Đề thi và gợi ý bài giải môn Văn THPT quốc gia 2016

Đềthi môn Văn THQG năm nay bám sát chương trình của cấp học, có sự phân hóa cao để xét thí sinh tốt nghiệp và vào đại học, cao đẳng.Mời các bạn xem đề thi và gợi ý bài giải môn Văn THPT quốc gia 2016:

Đề thi Văn 2016

Đề thi Văn 2016

BÀI GIẢI GỢI Ý

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:Những từ ngữ thể hiện sự mượt mà và tinh tế của Tiếng Việt trong khổ thơ thứ nhất là:như bùn, như lụa, óng tre ngà, mềm mại như tơ. (như bùn:là sự tinh tế; như lụa, óng tre ngà, mềm mại như tơ:là sự mượt mà).

Câu 2:Hai biện pháptu từ được sử dụng: so sánh (nói nghe như hát, âm thanh như gió nước), ẩn dụ (lửa cháy).

Câu 3:Nội dung chính đoạn trích: Đoạn trích khẳng định tiếng Việt chính là tâm hồn của người Việt đồng thời thể hiện niềm tự hào về sự phong phú và khả năng diễn đạt tinh tế, nhiều nghĩa của tiếng Việt.

Câu 4:Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng có thể tập trung vào các ý sau:

– Tiếng Việt rất phong phú.

– Tiếng Việt vừa mộc mạc, vừa tinh tế.

– Tiếng Việt có một lịch sử hình thành lâu đời.

– Mọi người cần có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Phạm Quỳnh nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Câu 5:Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/phương thức nghị luận.

Câu 6:Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của câu “cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình” được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh so sánh:như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng.

Câu 7:Tác giả cho rằng: “Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn” vì nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Đó là thứ hạnh phúc mỏng manh. Con người cần được thử thách bởi bão táp thì mới khẳng định được bản thân.

Câu 8:Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng tập trung vào các ý sau:

– Con người có thể gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, thử thách.

– Con người có thể bị bão táp của cuộc sống cuốn đi.

– Con người có thể đầu hàng, buông xuôi trước số phận.

– Tuy nhiên, con người cũng có thể từ những khó khăn, trở ngại, nguy hiểm mà trưởng thành và khẳng định bản thân để gặt hái những thành công trong cuộc đời.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận về ý kiến trên.

Yêu cầu chung

– Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải kết hợp được những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài.

Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc thể hiện bố cục hoàn chỉnh của một bài văn nghị luận (có đủ mở bài, thân bài, kết bài; thân bài phải bao gồm nhiều đoạn văn), cách hành văn, chính xác và sinh động. Đồng thời phải đáp ứng đúng và đầy đủ yêu cầu về luận đề và nội dung.

– Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và luật pháp.

Yêu cầu cụ thể

1. Mở bài:Sự hèn nhát và dũng khí là những hiện tượng mà chúng ta thường gặp hằng ngày cũng như trong lịch sử và phim ảnh. Giáo dục công dân cũng dạy chúng ta rằng nên khinh bỉ sự hèn nhát và trân trọng dũng khí. Sự hèn nhát và dũng khí dẫn đến một hệ lụy và kết quả vô cùng quan trọng.

Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng “Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình”. Sau đây chúng ta hãy bàn luận về ý kiến trên.

2. Giải thích ý kiến

Thí sinh cần giải thích thế nào là sự hèn nhát và dũng khí. Thí sinh phải giải thích thế nào là sự đánh mất mình và thế nào là được chính mình.

3. Bàn luận

Từ đó xác định ý kiến được nêu trong đề có nội dung khẳng định vai trò quan trọng của việc tránh sự hèn nhát và việc nên rèn luyện, nuôi dưỡng dũng khí.

Thí sinh có thể mở rộng sự bàn luận ra các hướng khác nhau; dưới đây là những ý tham khảo (không nhất thiết thí sinh phải làm giống những ý này):

– Sự hèn nhát được thể hiện ở những hành động: chạy trốn sự khó khăn, không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác, không dám bảo vệ chính nghĩa và cái đúng, đùn đẩy những nguy hiểm cho bạn bè, người thân và đồng loại.

