Chân dung những sinh viên ra trường sớm
Còn nhớ 2 năm trước đây, gia đình và họ mạc của Thuý An đã mừng vui thế nào khi nghe tin em đỗ vào trường đại học Thuỷ Lợi. Lứa lợn vừa kịp lớn bố mẹ em đã vội bán đi để lấy tiền cho con học đại học với mong muốn sau này có bằng cấp đàng hoàng, làm “mở mày mở mặt” cả gia đình và dòng họ.
Nhưng rồi chỉ mới bước vào năm học thứ 2, An là một trong số những sinh viên bị nhà trường quyết định đuổi học vì không đảm bảo ngày giờ lên lớp, vi phạm nghiêm trọng nội qui kỷ luật của nhà trường.
Nguyên nhân cũng bởi sau một thời gian bỡ ngỡ nơi đô thành, An đã nhận ra sự “lạc hậu” của mình và cùng nhóm bạn lăn xả vào ăn chơi, tạm xả hơi sau những ngày cắm đầu cắm cổ vào học và thi. Tiền học bố mẹ chắt chiu gửi từ quê lên, An không đóng lại cho nhà trường mà dùng để mua sắm, chạy theo mốt này, mốt nọ.
Việc học hành bị bê trễ, nhiều hôm đi chơi khuya về, An ngủ một mạch đến trưa hôm sau, bỏ cả giờ học trên lớp. Có 7 môn học trong năm học thứ nhất thì An “nợ” tới 6 môn và kết cục là cô bị nhà trường đuổi học. Ân hận thì đã muộn, không dám về quê bởi xấu hổ với gia đình và họ hàng, làng xóm, An ra ngoài thuê nhà và xin làm chân tiếp thị cho hàng bia Heniken… Bao công sức của bố mẹ cô giờ “đổ ra sông, ra biển”.
An chỉ là một trong số nhiều sinh viên phải ra trường… sớm. Thay vì 4-5 năm ngồi trên ghế giảng đường để có được tấm bằng kỹ sư, cử nhân thì những cô cậu sinh viên này lại trở về với con số không lúc ban đầu. Ngoài một số sinh viên do lười học, ham chơi hoặc vì hoàn cảnh khó khăn phải đi làm thêm nên bê trễ việc học hành thì có không ít sinh viên trình độ quá kém.
Trường hợp của Thu Hà, sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên là một ví dụ. Thi đỗ đại học nhờ “quay cóp” bài trót lọt, Hà ung dung bước vào ngưỡng cửa đại học, để rồi thi môn nào cũng đạt điểm dưới trung bình, thi đi thi lại vẫn không đạt. Hết năm học đầu tiên, không thể theo kịp chương trình, Hà buộc phải “bỏ cuộc” và là một trong số hơn 20% sinh viên bị loại của trường.
Đào thải – quy luật tất yếu
Theo thống kê mới đây của một số trường đại học thì mỗi khoá học chỉ có khoảng 70-80% sinh viên ra trường, số còn lại phải học lại hoặc chuyển xuống hệ cao đẳng (nếu có), thậm chí phải thôi học
Mỗi năm, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội phải cho thôi học hoặc ngừng học khoảng 100 sinh viên, phần lớn đều rơi vào số sinh viên 2 năm đầu do nợ quá học trình hoặc không vượt qua được các kỳ thi. Hầu hết các sinh viên bị đuổi học là những sinh viên lười học, tính tự giác trong học tập kém. Quy luật đào thải trong môi trường đại học khá lớn và những sinh viên không xác định được cho mình đúng đắn mục đích học tập đương nhiên bị đào thải.
Theo thầy Nguyễn Mạnh Cường- Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải, nhiều sinh viên vào được trường đại học rồi nhưng lại không xác định được động cơ học tập, chưa có suy nghĩ sâu sắc về định hướng nghề nghiệp mà bê trễ việc học hành. Cũng có nhiều sinh viên khi thi vào trường điểm rất cao nhưng khi vào học thì khả năng tiếp thu rất yếu, vì vậy sau một thời gian theo học không thể theo kịp chương trình nên buộc phải “bỏ cuộc”.
Thêm vào đó, sự len lỏi của cơ chế thị trường vào đời sống của sinh viên, nhất là sinh viên ngoại trú cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng bỏ học. Để đào tạo ra một đội ngũ trí thức có trình độ cao cho xã hội thì việc đào thải những sinh viên không thực sự học là điều không thể tránh khỏi”.
Như vậy, việc loại các sinh viên không đáp ứng yêu cầu đào tạo của các trường ĐH là một hiện tượng bình thường. Thế nhưng, điều này dường như đến nay vẫn chưa được xã hội hiểu và chấp nhận một cách tự nhiên.
Không ít người cho rằng cứ vào được ĐH là đương nhiên có tấm bằng cử nhân, nên khi con cái rơi vào trường hợp “ra trường sớm”, họ có những phản ứng tiêu cực, đẩy con vào ngõ cụt và không dám đối diện với sự thật.
Nhiều sinh viên cũng chưa nhận thức đầy đủ việc này nên khi bị loại thường tỏ ra bi quan, chán nản, xấu hổ, dẫn tới những việc làm thiếu suy nghĩ, thậm chí có những người rơi vào con đường nghiện ngập, mại dâm, phạm tội… Đây là sự trả giá quá đắt cho những ai “chọn nhầm đường”.
(Theo VietBao.vn)