Nhiều trường ĐH, CĐ vừa mở thêm một số ngành đào tạo mới, tuyển sinh ngay trong năm 2016 nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.
Theo khảo sát sơ bộ, giai đoạn 2015-2020, nhu cầu nhân lực của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ không gian và những ứng dụng liên quan như thông tin liên lạc, viễn thám, các lĩnh vực sử dụng và khai thác hình ảnh vệ tinh như dự báo thời tiết, quản lý tài nguyên… cần ít nhất 2.000 lao động trình độ cao.
Ngành “hot” đáp ứng nhu cầu
Đón được xu hướng này, nhiều trường ĐH đã liên tiếp mở các ngành để đón đầu nguồn nhân lực. Năm 2016, Trường ĐH Quốc tế – ĐHQG TP HCM sẽ tuyển sinh ngành kỹ thuật không gian với tổng chỉ tiêu là 50 sinh viên. Ngành này sẽ cung cấp nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ không gian, cụ thể là xử lý tín hiệu, ảnh từ vệ tinh, công nghệ viễn thám, định vị vệ tinh từ các ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội cho đến quản lý tài nguyên, môi trường, lãnh thổ, biển đảo, quốc phòng…
Sinh viên tốt nghiệp ngành này có cơ hội làm việc trong các cơ quan nhà nước, sử dụng quản lý dữ liệu vệ tinh để giám sát tài nguyên rừng, đất đai, lãnh thổ, biển đảo của đất nước; trong những tổ chức kinh doanh dữ liệu vệ tinh và các ứng dụng liên quan; làm việc và nghiên cứu tại các viện và trung tâm lớn của quốc gia như trung tâm vệ tinh quốc gia, viện công nghệ vũ trụ, các cục, trung tâm viễn thám cũng như trở thành giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật không gian…
Lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện cũng được cho là có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho thấy nước ta hiện có khoảng 7.000 công ty quảng cáo với nhu cầu nhân lực cho ngành này ít nhất là 70.000 lao động. Song, các công ty đều đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu với chất lượng cao và đã qua đào tạo. Nắm bắt tình hình này, ngành quan hệ công chúng đã được mở ở nhiều trường.
Từ năm 2015, ngành truyền thông đa phương tiện bắt đầu được đào tạo ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Năm học 2016-2017, học viện này đăng ký mở thêm ngành phát thanh – truyền hình. Trường CĐ Thực hành FPT Polytechnic đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành quan hệ công chúng – truyền thông và tổ chức sự kiện để tuyển sinh trong năm 2016…
Thêm lựa chọn cho ngành môi trường
Xu hướng năm nay cho thấy các trường ĐH tập trung vào các ngành “độc” nhưng là thế mạnh đào tạo của mình.
Năm nay, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thêm 2 ngành là khoa học đất và quản lý tài nguyên nước trong tổng số 16 ngành đào tạo. Hai ngành này trang bị chuyên sâu kiến thức nhằm phát triển nông, lâm nghiệp và môi trường trên quan điểm sinh thái và phát triển bền vững, đánh giá tác động đến tài nguyên và môi trường từ hoạt động sản xuất và đời sống con người.
Ở phía Nam, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng mở 5 ngành mới là kỹ thuật tài nguyên nước, quản lý tài nguyên biển và môi trường biển đảo, hệ thống thông tin, kỹ thuật chế biến khoáng sản, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong đó, 2 ngành mới hoàn toàn, chưa có trường ĐH nào tại Việt Nam đào tạo là biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo.
Trường ĐH Giao thông Vận tải
TP HCM trong năm 2016 cũng sẽ tuyển sinh chương trình kỹ sư (4 năm) ngành kỹ thuật môi trường. Nhà trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo tổ hợp các môn: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, hóa, sinh. Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật môi trường có thể làm việc trong các lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên thuộc các cơ quan quản lý, các đơn vị sản xuất và kinh doanh; quản lý, tư vấn, thiết kế cho các dự án, đặc biệt là các dự án về giao thông trong lĩnh vực đánh giá tác động môi trường, giám sát chất lượng môi trường.
Ồ ạt mở ngành mới về kinh tế
Bên cạnh những ngành lạ, khối ngành kinh tế cũng được nhiều trường lựa chọn mở mới trong năm nay. Trường ĐH FPT sẽ mở thêm 2 ngành đang có nhu cầu nhân lực cao là kinh doanh quốc tế và công nghệ thông tin. Trường ĐH Kinh tế TP HCM cho biết năm 2016, trường có 13 chuyên ngành đào tạo mới: kinh tế học, kinh tế nông nghiệp, kinh tế quốc tế, quản trị khởi nghiệp, kinh doanh thương mại, quản trị truyền thông, kế toán công, thương mại điện tử, luật và quản trị địa phương, quản lý nhà nước, tiếng Anh thương mại, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cũng đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định cho phép mở 2 ngành đào tạo công nghệ vật liệu dệt, may và kinh doanh thời trang, dệt may.
Theo: Mở thêm nhiều ngành “độc”, lạ. (Yến Anh/NLDO).