– Sự hèn nhát sẽ dẫn đến hậu quả khiến người ta đánh mất chính mình, đánh mất bản chất tốt đẹp của con người, đánh mất những ước mơ, những hoài bão, những hy vọng mà bản thân từng ấp ủ. Hèn nhát còn khiến người ta trở nên tha hóa. Thậm chí, còn có thể trở nên kẻ phản bội.

– Sự hèn nhát đã bị xã hội lên án và khinh bỉ. Có câu: “thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Tuy nhiên cũng có quan điểm: “thà sống nhục còn hơn chết vinh” bởi vì chết thì còn biết gì nữa mà vinh. Để đả phá quan điểm đó, mỗi dân tộc đều có nhiều hình thức để tôn vinh những người dũng cảm hy sinh vì đất nước, vì nhân dân.

– Trái ngược với sự hèn nhát, người có dũng khí dám đương đầu với khó khăn, thử thách, hiểm nguy; dám bảo vệ chân lý, chính nghĩa; dám đấu tranh chống lại điều ác, điều xấu bằng chính mạng sống, cuộc sống của chính mình.

– Dũng khí giúp người ta tìm lại được chính mình. Tức là tìm lại được, giữ được bản chất tốt đẹp của bản thân, giữ được ước mơ, hoài bão, hy vọng giữa những giông tố của cuộc sống và giúp người ta dành lấy sự thành công, chiến thắng.

– Dũng khí là một nét đẹp của loài người, của dân tộc nói chung và của từng cá nhân nói riêng. Dũng khí của nhiều cá nhân hợp thành nguyên khí của một quốc gia. Chính cái nguyên khí đó đã giúp cho một dân tộc khỏi sự diệt vong, được trường tồn cùng lịch sử.

Chính vì vậy, dũng khí và những người dũng cảm, sẵn sàng chấp nhận “không thành công thì thành nhân” luôn được sự ngưỡng mộ, ca ngợi của mọi người. Lịch sử của dân tộc ta nói riêng và nhiều dân tộc khác trên thế giới nói chung đã chứng minh cho điều đó.

– Tuy nhiên, sự hèn nhát hoàn toàn khác với thái độ trầm tĩnh, cẩn thận, đắn đo, suy nghĩ thấu đáo và dũng khí cũng hoàn toàn khác với thái độ nóng nảy, hấp tấp, ồn ào, khoa trương theo kiểu anh hùng rơm. Có những sự can đảm không cần thiết mà người đời gọi là sự liều lĩnh và dại dột. Chẳng hạn như đua xe với tốc độ cao…

– Để trầm tĩnh chứ không hèn nhát, dũng cảm mà không liều lĩnh, người ta cần phải có sự hiểu biết về bản thân, về xã hội, về cuộc đời; phải có niềm tin vào lẽ phải, lý tưởng sống.

– Đối với lứa tuổi học sinh cần phải có dũng khí từ bỏ con đường sai trái như chọn lầm ngành học để bắt đầu lại từ đầu. Phải có dũng khí đứng lên làm lại từ đầu sau những vấp ngã và thất bại nặng nề. Tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự và sẵn sàng ra chiến trường khi tổ quốc lâm nguy.

Câu 2 (4,0 điểm)

Yêu cầu chung:

– Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt, bình luận ý kiến : Trong truyện ngắn Vợ nhặt,nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.

– Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng.

Yêu cầu cụ thể:

Mở bài:

Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và ý kiến được nêu trong đề; thông báo được hướng giải quyết vấn đề.

Thân bài:

1. Tóm tắt thật ngắn gọn tác phẩm Vợ nhặt, nhấn mạnh được tình huống độc đáo của truyện.

2. Giải thích ý kiến:

– Tình huống bất thường: có thể xem là một sự việc diễn ra trong một hoàn cảnh cụ thể nhưng không thường xuyên xuất hiện trong đời sống.

