Làm giáo viên có những năm nhận được lớp có nhiều học sinh ngoan hiền, chịu khó học hành nhưng cũng có năm nhận phải lớp có những học sinh “cá biệt” gây cho thầy cô nhiều phiền toái… Chính vì thế, sự ứng xử, phương pháp của thầy cô giáo với từng đối tượng học trò phải luôn khéo léo, linh hoạt.
Học sinh ngày nay nhiều em được cưng chiều, nhiều em chưa chú ý học hành và thậm chí có những em vô lễ, hỗn hào, thậm chí đánh cả thầy cô giáo… Nhưng, suy cho cùng các em vẫn là đối tượng cần được bảo vệ bởi lứa tuổi học sinh thì những bồng bột, nông nổi là điều không tránh khỏi, bởi lứa tuổi đó có nhiều em nhận thức chưa thấu đáo những hành vi của mình.
Điều quan trọng là thầy cô chung tay cùng gia đình uốn nắn và giáo dục các em trưởng thành mới là điều cao quí và đáng trân trọng. Bởi hơn hết, thầy cô là người trưởng thành, được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, được học tâm lí lứa tuổi và đặc biệt là làm thiên chức người thầy thì những hành động đánh học trò là hành động đáng lên án và rất đáng chê trách. Một thực tế chứng minh là người thầy giỏi về chuyên môn, giỏi về phương pháp và tâm huyết với nghề, biết tạo cho mình cái uy của người thầy thì rất ít học sinh lơ là học tập và hỗn láo với thầy.
Chúng tôi còn nhớ những ngày đi học, có nhiều thầy cô không bao giờ điểm danh nhưng học sinh không dám vắng, vào lớp không dám nói chuyện. Những buổi học của thầy bao giờ cũng tạo được sự im lặng nhất định để nghe lời thầy giảng bởi thầy giảng hay quá, thuyết phục quá. Ngoài những kiến thức sách vở là những kiến thức “làm người”, là cách đối nhân xử thế và bao giờ cũng “truyền lửa” cho học trò. Nhưng lại cũng có những giờ học lớp ồn như cái chợ bởi có những thầy cô vào lớp cứ quát nạt, khuôn mặt cau có, cả năm lên lớp thầy không hiện hữu một nụ cười…
Người thầy thời nay có nhiều áp lực, có nhiều hạn chế trong vai trò và vị trí của mình khi đứng lớp. Nhưng, nếu người thầy lấy biết dung hòa các mối quan hệ, biết lấy sự tiến bộ của học trò làm niềm vui thì hình ảnh người thầy sẽ luôn đẹp và không cần phải cầm cây, cầm thước đánh học trò để phải ân hận và tiếc nuối về hành động của mình.
Thứ nhất, trong tháng đầu năm học thì thầy cô phải tạo được “khoảng cách” nhất định giữa thầy và trò. Nếu thời gian này, thầy cô làm một chút “lạnh lùng” trước lớp, nghiêm khắc trước mọi hành vi vi phạm của học trò, biết làm cho học trò “sợ” mình thì những tháng học còn lại về sau thầy cô sẽ rất “nhàn”.
Thứ hai, những em học sinh được xem là “cá biệt” thì mạnh dạn xếp lên dãy bàn đầu tiên để các em không có cơ hội bắt chuyện với bạn bè xung quanh cũng như dám làm việc riêng. Trường hợp nếu các em vi phạm chưa nghiêm trọng, điều tối kị là làm lớn sự việc như báo Ban giám hiệu hay chủ nhiệm lớp. Cái gì trong khả năng, quyền hạn của mình thì mình nên giải quyết. Đồng thời, thể hiện sự cương quyết nhưng bao dung, vị tha, gần gũi kèm cặp các em.
Thứ ba, phải tạo được dấu ấn của người thầy trước lớp bằng nhiều phương pháp giảng dạy, cập nhật những kiến thức mới cho bài học. Những kiến thức ngoài sách giáo khoa thường tạo sự thích thú cho các em học sinh, nhất là những em khá giỏi. Ngoài ra, cũng cần thiết kể những câu chuyện vui, thiết thực liên quan đến bài giảng, nhất là khi thấy các em mệt mỏi, những lúc chuyển tiết (nếu dạy 2 tiết liên tục một lớp).
Thứ tư, khi thấy các em làm việc riêng như đọc truyện, chơi game thì người thầy không nên làm lớn chuyện. Cần nhẹ nhàng xuống chỗ các em vi phạm “mượn” tang vật lại. Cuối giờ trả lại cho các em và đừng quên bài học giáo dục để các em không dám tái phạm nữa.
Thứ năm, luôn luôn biết “truyền lửa” cho học trò để các em hướng tới một tương lai tốt. Giáo viên cần tìm hiểu hoàn cảnh của những em học sinh hay vi phạm, lơ là trong học tập để từ đó tác động bằng nhiều phương pháp khác nhau để các em chuyển biến. Những em được xem là học sinh “cá biệt” lại thường là những em hiếu động và nhận thức nhanh, có quan hệ rộng nên nếu “cảm hóa” được một vài em này sẽ có tác động đến rất nhiều học sinh khác.
Thứ sáu, giáo viên liên hệ chặt chẽ với phụ huynh để cùng giáo dục các em. Cha mẹ hợp tác hay không là một phần nhờ vào tài “ăn nói” của thầy cô.
Đánh học trò là điều tối kị của người thầy thời nay. Không nên đánh học trò, dù chỉ là một cây thước nhỏ nhưng cảm hóa được các em “cá biệt” mới là những những người thầy “giỏi”. Hạnh phúc của người thầy được chắt chiu từ những gì đơn sơ và giản dị nhất, mà điều “đơn sơ, giản dị” và đẹp nhất là sự thành đạt của học trò và sự tôn trọng của học trò dành cho thầy.
Theo – Đánh học trò: Điều tối kị của người thầy thời nay (Nguyễn Cao/DânTrí)