Nhận định của chuyên gia và ngay cả TS cũng nói đề năm nay có phần dễ hơn năm ngoái. Do đó, rất khó nói điểm sàn năm nay sẽ như thế nào. Tuy nhiên, mức 13 điểm như trước nay là ổn, vì thấp hơn thì tệ quá
Ngay từ chiều qua, một số trường đã huy động làm phách để tiết kiệm thời gian. Dự kiến từ ngày 20-7, nhiều trường công bố điểm thi.
Đề thi đợt 1 vào khối A, A1 và V được nhiều giáo viên đánh giá có tính phân loại cao, một số câu hỏi mang tính ứng dụng, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn. Với đề thi này, không nhiều thí sinh (TS) đạt điểm tối đa nhưng phổ điểm sẽ tập trung ở mức 5-7. Điểm trúng tuyển ở một số trường có thể biến động, điểm sàn cũng khó thấp hơn năm trước.
Điểm sàn có thể tăng 0,5 điểm
PGS-Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng đề toán lạ nhưng không khó lắm, đề vật lý cũng khó và dài, còn đề hóa thì đỡ hơn. Nhận định của chuyên gia và ngay cả TS cũng nói đề năm nay có phần dễ hơn năm ngoái. Do đó, rất khó nói điểm sàn năm nay sẽ như thế nào. Thêm vào đó, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến tính điểm sàn theo cách khác nên cũng không biết cách khác được thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, mức 13 điểm như trước nay là ổn, vì thấp hơn thì tệ quá”.
ThS Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính-Marketing TP.HCM, nói: “Năm nay khối kinh tế giảm mạnh, trong khi khối kỹ thuật tăng số TS dự thi nên cũng khó nói tình hình điểm sàn thay đổi thế nào. Nhưng mức 13 điểm như lâu nay là “chót” rồi, nếu thấp hơn thì cộng điểm ưu tiên vào là dưới 10. Trình độ học ĐH mà chỉ hơn 3 điểm mỗi môn là thấp!”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Phó Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Điểm sàn phụ thuộc vào đề thi và chất lượng TS. Xu hướng điểm sàn nhiều năm nay cũng lưng chừng mức 13 điểm nên chỉ có thể từ mức này hoặc tăng”. Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cũng nhận xét: “Điểm sàn là ngưỡng để bảo đảm chất lượng đầu vào nên nếu thấp hơn 13 thì điểm sàn hệ CĐ cũng sẽ thấp theo. Đề thi năm nay được đánh giá tốt nên tôi nghĩ sẽ tăng 0,5 điểm. Điểm sàn khối A1 cũng có thể tương đương khối A”.
Điểm trúng tuyển cao hay thấp?
111 là số TS bị đình chỉ thi trong cả ba buổi thi đợt 1 khối A, A1 và V; trong đó có một trường hợp thi hộ vào Học viện An ninh nhân dân, còn lại chủ yếu mang ĐTDĐ vào phòng thi. Ngoài ra, đợt 1 còn có 19 TS bị khiển trách và bốn bị cảnh cáo. Cán bộ coi thi cũng có hai trường hợp bị đình chỉ và khiển trách năm.
Theo các chuyên gia, năm nay TS không trúng tuyển được cấp đến ba giấy chứng nhận kết quả thi. Do đó tỉ lệ TS ảo khi đăng ký xét tuyển sẽ rất cao. Để tránh ảo, nhiều trường cho biết sẽ cố gắng lấy đủ chỉ tiêu từ nguyện vọng 1. Do đó điểm trúng tuyển năm nay ở một số trường có thể tương đương năm trước.
Tuy nhiên, các trường khối kinh tế tỏ ra lo lắng hơn. Chẳng hạn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM có số TS dự thi chỉ nhỉnh hơn chỉ tiêu nên điểm trúng tuyển có thể thấp hơn, tức sẽ không còn mức 18-20 như năm trước. “Ngành tài chính-ngân hàng những năm trước có tới 4.000 TS trở lên nhưng năm nay chỉ có hơn 800, trong khi chỉ tiêu 600. Điểm trúng tuyển ngành này những năm trước 18,5-20 nhưng dự kiến năm nay có thể thấp hơn. Nhưng sẽ không quá thấp để giữ chất lượng và chúng tôi sẽ tăng cường xét tuyển nguyện vọng bổ sung” – Trưởng phòng Đào tạo Phan Ngọc Minh cho biết. PGS-Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng: “Các ngành điểm trúng tuyển sẽ tăng là công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, quản lý đất đai. Còn lại nhiều ngành điểm trúng tuyển sẽ bằng điểm sàn. Thường thì khối B sẽ có điểm trúng tuyển cao hơn khối A”.
Bắt đầu làm phách chấm thi
Ngay từ chiều hôm qua, sau khi kết thúc môn hóa học, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã huy động làm phách để tiết kiệm thời gian. “Chúng tôi còn tổ chức thi khối B và D1 vào đầu tuần sau nên sợ không kịp tiến độ. Từ ngày 15-7, trường bắt đầu chấm thi và khoảng cuối tháng sẽ công bố điểm” – Phó Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Hùng cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay: “Hôm nay (6-7) hội đồng tuyển sinh bắt tay vào làm phách và sẽ chấm thi từ ngày 11-7. Năm nay lượng TS dự thi đông nên thời gian chấm thi kéo dài hơn mọi năm. Tuy nhiên, dự kiến sẽ hoàn tất trước ngày 25-7 để công bố điểm thi đại học cho TS”. Những trường ít TS dự thi như ĐH Đà Lạt, ĐH Tiền Giang, ĐH Quảng Nam sẽ công bố điểm sớm từ ngày 20-7.
Với các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, ngoài giảng viên của mình, sẽ mời giáo viên dạy phổ thông có kinh nghiệm để chấm thi cho kịp tiến độ. Ngày 11-7 các trường bắt đầu làm phách và chấm thi. Riêng khoa Y không tự chấm mà nhờ Trung tâm Khảo thí làm việc này, cũng như Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ nhờ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chấm thi khối A, B.
Nguồn phapluattp