– Khát vọng bình thường mà chính đáng: những mơ ước, mong muốn và dễ dàng đạt được. Đó là cái mọi người đều hướng tới.

– Ý nghĩa câu nói: ca ngợi tài năng của nhà văn Kim Lân trong việc xây dựng được một tình huống truyện độc đáo: xây dựng cái bất thường trong cái bình thường.

3. Phân tích tình huống truyện:

a. Tình huống truyện bất thường, độc đáo vì tạo ra sự ngạc nhiên cho mọi người:

– Xóm ngụ cư ngạc nhiên trước việc Tràng có vợ.

– Bà cụ Tứ ngạc nhiên khi biết con trai có vợ.

– Bản thân anh Tràng cũng ngạc nhiên vì mình có vợ quá dễ dàng.

b. Tình huống truyện bất thường, độc đáo vì là tình huống éo le:

– Cùng một lúc với niềm vui là nỗi lo âu vì hạnh phúc có thể đánh đổi bằng cái chết.

– Xóm ngụ cư ai cũng lo âu cho hạnh phúc bấp bênh sắp tới của vợ chồng Tràng.

– Bà cụ Tứ cũng thể hiện nỗi lo âu kéo dài và ám ảnh, nghẹn ngào dàn dụa nước mắt.

– Chính Tràng cũngchợnvà lo lắng cho tương lai của mình.

– Người “vợ nhặt” có chồng trong tâm trạng lo lắng, phấp phỏng, chua xót vì chỉ là “vợ nhặt, vợ theo, cái của nợ đời”.

c. Tình huống mang tính nhân văn (nói lên khát vọng bình thường và chính đáng của con người):

– Việc Tràng có vợ vừa tình cờ, ngẫu nhiên vừa có gì đó như là tất yếu, phải như thế và không thể khác được.

– Xóm ngụ cư le lói một niềm vui, thấp thoáng một sức sống.

– Khuôn mặt bủng beo của bà cụ Tứ bỗng nhiên rạng rỡ hẳn lên vì niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai của mình và các con.

– Chính Tràng cũng thấy bản thân thay đổi nhờ việc có vợ: anh cảm thấy hạnh phúc, thấy có trách nhiệm với gia đình.

– Người vợ nhặt: cảm giác rõ ràng mình đã bước ra khỏi cái chết để hướng về một tương lai tươi sáng.

4. Bình luận ý kiến trên:

– Ý kiến tập trung vào sự trái ngược giữa hai từ ngữ “bất thường” và “bình thường”. Hai từ tuy có ý nghĩa trái ngược nhưng không loại trừ nhau, mà bổ sung ý nghĩa cho nhau để làm nổi bật tài năng của nhà văn Kim Lân. Sự bình thường và bất thường là một quy luật tất yếu và là cặp anh em song sinh không thể tách rời trong cuộc sống.

– Ý kiến này cũng giúp người đọc cảm nhận rõ sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn với những số phận bất hạnh trong nạn đói năm 1945, bởi chính Kim Lân cũng từng phải ăn cám trong năm đói đó. Qua đó, người đọc hiểu được cảm quan nhân đạo mà Kim Lân gửi gắm qua tác phẩm.

– Ý kiến này càng làm rõ được tài năng lựa chọn tình tiết, tổ chức cốt truyện, xây dựng nhân vật và đặc biệt là đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo.

Kết bài:

– Khẳng định ý kiến trên là đúng đắn, vừa đánh giá được tài năng của Kim Lân vừa làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.

– Khẳng định sức sống mạnh mẽ và trường tồn của tác phẩm trong nền văn học Việt Nam.

* Giáoviên nhận định: Đề Văn tạo cảm xúc tốt cho thí sinh

Theo thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng, giáo viên môn Văn, Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM, đề Văn năm nay có nội dung tạo cảm xúc tốt cho thí sinh.

