Tuyển sinh 2016: Chưa áp dụng việc triển khai xét tuyển chung.

“Xét tuyển chung là giải pháp có thể giúp hạn chế tối đa tình trạng thí sinh ảo và hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật, tuy nhiên bộ không ép buộc các trường phải tham gia xét tuyển chung”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định như vậy khi trả lời về chủ trương sử dụng phần mềm xét tuyển chung để các trường ĐH sử dụng kết quả thi THPT sẽ xét tuyển tập trung đang gây xôn xao dư luận.

“Bộ đang bàn các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 diễn ra an toàn, thuận lợi nhất, tránh các bất cập của năm 2015.

Sau khi phân tích, dự báo những vướng mắc có thể xảy ra, bộ thấy rằng “thí sinh ảo” trong các đợt xét tuyển có thể gây ra những khó khăn nhất định. Theo yêu cầu của một số trường, bộ tiếp tục bàn các giải pháp kỹ thuật phù hợp để hỗ trợ xử lý vấn đề này”, ông Ga cho biết.

Ông đánh giá: Một trong những giải pháp được dư luận hoan nghênh trong thời gian qua là tuyển sinh chung theo nhóm trường. Hiện có 2 nhóm trường đã hình thành: nhóm GX (nhóm xét tuyển chung của11 trường ĐH ở khu vực Hà Nội)ở Hà Nội và nhóm Đại học Đà Nẵng.

“Về mặt kỹ thuật, nếu quy mô nhóm càng lớn thì việc xét tuyển càng thuận lợi đối với thí sinh cũng như đối với các trường tham gia nhóm.

Do đó nếu phần lớn thí sinh trong cả nước đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên như qui định đối với nhóm (có thể hình dung phần lớn các trường ĐH trong cả nước là một nhóm) thì một phần mềm phân tích cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển chung có thể giúp hạn chế tối đa thí sinh ảo, qua đó tư vấn giúp các trường quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển phù hợp nhất.

Thực chất đây chỉ là phần mềm lọc ảo để hỗ trợ cho các trường trong xét tuyển, kết quả (nếu có) cũng chỉ để tư vấn cho các trường, việc sử dụng kết quả đó như thế nào là do các trường tự quyết định” – ông Ga khẳng định.

Ông Ga cũng nhấn mạnh việc sử dụng phần mềm này sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh.

Thí sinh vẫn đăng ký xét tuyển như bình thường vào trường như qui chế tuyển sinh đã qui định đối với nhóm, tất cả các điều kiện xét tuyển của trường vẫn được tôn trọng. Việc tham gia nhóm xét tuyển chung hoàn toàn do các trường tự nguyện, không bắt buộc.

Kết quả từ phần mềm xét tuyển chung (nếu có) cũng chỉ để các trường tham khảo nhằm tránh các tác động bất lợi của thí sinh ảo.

Quyết định danh sách trúng tuyển vẫn là quyền của các trường. Đây là hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

“Xét tuyển chung là giải pháp có thể giúp hạn chế tối đa tình trạng thí sinh ảo và hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật, tuy nhiên bộ không ép buộc các trường phải tham gia xét tuyển chung, đó là quyền của các trường” – ông Ga nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định từ giờ tới khi bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia qui chế tuyển sinh sẽ không có gì thay đổi:“Qui chế tuyển sinh năm nay đã ban hành trên cơ sở rút kinh nghiệm năm 2015, có sự tham khảo ý kiến rộng rãi và đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Không có lý do gì để phải sửa đổi qui chế, kể cả khi đa số các trường tự nguyện cùng nhau tham gia xét tuyển chung”.

Phần mềm tuyển sinh chung sẽ tiếp tục được bộ nghiên cứu nhưng việc triển khai xét tuyển chung sẽ dừng, chưa áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh 2016, (Theo thông tinbáo Tuổi trẻ).

Cùng chuyên mục