tán dương của cấp trên cũng như của đồng nghiệp thì bạn cũng có thể nỗ lực để tìm kiếm một vị trí cao hơn trong nghề quản lý đó là CEO. Đây cũng là một nghề đang toả sức nóng mạnh mẽ bởi tầm quan trọng và độ “hot” của nó.
CFO là gì?
CFO là từ viết tắt của Chief Financial Officer – Giám đốc tài chính – là một công việc thuộc lĩnh vực quản lý mà cụ thể là quản lý tài chính. Các CFO được mệnh danh là cánh tay phải của lãnh đạo doanh nghiệp, là “bác sỹ”, chuyên chẩn đoán “sức khỏe” công ty rồi kê “đơn thuốc” với những dự báo tài chính ngắn hạn, dài hạn..
Công việc của một CFO có thể gói gọn lại trong việc chịu trách nhiệm đưa ra ba quyết định chủ yếu: quyết định về chính sách đầu tư, quyết định về chính sách tài trợ và quyết định về chính sách phân phối. Cụ thể, các CFO phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện quản trị tài chính trong doanh nghiệp, bao gồm các nội dung như nghiên cứu, phân tích và xử lý các các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính trong doanh nghiệp. Họ cũng là người xây dựng các kế hoạch về tài chính, khai thác, sử dụng các nguồn vốn sao cho có hiệu quả đồng thời đưa ra các dự báo hay nguy cơ đối với doanh nghiệp của mình. Và họ cũng đồng thời kiểm soát việc sử dụng tài sản trong công ty, tránh xảy ra thất thoát, lãng phí và không đúng mục đích.
Các CFO phải biết kiểm soát việc sử dụng tài sản trong công ty, tránh xảy ra thất thoát,
lãng phí và không đúng mục đích.
Có khá nhiều người lầm tưởng công việc của một CFO và một kế toán trưởng là giống nhau nhưng thực tế vai trò của CFO hoàn toàn khác với kế toán trưởng. Có rất nhiều nhiệm vụ của CFO mà kế toán trưởng không thể thực hiện được. Các kế toán trưởng thường chỉ lo về việc lo hạch toán, báo cáo, phân bổ ngân sách cho sản xuất – kinh doanh… Trong khi đó các giám đốc tài chính lại dựa trên các báo cáo của kế toán để đưa ra các phương án sản xuất – kinh doanh tối ưu, phân tích tình hình thị trường để quyết định mức đầu tư hợp lý. Và chính sự tương hỗ lẫn nhau của cả hai trong công việc này sẽ giúp bộ máy tài chính doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và trơn tru hơn.
Những kỹ năng cần thiết cho một CFO chuyên nghiệp
– Nắm vững nghiệp vụ kế toán và tài chính. CFO không làm công tác ghi chép sổ sách, chứng từ thu chi, giao dịch… của công ty nhưng phải hiểu rõ kế toán để có thể điều phối các dòng tiền và nghiệp vụ kinh doanh liên quan đúng pháp luật và hợp lý. Thành thục các kỹ năng tính toán, phân tích tài chính, sẽ giúp các CFO đánh giá định lượng nhanh và chính xác các thông số tài chính doanh nghiệp.
– Ngoài những kiến thức chuyên sâu về quản trị tài chính, kế toán, bạn cần có những hiểu biết rộng về các lĩnh vực khác, chẳng hạn như tài chính quốc tế, tín dụng, ngân hàng…Bạn cần phải là một nhà hoạch định chiến lược kinh doanh và bắt đầu suy nghĩ như là thành viên của hội đồng quản trị. Không những thế, bạn còn phải làm quen với các thuật ngữ chuyên môn cũng như quan tâm tới các mặt hoạt động của doanh nghiệp.
– Một CFO giỏi còn phải có khả năng nhận định rủi ro và chế ngự rủi ro đó. Vì thế hãy tự tạo cho mình một khả năng quan sát tốt và phân tích nhạy bén để đánh giá đúng tình hình doanh nghiệp, dự báo điều gì sắp xảy và có quyết định hành động hợp lý.
– Khả năng dự đoán thôi vẫn chưa đủ, bạn cần phải có kỹ năng ứng biến trước những biến động của tình hình nữa. Đây là một kỹ năng không hề đơn giản. Kỹ năng này yêu cần bạn phải biết điều gì là quan trọng, mục tiêu nào cần hướng tới và đạt được. Quản lý về tài chính là một vấn đề rất phức tạp và “nhạy cảm”. Vì vậy, bạn phải thích ứng được với tất cả các tình huống có thể xảy ra và cố gắng giải quyết nó hợp lý. Việc đối mặt với những rắc rối không có trong kế hoạch sẽ tạo cho bạn tư duy logic sắc bén trong quá trình giải quyết công việc của doanh nghiệp mình.
– Công việc của CFO phải giao tiếp với rất nhiều bộ phận bên trong và đối tác bên ngoài doanh nghiệp, lại thường đề cập vấn đề rất “nhạy cảm” là quyền lợi kinh tế và ngân sách, do vậy, truyền thông và giao tiếp tốt có vai trò quan trọng, có thể nói là bậc nhất, với người giữ vị trí CFO.
– Trung thành với doanh nghiệp và được Ban Giám đốc, Hội đồng Quản trị tin tưởng. CFO giữ nhịp cho các dòng tiền tệ lưu thông trong cơ thể doanh nghiệp, điều phối các nguồn tiền ra – vào doanh nghiệp, dàn xếp các hoạt động đầu tư và nhận đầu tư, thiết kế các thương vụ tài chính. Nói chung là toàn chuyện trọng đại. Thế nên, trung thành và được tin tưởng là đương nhiên cần thiết.
Chính vì những điều kiện khắc nghiệt ở trên nên sẽ khiến cho nhiều bạn chùn chân trên con đường trở thành 1 CFO giỏi. Đây thật sự là “sân chơi dành cho những người bản lĩnh”. Vì thế, nếu bạn biết quyết tâm và nỗ lực để thành công trên con đường mình đã chọn thì bạn thật sự đã chứng mình được rằng mình là một người đầy bản lĩnh rồi đấy.
Học CFO ở đâu?
Với niềm đam mê công việc quản lý, bằng những gì mà bạn đã có, đã học và sẽ học hãy tự tin với vị trí này. Hiện nay, cũng chưa có trường ĐH, CĐ nào đào tạo chính thức. Vì vậy, bạn có thể tìm hiểu thêm tại các trường thuộc khối kinh tế, ngân hàng với các chuyên ngành về QTKD, tài chính, ngân hàng …
Ngoài ra Internet cũng là một địa chỉ thú vị để bạn tìm hiểu. Các kiến thức, khóa học về CFO sẽ được tìm thấy dễ dàng ở internet. Bạn có thể tham khảo thêm các khóa học về CFO ở Hiếu Học tại đây.
Kim Tuyến – Như Tâm