Để có kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ việc ôn tập và làm bài có hiệu quả hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc ôn tập, cách làm bài của học sinh còn gặp nhiều vấn đề: Học vẹt, học không nắm được trọng tâm của bài, dễ dẫn tới hiện tượng học bài trước quên sau. Vì vậy, để không lẫn lộn, chồng chéo kiến thức, tôi xin có một vài kinh nghiệm nhỏ:
– Khi ôn tập: Sơ đồ hóa kiến thức của từng bài, từng chương là việc đầu tiên cần làm, thực tế phần lớn học sinh không làm thao tác này dẫn đến không nắm được trọng tâm, nắm đủ nội dung của từng bài và dễ nhầm lẫn kiến thức. Sau đó, tìm hiểu mối liên hệ về kiến thức của các bài đó và ghi nhớ một cách có hiệu quả nhất (học thuộc đồng thời với ghi ra nháp..).
Cần bám sát sách giáo khoa và tài liệu chuẩn kiến thức, để nắm được các kiến thức cơ bản của chương trình, tránh tình trạng ôn lan man, ôn không đúng trọng tâm. Cần biết lựa chọn các bộ đề, tài liệu ôn tập phù hợp, vì trên thị trường hiện nay “loạn tài liệu”.
Nên trao đổi thường xuyên với giáo viên bộ môn, bạn bè, hoặc nhóm học tập để nắm vững và củng cố kiến thức, kết hợp tự kiểm tra kiến thức của mình bằng một hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa và lượng kiến thức tương ứng giữa sách giáo khoa với một số đề thi tuyển sinh ĐH cùng môn ở các năm trước là một yếu tố quan trọng để nắm vững và chắc kiến thức. Kết hợp với việc tái hiện kiến thức bằng hệ thống các bài tập, bài tự kiểm tra sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc ôn tập và nắm chắc, vững kiến thức.
– Khi làm bài: Nếu ôn tập kĩ nhưng không có phương pháp làm bài sáng tạo, khoa học chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao, nên khi làm bài cần:
Đọc kĩ đề và xác định nội dung của đề nằm trong phần nào của trương trình (địa lí tự nhiên, dân cư hay địa lí ngành kinh tế), từ đó vạch ý cho phù hợp với đặc điểm riêng của từng phần. Ví du, địa lí ngành kinh tế cần trình bày: Điều kiện phát triển (thuận lợi, khó khăn), tình hình phát triển, ý nghĩa mang lại và giải pháp phát triển bền vững là gì…; hoặc địa lí vùng kinh tế cần tìm hiểu về vị trí địa lí, ý nghĩa về vị trí, thế mạnh của vùng (tự nhiên, kinh tế – xã hội), khó khăn và giải pháp…
Câu hỏi kĩ năng là đặc thù riêng biệt của bộ môn: vẽ biểu đồ, vì vậy nên cần hết sức chú ý dạng biển đồ cần vẽ để tận dụng ưu thế tuyệt tối về điểm của câu hỏi này.
Trình bày bài phải khoa học, logic theo từng ý (chia ra ý lớn, ý nhỏ riêng biệt), nhằm tránh chồng chéo, lặp và thiếu ý, đồng thời với chữ nghĩa rõ ràng, đúng chính tả, ngữ pháp hợp lí là yếu tố quan trọng giúp học sinh đạt điểm cao.
(Nguồn GD&ĐT)