(Hieuhoc-Hieuhoc.com) Để đối mặt với những thách thức và rắc rối trong cuộc sống cá nhân cũng như trong công việc, nó đòi hỏi sự đáp ứng kịp thời đúng đắn nhất từ sự chọn lựa. Chúng ta cần nhận biết rõ ràng cảm xúc và suy nghĩ của mình khi đối mặt thách thức để có khả năng đối phó với chúng.
Bạn có thể điều khiển cuộc sống của chính mình, bạn có thể làm nên những lựa chọn dựa trên giá trị của chính mình, và sự lựa chọn hướng đi cho cuộc sống giúp bạn tự khám phá chính mình một lần nữa. Khi bạn nhận ra rằng, hầu hết mọi thứ bạn làm là do chính bạn chọn, những hành động có chủ tâm và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình thì bạn có thể kiểm soát được cuộc sống của mình tốt hơn, theo cách tích cực hơn.
Chúng ta có toàn quyền tự do để chọn lựa cách đáp ứng của chúng ta trước bất cứ hoàn cảnh nào, nó có thể là phản xạ bản năng khi gặp nguy hiểm, nó có thể là phản ứng khi tức giận, hay nó có thể là hành động sau khi đã suy xét. Và chính sự suy xét, chinh cái khoảng trống từ lúc nảy sinh sự kích thích của hoàn cảnh đến lúc bạn đáp trả, cái khoảng trống đó chứa đựng quyền tự do và sức mạnh để bạn lựa chọn cách phản ứng của riêng mình.
Trong sự chọn lựa đó, kỹ năng quán sát tâm trí sẽ làm chậm lại và dừng hẳn những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ lung tung và đó là khoảng trống cho những chọn lựa thông suốt. Điều cần lưu ý là sự chú tâm càng lớn, khoảng trống giữa sự việc đang đến đó với cách phản ứng của bạn càng lớn thì bạn càng có nhiều cách phản ứng và có cơ hội xem xét điều mình chọn lựa. Ví dụ, một người đang giận dữ, họ sẽ phản ứng tức thì theo thói quen như la hét, đập phá. Nhưng nếu người đó biết quán sát tâm trí chính mình, có thể tạo khoảng trống đủ lớn để nhận biết cơn giận đang xảy ra trong mình, họ có thể thay đổi phản ứng của mình và quyết định có hành động nào đó phù hợp.
Để không còn phải chịu những khuyết điểm từ các phản ứng bất kỳ theo thói quen. Bạn hãy thử chọn lựa như thế trong một thời gian xem (mà đó cũng là lựa chọn của bạn), cứ thử và trải nghiệm đi, hãy xem điều gì sẽ xảy ra, và biết đâu nó có thể là thói quen thứ 8 của bạn.
Chúc bạn thành công.
Trương Đăng Khoa (Hieuhoc-Hieuhoc.com)
Sách tham khảo:
Thói quen thứ 8 (Stephen R. Covey/Nxb VH)