Câu 1hướng thí sinh đến sự tự hào về tiếng Việt và định hướng về sự phát triển nhân cách cho giới trẻ (không “tuyệt đối cá nhân”).

Tiếp theo là câu hỏi về nghị luận xã hội: yêu cầu thí sinh viết về sự dũng khí là rất cần thiết vì trong xã hội hiện nay, nhiều bạn trẻ đứng trước cái xấu nhưng không dám đấu tranh, thậm chí có bạn còn không dám thể hiện quan điểm của mình.

Câu số 3 có lẽ gây nhiều bất ngờ cho thí sinh vì cho phân tích tình huống truyện. Câu hỏi này cũng gợi lên tính nhân văn cao khi yêu cầu thí sinh viết về khát vọng của con người.

Tuy nhiên, ở câu hỏi này thí sinh phải nhớ nhiều dẫn chứng, phải thuộc tác phẩm. Đây làmột thử thách đối với nhiều thí sinh vì những năm gần đây đề thi có xu hướng cho ra hẳn một đoạn thơ hoặc một đoạn văn xuôi.

Nhìn chung, nội dung đề thi là rất tốt, cầu trúc đề thi thì hơi dài. Nếu thí sinh không phân bố thời gian hợp lý sẽ làm không kịp thời gian. (H.HG ghi)

Thầy Lê Xuân Bột, cựu giáo viên môn Văn trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ):

Đềthi bám sát chương trình của cấp học, có sự phân hóa cao để xét thí sinh tốt nghiệp và vào đại học, cao đẳng. Tuy nhiên đề thi có phần hơi “tham”, chưa thật cân đối giữa phần cảm thụ văn học và bình luận xã hội.

Theo thầy Bột, phần đọc hiểu 3 điểm nên có một câu phần lớp 10, trong khi những yêu cầu đặt ra trong câu về thơ Lưu Quang Vũ là hơi nặng, chỉ cần trích 2,3 khổ thơ là vừa đủ để thí sinh không mất quá nhiều thời gian để làm.

Đồng thời, phần đọc hiểu nên đảm bảo kiến thức quán xuyến cả chương trình lớp 10, điển hình như truyện Kiều cũng mang nhiều tình tiết về vẻ đẹp tiếng Việt, cấu trúc ngữ pháp…

Còn phần làm văn 7 điểm thì riêng câu bình luận nên có ý kiến của ai, không nên đưa chung chung, và cũng chưa phù hợp lứa tuổi học sinh lại mang tính chất triết học nhiều. Nên chăng, nghị luận xã hội phải gắn với tình hình đất nước nóng bỏng như biển đảo, biển đông, tình yêu Tổ quốc thì sẽ rất hay.

Bên cạnh đó, phần làm văn 4 điểm về “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân lại bình luận nữa. Phần bình luận quá nhiều, thay vì đưa ra hình thức cảm thụ văn học như bình giảng, phân tích…

“Theo bản thân tôi, về bố cục, tương quan của đề thi đồng đều thì khá ổn nhưng bao quát năng lực học sinh thì chưa đạt, sẽ có nhiều học sinh nếu không cẩn thận, định tính đề bài dễ sa đà vào câu 1 vì qua dài, nhiều câu hỏi phụ. Còn phần 2 lại nặng bình luận, nếu đã có bình luận xã hội thì riêng phần tác văn chương nên để học sinh cảm thụ mới phân loại thí sinh khá, giỏi. Đề này rất dễ dạt điểm trung bình nhưng chọn được bài hay, đạt điểm 8 trở lên sẽ khó”, thầy Bột nhận xét.

Theo: (THÙY TRANG-Tuyển sinh/TTO)

Bài liên quan

Khi có giấy chứng nhận kết quả thi

Khi nào các trường gửi giấy chứng nhận kết quả cho thí sinh? Tôi tìm hiểu được biết trong đợt 1, tôi có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào cùng lúc 2 trường. Tuy nhiên tôi có thể sử dụng kết quả khối A vào cả hai trường hay mỗi trường phải xét một khối khác 

Cùng chuyên mục